Bình luận: ĐCSTQ vội vàng triệu tập Lâm Trịnh tới Bắc Kinh ắt là có nguyên do
Cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp Hồng Kông đã kết thúc vào ngày 19/12 với tỷ lệ cử tri đi bầu thấp kỷ lục. Trưởng Đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) ngay sau đó đã đến Bắc Kinh báo cáo công tác, được ông Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường tiếp đón vào ngày 22/12. Về vấn đề này, nhà bình luận thời sự Nhan Thuần Câu đã có bài viết trên trang Facebook cá nhân, phân tích lý do Lâm Trịnh phải đi tới Bắc Kinh.
Vợ chồng Lâm Trịnh được Tập Cận Bình mở tiệc chiêu đãi
Trong cuộc gặp gỡ với vợ chồng bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ca ngợi chính quyền Đặc khu Hồng Kông trong việc tổ chức thành công cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp theo quyết định của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời khen ngợi chính quyền Hồng Kông đã kiên quyết thực hiện Luật An ninh Quốc gia, phòng chống dịch bệnh hiệu quả, từng bước vực dậy nền kinh tế, duy trì sự ổn định xã hội…
Bà Lâm Trịnh nói với ông Tập rằng cá nhân bà cảm thấy rất vui khi được đến Bắc Kinh, vì đây có thể là lần báo cáo công tác cuối cùng trong nhiệm kỳ của mình. Bà Lâm Trịnh nói: “Quan trọng hơn là tôi được nói lời cảm ngài vì sự chiếu cố đặc biệt đối với đặc khu hành chính trong những năm qua, cũng như sự tín nhiệm và ủng hộ đối với cá nhân tôi”.
Sau đó, bà Lâm Trịnh và chồng Lâm Triệu Ba cùng vợ chồng Trưởng đặc khu Ma Cao Hạ Nhất Thành đã được ông Tập Cận Bình tổ chức tiệc chiêu đãi. Đây là lần đầu tiên trong nhiệm kỳ 5 năm, bà Lâm Trịnh đến Bắc Kinh báo cáo công tác lại được ông Tập Cận Bình mở tiệc chiêu đãi.
Theo tờ “Hongkong01”, kể từ khi “Phong trào Ô dù” nổ ra ở Hồng Kông vào năm 2014, có tin rằng sau khi Trưởng Đặc khu Lương Chấn Anh báo cáo tại Bắc Kinh vào cuối năm, ông ta và Trưởng Đặc khu Ma Cao khi đó là Thôi Thế An cũng đã được Tập Cận Bình mở tiệc chiêu đãi, vợ của Lương Chấn Anh và Thôi Thế An cũng được mời tham dự.
Trưởng Đặc khu đầu tiên của Hồng Kông là Đổng Kiến Hoa, trong lần “thượng kinh” báo cáo công tác cùng với vợ là Đổng Triệu Hồng cũng đã được Chủ tịch Trung Quốc lúc bấy giờ là Giang Trạch Dân mở tiệc chiêu đãi. Tuy nhiên sau đó tình huống tương tự lại hiếm khi xuất hiện.
Tờ “Hongkong01” dẫn lời một nhân sĩ phe kiến chế (thân ĐCSTQ) giấu tên phân tích rằng, hiện tại chỉ còn 3 tháng nữa là đến cuộc bầu cử Đặc khu Hồng Kông, ứng cử viên đặc biệt tiếp theo có thể xuất hiện vào tháng 1 năm sau. Trong thời gian nhạy cảm này, ông Tập Cận Bình lại mở tiệc chiêu đãi vợ chồng Lâm Trịnh, có thể tồn tại 2 khả năng: hoặc là tán thưởng, hoặc trấn an hoặc nói lời tạm biệt. Với tình hình hiện tại, khả năng “trấn an hoặc nói lời tạm biệt” là lớn hơn.
Lâm Trịnh “thượng kinh”, chính sách của Hồng Kông có thay đổi?
Nhà bình luận thời sự Hồng Kông Nhan Thuần Câu đã có bài viết phân tích nguyên nhân Lâm Trịnh thượng kinh lần này, ông cho rằng “gần đây ĐCSTQ thực sự có một số động thái mới, sự cố chấp của Tập Cận Bình rõ ràng là đã giảm thiểu, các phương tiện truyền thông đảng có xu hướng bất thường, địa vị của Tập Cận Bình dường như đã bị suy yếu”.
Nhan Thuần Câu tiếp tục phân tích, nói rằng các “nguyên lão chính trị” của ĐCSTQ đang muốn chơi một ván bài lật ngửa với Tập Cận Bình. Dựa theo truyền thống của ĐCSTQ, đoạt quyền sẽ không phải chỉ trong một chốc một lát, thời gian chuyển tiếp có thể dài có thể ngắn, nhưng nhìn tình thế hiện tại có vẻ như “đã đến thời điểm cấp bách”.
Ông suy đoán rằng Lâm Trịnh Nguyệt Nga được gọi đến Bắc Kinh có liên quan đến sự thay đổi chính sách của ĐCSTQ. Ông cho rằng quốc sách của ĐCSTQ đột nhiên thay đổi thì đầu tiên sẽ nhắm vào 2 việc: Thứ nhất, ngoại giao ‘chiến lang’ sẽ chuyển thành ngoại giao ‘gấu trúc’, toàn diện chuyển sang cầu thị các nước phương Tây; thứ hai, nhanh chóng chấm dứt chính sách cực tả đối với Hồng Kông, để bảo vệ vị thế của một trung tâm tài chính quốc tế, nhằm cứu vớt nền kinh tế Trung Quốc đang trên bờ vực sụp đổ. Nhan Thuần Câu chỉ ra, điểm thứ hai có liên quan mật thiết đến Lâm Trịnh.
Như vậy, những thay đổi cụ thể trong chính sách của Bắc Kinh đối với Hồng Kông là gì? Ông tiếp tục suy đoán rằng khả năng đầu tiên là “chấm dứt tất cả các chính sách cực tả, nới lỏng Luật An ninh Quốc gia, tiếp tục sử dụng Luật Cơ bản, chấm dứt đàn áp các phe phái dân chủ và giảm thiểu sự áp bức của cảnh sát”. Như vậy, Bắc Kinh sẽ cần mượn đầu của Lâm Trịnh để dùng, buộc bà phải từ bỏ nhiệm kỳ kế tiếp, thậm chí vì để chu toàn đại cục, sẽ để bà phải xuống đài trước thời hạn, trung ương sẽ bổ nhiệm người điều hành tạm thời.
Khả năng thứ hai là Lâm Trịnh có thể được tại vị đến hết nhiệm kỳ, nhưng không thể tái nhiệm; khả năng thứ ba là duy trì chính sách cực tả đến cùng. Nhan Thuần Câu chỉ ra, mặc dù “điều này không phù hợp với biểu hiện khiêm tốn gần đây của Tập Cận Bình, nhưng khả năng này cũng không thể không có”, dù sao ĐCSTQ vẫn luôn là kẻ cố chấp. Tuy nhiên, chính sách cực tả đã được thực hiện ở Hồng Kông hơn một năm qua, về cơ bản thì “đại cục đã định”, nhưng tại sao vẫn phải mời Lâm Trịnh thượng kinh?
Nhan Thuần Câu tiếp tục phân tích, còn có một khả năng là ĐCSTQ đang muốn nhắm vào túi tiền của người Hồng Kông. Ông chỉ ra rằng, ĐCSTQ túng thiếu đã lâu, trong thời điểm quan trọng này, tài sản của người dân Hồng Kông sẽ trở thành mục tiêu để nhắm tới.
“Phải dùng lý do gì để lấy tiền, lấy như thế nào, lấy xong rồi sẽ có hậu quả ra sao, phải đối phó như thế nào, làm sao để trấn an người Hồng Kông lại vẫn giữ được sự ổn định tài chính của Hồng Kông… thật sự là trăm bề toan tính. Dựa vào điều này, khẩn cấp triệu tập Lâm Trịnh thượng kinh để thương lượng là cần thiết. Lâm Trịnh trong thời gian ngắn sẽ không từ chức, mà chính sách của ĐCSTQ đối với Hồng Kông cũng sẽ không thay đổi lớn”.
Nhan Thuần Câu ở cuối bài viết có nói, tài sản của người Hồng Kông có thể bị tước đoạt hay không, hãy coi động thái tiếp theo của ĐCSTQ sẽ rõ.
Tuệ Tâm (Theo Vision Times)