Bộ GTVT: Đường sắt Cát Linh – Hà Đông chậm trễ do Tổng thầu Trung Quốc ‘từ chối hợp tác’
Bộ GTVT cho biết, dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông bị chậm trễ là do phía Tổng thầu EPC Trung Quốc thiếu hợp tác. Ngoài ra còn do nhiều yếu tố khác như: Thiếu quy định về hợp đồng trọn gói (EPC), vướng mặt bằng, các nhà thầu thiếu kinh nghiệm…
Theo thông tin trên báo VTV News, mới đây, Bộ GTVT cho biết, dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã hoàn thành việc xây dựng, lắp đặt thiết bị và thử vận hành toàn hệ thống vào tháng 12/2020.
Bộ cũng đã hoàn thành công tác nghiệm thu và gửi Hội đồng nghiệm thu Nhà nước, đề nghị tiến hành kiểm tra và có ý kiến chấp thuận công tác nghiệm thu dự án.
Dự kiến, trong tháng 10/2021, hội đồng sẽ tổ chức họp để ra thông báo kết quả kiểm tra cuối cùng. Sau đó, dự án sẽ được Bộ GTVT bàn giao cho UBND TP. Hà Nội tiếp nhận và vận hành khai thác.
Tuy nhiên, hiện dự án vẫn còn vướng mắc liên quan tới công tác thanh toán và thực hiện ý kiến kết luận của Kiểm toán Nhà nước (thực hiện năm 2018).
Cụ thể, dự án là do Tổng thầu EPC Trung Quốc phụ trách nhưng nhà thầu này lại cho rằng mình không có nghĩa vụ phải thực hiện các kết luận của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam.
Không những vậy còn thiếu hợp tác, từ chối thực hiện, nhất là các nội dung liên quan đến chi phí phát sinh, bổ sung, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục theo yêu cầu của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam…
Ngoài ra còn do nhiều yếu tố khác khiến dự án chậm tiến độ, đội vốn được Bộ GTVT liệt kê như: Thiếu quy định về hợp đồng trọn gói (EPC), vướng mặt bằng, các nhà thầu thiếu kinh nghiệm, dẫn tới phải điều chỉnh làm tăng tổng mức đầu tư dự án, chưa lường hết các yêu cầu về kỹ thuật công nghệ…
Trước đó báo Người Lao Động đưa tin, dự án Cát Linh – Hà Đông được khởi công tháng 10/2011, đại diện chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án Đường sắt, chủ đầu tư là Bộ GTVT. Công ty TNHH Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc là tổng thầu EPC và Công ty TNHH Giám sát xây dựng Viện nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh là tư vấn giám sát thi công.
Mức đầu tư dự kiến ban đầu là 8.770 tỷ đồng (tương đương 552,86 triệu USD), sau có điều chỉnh lên 18.002 tỷ đồng (tương đương 868,04 triệu USD). Dự kiến đến năm 2015 sẽ đưa vào khai thác.
Dự án có vốn đối ứng 4.134 tỷ đồng (tương đương 198,43 triệu USD) và vốn vay ODA của Trung Quốc là 13.867 tỷ đồng (tương đương 669,62 triệu USD).
Đến nay, dự án này đã nhiều lần chậm trễ và chưa rõ bao giờ mới về đích.
Yên Yên (t/h)