Bộ GD-ĐT ra quy định: Cấm học sinh bình luận nói xấu môi trường giáo dục trên MXH
Thông tư 06/2019/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT ra quy định về Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên chính thức có hiệu lực trong tháng 5 này.
Theo đó, bộ quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục lần này nhấn mạnh quy tắc chung cho tất cả các đối tượng đó là việc không được sử dụng mạng xã hội để phát tán, tuyên truyền, bình luận những thông tin hoặc hình ảnh trái thuần phong mỹ tục, trái đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước hoặc làm ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục.
Bên cạnh đó, thông tư này cũng quy định quy tắc ứng xử riêng trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên, áp dụng đối với từng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, người học, cha mẹ người học trong cơ sở giáo dục, đáng chú ý như:
Quy định riêng với giáo viên cần tích cực phòng, chống bạo lực học đường; không định kiến, bạo hành, xâm hại; không thờ ơ, né tránh hoặc che dấu hành vi vi phạm của người học.
Giáo viên không được xúc phạm, áp đặt phụ huynh học sinh. Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục không được hách dịch, gây khó khăn cho giáo viên, nhân viên và không được có tư tưởng vụ lợi với phụ huynh học sinh.
Về phía học sinh, Bộ GD-ĐT quy định không được nói tục, chửi bậy, miệt thị, xúc phạm bạn bè, đồng thời không được bịa đặt thông tin về giáo viên, không phát tán thông tin để nói xấu, làm ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm người học khác.
Ngoài ra phụ huynh đối với giáo viên và học sinh cũng phải có ngôn ngữ đúng mực, tôn trọng, chia sẻ, khích lệ, thân thiện, yêu thương; không xúc phạm, bạo lực với học sinh.
Cha mẹ học sinh phải tôn trọng, trách nhiệm, hợp tác, chia sẻ; không bịa đặt thông tin; không xúc phạm tinh thần, danh dự, nhân phẩm với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên.
Theo bộ GD-ĐT mục đích xây dựng bộ quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục trên là để điều chỉnh cách ứng xử của các thành viên trong các nhà trường theo chuẩn mực đạo đức xã hội và thuần phong mỹ tục của dân tộc, phù hợp với đặc trưng văn hóa của địa phương và điều kiện thực tiễn của cơ sở giáo dục.
Đồng thời, từ đây, ngăn ngừa, xử lý kịp thời, hiệu quả các hành vi tiêu cực, thiếu tính giáo dục trong nhà trường.
Tuy nhiên, sau khi quy định được đưa ra đã nhận được không ít những ý kiến trái chiều như thầy giáo Phạm Quốc Đạt (Trường THPT Võ Trường Toản, Q.12, TP.HCM), nhân vật chính trong câu chuyện “Giáo viên cho học sinh diễn cảnh nóng: nên hay không?” phản đối quy định này rất mạnh mẽ. Chính thầy giáo này cũng sử dụng mạng xã hội để có thể đưa câu chuyện của mình ra dư luận, giúp mọi người hiểu hơn về sự việc.
Thầy giáo Đạt chia sẻ: “Bộ quy tắc này ra đời sẽ là phương tiện rất thuận lợi để cấp quản lý áp dụng “triệt để” hơn là triển khai thực hiện tốt việc ứng xử đạo đức, tốt đẹp trong nhà trường. Quy định này có vẻ đi ngược lại quyền tự do ngôn luận của công dân trong Hiến pháp”.
Riêng về phía học sinh, thầy giáo Đạt cho rằng: “tại sao lại nghiêm cấm học sinh phát biểu, bình luận?”. Cấp quản lý, thầy cô cũng nên lắng nghe những ý kiến trái chiều hoặc bình luận từ phía học sinh, không nên cấm đoán. Và không nên lấy điều đó để răn đe, trừng phạt khi học sinh dám nói lên chính kiến trái ý giáo viên. Mối quan hệ trong quy tắc ứng xử ở đây phải là đa phương (học sinh – giáo viên – nhà trường – gia đình – xã hội), không thể là áp đặt, phiến diện như quy định này.
Anh Thư (t/h)
Xem thêm:
- Sau nhiều thăng trầm, đạo đức của giáo dục ngày nay chỉ còn tính “tương đối”
- Tại sao chính quyền Trung Quốc sợ giáo dục tại nhà?
- Đặc điểm nền giáo dục của 5 nước tiên tiến nhất trên thế giới