Bộ Xây dựng đề xuất cho ‘người nước ngoài’ mua bất động sản du lịch
Bộ Xây dựng đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản (BĐS) 2014 theo hướng cho phép tổ chức, cá nhân ‘nước ngoài’ được mua BĐS du lịch.
Vừa qua, Bộ Xây dựng đã đề xuất Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung Luật nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản năm 2014 theo hướng tăng số lượng nhà ở mà tổ chức, cá nhân nước ngoài được phép sở hữu trong mỗi một toà nhà chung cư; cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu các bất động sản du lịch tại Việt Nam.
Đây được xem là biện pháp mà Bộ đưa ra để gỡ khó cho các doanh nghiệp bất động sản trong nước, đồng thời là biện pháp ‘nóng’ nhằm mục tiêu phục hồi nền kinh tế sau đại dịch.
Ông Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch kiểm Tổng thư ký Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, chỉ có một bộ phận nhỏ người có thu nhập cao trong xã hội Việt Nam có nhu cầu mua bất động sản cao cấp, nên nhà thuộc phân khúc này đang có lượng hàng tồn kho lớn.
Trong khi đó, nhu cầu của người nước ngoài ở phân khúc cao cấp nhiều hơn trong nước. Vì thế nên xem xét lại quy định theo hướng mở rộng tỷ lệ người nước ngoài được mua nhà tại các dự án thuộc phân khúc cao cấp, để tăng tính thanh khoản cho phân khúc này.
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng việc thu hút đầu tư vào bất động sản của nhà đầu tư nước ngoài là một trong những chiến lược mang tính lâu dài và bền vững của du lịch Việt Nam. Thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó có cả cá nhân người nước ngoài vào du lịch sẽ vừa tạo được nguồn vốn, vừa tạo được thị trường cho bất động sản du lịch nghỉ dưỡng
Tuy nhiên, đề xuất trên cũng vấp phải nhiều phản đối. Nguyên nhân là vì những lo ngại trong vấn đề quốc phòng. Trong bối cảnh người Trung Quốc sở hữu, núp bóng sở hữu và thuê đất tại Việt Nam đang gây hoang mang trong dư luận, thậm chí Bộ Quốc phòng đã có báo cáo cụ thể về vấn đề này. Ngoài ra, chỉ mấy ngày trước thôi, Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư Phùng Hữu Phú đã khẳng định chắc chắn Trung Quốc không bao giờ từ bỏ ý đồ thao túng Biển Đông, vậy thì vấn đề an ninh lại càng nổi cộm hơn.
Thượng tướng Võ Tiến Trung, nguyên Giám đốc Học viện Quốc phòng cho rằng, những địa điểm như Vân Đồn (Quảng Ninh) Vân Phong (Khánh Hòa) hay Phú Quốc (Kiên Giang) là nơi rất tốt cho phát triển kinh tế nhưng cũng là yết hầu về an ninh quốc phòng. Khu vực này bắt đầu xây dựng, khai thác kinh tế phải thận trọng cần ngăn ngừa không để xảy ra các vấn đề tồn tại như một số khu vực ven biển miền Trung.
Báo VOV Giao thông dẫn ý kiến một chủ đầu tư bất động sản. Ông cho rằng nếu đồng ý cho người nước ngoài mua bất động sản du lịch đồng nghĩa với những rủi ro. Một dự án bất động sản nghỉ dưỡng ven biển khó tách bạch khu vực bán cho người nước ngoài và khu vực bán cho nhà đầu tư trong nước, chúng ta chỉ kiểm soát được tỷ lệ được phép bán cho người nước ngoài trên tổng dự án là bao nhiêu.
Xoay quanh vấn đề này, lãnh đạo Cục Phát triển nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) nói: “Đây mới chỉ là đề xuất từ phía Bộ Xây dựng khi nhận được tiếp thu, phản ánh từ các địa phương và doanh nghiệp về vấn đề này”, vị này khẳng định.
Từ Thức (t/h)