Bộ GTVT: Chậm tiến độ, nhận phạt tự phê bình và… nghiêm khắc tự phê bình
Chậm tiến độ tổ chức thực hiện hệ thống thu phí tự động không dừng, 30 cá nhân có trách nhiệm bao gồm Bộ trưởng và Thứ trưởng GTVT phụ trách dự án tự nhận hình thức nghiêm khắc phê bình, rút kinh nghiệm.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể vừa gửi báo cáo đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về kết quả triển khai dự án hệ thống thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng (ETC).
Trước đó, tháng 10/2017, UBTVQH đã yêu cầu “từ năm 2019, triển khai đồng bộ thu phí dịch vụ không dừng đối với tất cả các tuyến quốc lộ được đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT trên cả nước”. Tuy nhiên đến nay tiến độ thực hiện rất chậm.
Tuy nhiên hiện tại trên địa bàn cả nước mới chỉ có 46/93 trạm thu phí tự động được lắp đặt, vận hành làn ETC.
Trong đó, các trạm do Bộ GTVT quản lý mới lắp đặt, vận hành làn ETC tại 40 trạm; các trạm do UBND các tỉnh quản lý là 6 trạm.
Trước chất vấn, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết 8 tập thể thuộc Bộ GTVT đã “nghiêm túc kiểm điểm” theo chức năng nhiệm vụ được phân công, trong đó có 4 đơn vị trực tiếp liên quan đến quá trình triển khai thực hiện dự án nhận hình thức “nghiêm khắc phê bình và rút kinh nghiệm”.
Về cá nhân, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể và Thứ trưởng phụ trách dự án đã kiểm điểm, tự nhận hình thức “nghiêm khắc phê bình, rút kinh nghiệm”.
Ngoài ra, 30 cá nhân thuộc các cơ quan đơn vị có liên quan có bản kiểm điểm trách nhiệm liên quan đến việc chậm tiến độ, trong đó 9 cá nhân nhận hình thức “rút kinh nghiệm“; 6 cá nhân thuộc 4 đơn vị liên quan trực tiếp tới việc triển khai thực hiện dự án nhận hình thức “nghiêm khắc phê bình, rút kinh nghiệm”.
Nguyên nhân vì đâu?
Phân tích về nguyên nhân sai phạm, Báo cáo của bộ GTVT chỉ ra 7 nguyên nhân khách quan, bao gồm, hành lang pháp lý chưa hoàn chỉnh; nhiều dự án BOT sụt giảm doanh thu, chưa tăng được phí theo lộ trình; vướng mắc của VEC; chủ phương tiện vẫn có thói quen sử dụng tiền mặt, trong khi việc thanh toán, nộp và quản lý tài khoản giao thông chưa thuận tiện; và số lượng phương tiện tham gia quá thấp.
Đồng thời báo cáo cũng nêu thêm 4 nguyên nhân chủ quan bao gồm: quá trình đàm phán với các nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn; cơ quan quản lý nhà nước chưa có kinh nghiệm; trình tự, thủ tục triển khai lựa chọn nhà đầu tư dự án phức tạp; kinh nghiệm các cá nhân tham gia thực hiện, quản lý, giám sát dự án gần như chưa có.
Tuy nhiên, theo phân tích của báo SGGP, nguyên nhân chủ yếu là ở việc lựa chọn nhà đầu tư theo cách chỉ định.
Theo đó, dự án từng được sự quan tâm từ nhiều nhà đầu tư có tên tuổi lớn nhưng lại không tổ chức đấu thầu.
Ngược lại, Bộ GTVT chỉ định liên danh Tasco – VETC làm nhà đầu tư dự án thu phí không dừng này theo hình thức BOO (xây dựng – sở hữu – kinh doanh), mặc dù lúc đó nhiều doanh nghiệp khác cũng gửi đề án đến Bộ GTVT.
Sau khi triển khai dự án, do gặp trở ngại, nhà đầu tư lại đưa ra một loạt đòi hỏi và tăng vốn nhưng không được chấp thuận, sau đó lại kiến nghị trả lại dự án hoặc chuyển nhượng cho doanh nghiệp khác.
Từ Thức(t/h)