Ca nương ‘nghiệp dư’ khơi lại truyền thống ca trù trên xứ nhãn lồng
Vừa nhắc tới ca trù, thầy thuốc đông y Đỗ Thị Thanh Nhàn (Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ca trù Đào Đặng, Hưng Yên) hào hứng lục tìm cuốn “Lịch sử và Nghệ thuật ca trù” cho chúng tôi xem. Đây là niềm đam mê mà người con gái xứ Tràng An đã theo đuổi cho đến bây giờ.
Cháy sáng “ngọn lửa” Ca trù
Xuất hiện với phần thi ca trù ấn tượng trong Liên hoan Dân ca toàn quốc năm 2009, Liên hoan Tiếng hát Ca trù toàn quốc năm 2014,… ca nương Đỗ Thị Thanh Nhàn gây ngạc nhiên cho khán giả bởi những động tác gõ phách đặc biệt, ăn khớp với lời ca khi hát khúc “Tỳ bà hành”; “Gửi thư”; “Chúc hỗ”.
Lòng yêu mến ca trù đã thấm vào tâm hồn bà từ thuở nằm nôi khi được cha mẹ ru bằng những điệu ả đào. Ban đầu, bà không biết những câu ca được nghe từ tấm bé chính là ca trù. Lặn lội tìm hiểu trên sách báo, nghiên cứu tích hát ca trù của Bà Đào Nương (tại làng Đào Đặng),… ca nương Nhàn mới biết hát ả đào, hát cô đầu là tên gọi khác của ca trù. Với bà, chỉ khi hiểu thật đúng, thật sâu thì sức cảm thụ mới mạnh mẽ và có như vậy hát mới hay, đánh phách mới ngọt.
Khác với các loại hình âm nhạc khác, ca trù không có nhịp mà tuân thủ theo nguyên tắc riêng biệt, trong đó ca nương gõ phách cũng là người chỉ huy. Khi biểu diễn phải kết hợp vừa hát vừa gõ phách, một người cùng lúc phải thực hiện hai động tác khác nhau, đòi hỏi sự tập trung cao và sự thuần thục.
Theo bà, người hát ca trù còn phải bắt được cái thần của nó – thần thái toát ra từ gương mặt ca nương. Đó cũng là yếu tố giúp bà chinh phục khán giả và gặt hái huy chương tại các Liên hoan Ca trù.
Vì say mê ca trù, bà tự học bằng cách nghe nhiều băng đĩa của những giọng ca nổi tiếng như Châu Doanh, Chu Thị Bốn, Quách Thị Hồ,…, tập hát và tìm thầy sửa.
Sự kiên trì tập luyện giúp bà sở hữu chất giọng chắc, vang, hát tròn vành và “nảy hạt” như một nghệ nhân thực thụ. Từng câu hát như bày tỏ nỗi lòng, lời người xưa răn dạy thế nhân từ những bài hát của môn nghệ thuật kết hợp đỉnh cao giữa âm nhạc và thi ca này.
Được coi là môn nghệ thuật bác học nên trước đây khi hát, ca nương mắt phải nhìn thẳng, nét mặt tươi nhưng cười không hở miệng.
CLB Ca trù Đào Đặng ra đời
Hiện nay, ngoài công việc của một thầy thuốc, bà Nhàn còn dạy ca trù cho những “nghệ sĩ” nông dân. Mong muốn lớn nhất của bà là ca trù được hồi sinh và phát triển mạnh mẽ. Bằng kinh nghiệm bản thân, bà đã truyền dạy cho gần 30 người từ một đến ba thể cách là hát nói, hát miễu và 36 giọng.
Bà Nhàn còn thành lập Câu lạc bộ Ca trù Đào Đặng, Trung Nghĩa, Hưng Yên, truyền dạy cho nhau theo phương thức truyền thống, tức là “bắt tay chỉ việc”. Người dạy trực tiếp chỉ cho người học cách đàn, hát, nảy hạt, lấy hơi, chuyển giọng, đánh phách.
Những ngày đầu thành lập CLB, bà Nhàn đến từng nhà cổ vũ mọi người hát ca trù để khôi phục, giữ gìn nét truyền thống xa xưa trên mảnh đất này. Và cứ thế, vào hai ngày cuối tuần, mang trong mình tình yêu ca trù, những “nghệ sĩ” không ngại khó khăn, vẫn duy trì các buổi sinh hoạt. Ban ngày, họ là người nông dân gắn bó với cái cuốc, cái cày; tối đến, họ lại là nghệ sĩ tay cầm phách, tay đàn trống, say mê với những làn điệu ca trù mộc mạc của quê hương.
Mãi đến ngày 14/4/2013, UBND tỉnh Hưng Yên mới ra quyết định thành lập CLB Ca trù thôn Đào Đặng, dù thực tế CLB đã hoạt động được hơn một năm với 15 thành viên (hiện nay đã có tới 28 thành viên).
Khi được hỏi về hướng đi của CLB, bà Nhàn bày tỏ: “CLB đang tuyển thêm thành viên mới. Nhiều người yêu thích Ca trù đã đến đăng ký, không chỉ có người già mà còn có rất nhiều người trẻ thậm chí cả những cháu nhỏ đang học mẫu giáo cũng được gia đình đưa đến đăng kí học). Đây là niềm động viên lớn đối với chúng tôi. CLB Ca trù Đào Đặng đạt giải đồng trong Liên hoan Ca trù toàn quốc năm 2014“
Tích hát Ca trù của bà Đào Nương tại làng Đào Đặng
Thôn Đào Đặng xưa là làng Đào Đặng, huyện Tiên Lữ, phủ Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên – quê hương của bà Đào Thị Huệ, ca nương nổi tiếng khắp vùng Lam Sơn vào cuối đời nhà Hồ (đầu thế kỉ XV). Bà được nhân dân gọi là tổ nghề Ca trù Hưng Yên. Năm ca nương Đào Thị Huệ 18 tuổi, nhà Minh phương Bắc mượn cớ phù Trần diệt Hồ, đem quân xâm lược nước ta. Căm thù quân giặc tàn ác, sách nhiễu dân làng, nàng đã mang tiếng hát của mình vào tận bản doanh tướng giặc giúp nghĩa quân lập nhiều chiến công. Khi nàng Đào mất, nhân dân trong vùng tưởng nhớ công lao to lớn, đã lập đền thờ. Người dân nơi đây vẫn gọi đền thờ bà là đền Mẫu hoặc đền Đào Nương.