Bộ Y tế cảnh báo: Bệnh viêm phổi từ TQ có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam
Bộ Y tế cảnh báo bệnh viêm phổi lạ có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam, người dân cần hạn chế tiếp xúc gần với bệnh nhân viêm đường hô hấp cấp tính, những người trở về từ thành phố Vũ Hán (Trung Quốc), nơi có người tử vong vì căn bệnh này cần đến ngay cơ sở y tế nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở.
59 trường hợp nhập viện
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, theo thông tin mới nhất thì tính đến ngày 10/1, tại thành phố Vũ Hán (Hồ Bắc, Trung Quốc) đã ghi nhận 59 trường hợp bệnh nhân nhập viện nghi mắc viêm phổi cấp do virus họ corona chủng lạ gây ra.
Trong đó, 41 trường hợp dương tính với chủng coronavirus mới (Một người đàn ông 61 tuổi hiện đã tử vong và còn 7 người khác vẫn đang trong tình trạng nguy kịch).
Theo Cơ quan Y tế Vũ Hán, tất cả những bệnh nhân trên chủ yếu là người bán và mua hàng ở chợ hải sản Huanna của nước này. Khu chợ hiện đã bị đóng cửa. Hơn 700 người từng tiếp xúc với các bệnh nhân cũng bị cách ly để theo dõi sức khỏe.
Chưa có thuốc đặc trị
“Hiện tại vẫn chưa có thuốc đặc trị cho bệnh viêm phổi lạ, phác đồ điều trị vẫn là căn cứ vào các biểu hiện của bệnh nhân, trong đó đặc biệt chú ý hạ sốt, đảm bảo dinh dưỡng cũng như các chức năng của gan, tim và phổi để người bệnh hồi phục dần”, nguyên Phó Chủ nhiệm khoa hô hấp và các triệu chứng nghiêm trọng thuộc bệnh viện quân đội nhân dân Trung Quốc Vương Hải Long cho hay.
Hiện cũng chưa có bằng chứng rõ ràng lây truyền từ người sang người, chưa ghi nhận trường hợp nhân viên y tế bị mắc bệnh và Việt Nam cũng chưa ghi nhận trường hợp nào mắc căn bệnh trên.
Người dân cần chủ động phòng chống dịch, bảo vệ bản thân
Tuy nhiên, trước tình hình diễn biến phức tạp của các trường hợp viêm phổi cấp do chủng vi rút mới coronavirus tại thành phố Vũ Hán, để chủ động phòng chống bệnh, Bộ Y tế Việt Nam khuyến cáo người dân và cộng đồng thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa, cụ thể:
- Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh viêm đường hô hấp cấp tính;
- Khi cần phải tiếp xúc với người bệnh, phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách khi tiếp xúc.
- Giữ ấm cơ thể, vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc họng bằng nước sát khuẩn miệng để phòng bệnh viêm phổi;
- Cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp;
- Hạn chế tiếp xúc gần với các trang trại nuôi động vật hoặc động vật hoang dã;
- Những người trở về từ Vũ Hán hoặc có tiếp xúc gần với người mắc bệnh viêm phổi tại thành phố này trong vòng 14 ngày nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.
Hiện tại, Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (PHEOC) đặt tại Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế đã tổ chức họp nhằm đánh giá tình hình dịch bệnh, rà soát các hoạt động đáp ứng và đề xuất các biện pháp phòng chống dịch bệnh phù hợp trong thời gian tới.
Được biết, trước đó vào tháng 12/2019, các bệnh viện tại Hong Kong cũng đã ghi nhận 38 ca sốt, nhiễm trùng đường hô hấp hoặc viêm phổi sau khi đi du lịch Vũ Hán. 21 người trong số đó đã được xuất viện. Hiện chưa có ca bệnh nghiêm trọng.
Cơ quan y tế Đài Loan cách ly một bệnh nhân có triệu chứng viêm phổi vào ngày 6/1, hơn hai tuần sau khi trở về từ Vũ Hán.
Tại Hàn Quốc, ngày 7/1 Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch ghi nhận một phụ nữ Trung Quốc bệnh viêm phổi có liên quan đến thành phố Vũ Hán.
Nhiều sân bay, cửa khẩu ở Trung Quốc, Đài Loan, Hong Kong, Singapore và cả Việt Nam… đang tăng cường giám sát thân nhiệt hành khách, đặc biệt là khách từng đến Vũ Hán, để ngăn dịch bệnh viêm phổi xâm nhập.
Theo các nhà khoa học thì chủng Corona là một họ lớn của virus có thể gây bệnh từ nhẹ đến nặng như các trường hợp cảm lạnh thông thường hoặc các trường hợp bệnh MERS và SARS. Một số chủng có thể lây truyền dễ dàng từ người sang người, trong khi đó số chủng khác thì không.
Vũ Tuấn (t/h)
Bài liên quan: