Bộ trưởng Bộ Xây dựng: Sốt ảo đã qua, thị trường BĐS rơi vào suy thoái
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho rằng thời gian qua thị trường bất động sản (BĐS) chuyển từ tình trạng sốt ảo sang suy thoái, nạn đầu cơ khiến giá trị giao dịch trên thị trường không phản ánh đúng giá trị thực tế.
Thay mặt Chính phủ gửi báo cáo việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội, Bộ trưởng BXD Phạm Hồng Hà nhận định từ năm 2018 đến giữa năm 2019 thị trường bất động sản đã xảy ra tình trạng sốt ảo, làm giá, đẩy giá lên cao để thu lợi bất chính tại một số địa phương Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang, TP.HCM.
Cung cầu đều giảm, giá thì tăng
Theo báo cáo của Chính phủ, giai đoạn 2014 – 2018 giá nhà đất liên tục tăng cao, đến giữa năm 2019 thì chạm đỉnh và có xu hướng suy thoái. Lượng giao dịch bất động sản năm 2019 giảm hơn 40%, nguồn cung dự án bất động sản giảm 10% so với năm 2018. Đặc biệt, trong những tháng cuối năm 2019, lượng giao dịch bất động sản giảm hơn 70%, nguồn cung dự án mới giảm hơn 40% so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân trực tiếp được chỉ ra là do đại dịch. Ngoài ra do vướng mắc trong thủ tục hành chính khiến số dự án được cấp phép bị hạn chế. Thống kê của Bộ Xây dựng cũng cho thấy nguồn cung nhà ở 6 tháng giảm 5,8% so với cùng kỳ năm trước.
Bộ Xây dựng đánh giá giá nhà không có xu hướng giảm mà vẫn tăng so với thời điểm cuối năm 2019. Tại Hà Nội, giá căn hộ chung cư tăng 0,16%, nhà ở riêng lẻ tăng khoảng 0,01%; trong khi đó tại TP.HCM giá căn hộ chung cư tăng khoảng 0,25%, nhà ở riêng lẻ giá tăng khoảng 0,15% so với cùng kỳ năm 2019.
Tuy vậy, cũng tại hai thị trường lớn này, theo Bộ Xây dựng đánh giá thì vẫn dư thừa sản phẩm nhà ở cao cấp, diện tích lớn, giá bán cao. Trong khi đó, sản phẩm nhà ở bình dân phù hợp với nhu cầu của đại bộ phận dân cư đô thị thì lại thiếu.
Bộ Xây dựng cũng cho rằng giá nhà ở trên thị trường không phản ánh đúng giá trị thực bất động sản, không phù hợp với khả năng chi trả của số đông người dân. Theo bộ này, giá nhà ở hợp lý nếu lợi nhuận cho thuê nhà xấp xỉ lãi suất tiền gửi ngân hàng. Nhưng hiện nay giới đầu cơ bất động sản vẫn hoạt động công khai, lợi dụng các yếu tố xã hội như chuẩn bị quy hoạch đô thị, chuẩn bị xây dựng các công trình hạ tầng, mở rộng đô thị để đẩy giá lên cao, thu lợi bất chính gây bất ổn thị trường.
Liệu có nguy cơ xảy ra bong bóng bất động sản?
Trước đó vào cuối tháng 9, Văn phòng Chính phủ đã phát đi Thông báo số 332/TB-VPCP truyền đạt ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp Ban chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Theo văn bản, Phó Thủ tướng đã cảnh báo về khả năng xảy ra bong bóng bất động sản và nhắc nhở các cơ quan hữu quan làm tốt công tác dự báo, nắm chắc tình hình diễn biến của thị trường và thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời để bình ổn thị trường.
Còn theo báo cáo của Chính Phủ nói trên, Bộ Xây dựng cho rằng trong ngắn hạn thị trường bất động sản sẽ tiếp tục gặp khó khăn do tác động của đại dịch, nhưng trong dài hạn vẫn có nhiều tiềm năng, tín hiệu lạc quan từ thị trường bất động sản, đặc biệt là phân khúc bất động sản công nghiệp do sự chuyển dịch của dòng vốn FDI vào VN.
Cũng theo bộ này, thị trường bất đông sản hiện nay cho thấy chưa có biểu hiện cực đoan như đóng băng hay phát triển nóng.
Từ Thức (t/h)