Bình luận ‘Avengers: Age of Ultron’: Sâu sắc hơn nhưng vẫn đập phá là chính
Đây là bộ phim bom tấn được trông chờ nhất nửa đầu năm 2015 sau sự thành công của phần 1, thuộc thể loại phim “rửa mắt” thứ thiệt, và khán giả cũng đã chuẩn bị tinh thần rằng sự sâu sắc trong nội dung phim là điều không cần quan tâm và cũng không cần phải bàn đến.
Những bộ phim của hãng Marvel thường có nội dung đơn giản, thế giới của Marvel không có gì đột phá đáng để suy ngẫm. Trẻ em hay xem phim ‘Siêu nhân Gao’ khi lớn lên có thể dễ dàng tiếp thu phim của Marvel vì chúng về cơ bản không khác nhau là mấy. Nếu có chăng thì cũng chính là những pha hành động ác liệt hơn, kỹ xảo đẹp mắt hơn.
‘Avengers (2012)’ phần đầu đã đạt mức doanh thu cao thứ 3 trong lịch sử điện ảnh (1,5 tỷ USD), đứng sau ‘Avatar (2009)’ (2,7 tỷ USD) và ‘Titanic (1997)’ (2,1 tỷ USD). Đây là một cái bóng rất lớn mà đạo diễn Wheldon phải vượt qua. Ông cũng đã nhiều lần chia sẻ về sự căng thẳng của mình trong quá trình làm phim ‘Avengers 2’. Theo một số nguồn tin, Wheldon sẽ không tham gia sản xuất phần tiếp theo ‘Avengers 3: Infinitive War’ nữa.
Mô típ quen thuộc: Tiêu diệt loài người để… bảo vệ thế giới
Trong truyện tranh, Ultron được Người Kiến Hank Pym tạo ra, nhưng thứ nhất là bộ phim ‘Ant Man’ chưa ra mắt, thứ hai là tính cách ngạo mạn và tham vọng của Ultron đã khiến các nhà làm phim quyết định cho Tony Stark làm “cha đẻ” của Ultron. Điều này có vẻ hợp lý hơn. Mệt mỏi vì công việc của một nhà sáng chế, doanh nhân và cả trách nhiệm của một siêu anh hùng, anh đã quyết định tạo ra Ultron để thay mình bảo vệ thế giới. Không khó để nhận ra thông điệp quen thuộc: Sự lệ thuộc của con người vào máy móc dẫn đến tai họa.
Công bằng mà nói Ultron đã tuân thủ đúng với nhiệm vụ của mình. Tác nhân đang phá hoại thế giới nghiêm trọng nhất, với khả năng sinh sôi quá nhanh, trong khi đạo đức suy đồi cũng nhanh không kém, chính là con người.
“Chỉ có một con đường dẫn đến hòa bình, đó là con đường hủy diệt của nhân loại”, Ultron tuyên bố.
“Nổ” như… Iron Man
Ai cũng biết cách nói chuyện khoa trương và phóng đại của Iron Man, Ultron do Tony Stark tạo ra nên bẩm sinh nó cũng mang đặc điểm ấy. Được giới thiệu rất hầm hố, mệnh danh là kẻ thù nguy hiểm nhất của Avengers. Thân thể bằng titan cao to, tạo hình cơ bắp cuồn cuộn, hai mắt đỏ rực (ác nhân trong phim Mỹ thường có mắt đỏ). Trí khôn thừa hưởng từ cây quyền trượng của Loki, ngoài ra nó có thể truy cập được tất cả kiến thức công nghệ của Iron Man.
Thế nhưng thực tế Ultron không làm được gì nhiều ngoài việc tạo ra một đám lính lác làm bao cát để các siêu anh hùng của chúng ta tập luyện cho giãn gân giãn cốt. Cuối cùng, “định mệnh” mà đạo diễn an bài là Ultron sẽ bị “đánh hội đồng đến chết”.
Ultron, nhân vật phản diện chính trong phim, đã bị lu mờ bởi những kẻ phản diện khác. Đó là Quicksilver (Aaron Taylor) cá tính trong những bộ đồ thể thao của hãng Adidas, với khả năng chạy nhanh hơn tốc độ âm thanh. Hay Scarlet Witch (Elizabeth Olsen) xinh đẹp và nguy hiểm ăn đứt Black Widow, lại có khả năng điều khiển tâm trí của người khác. Thêm nữa là sự nguy hiểm của nhân vật Ulysses Klaw (Andy Serkis) gần như đã thu hút khán giả mà không cần kỹ xảo CGI.
Khai thác tâm lý nhân vật sâu sắc hơn
Hình ảnh những người hùng trong phim được xây dựng gần gũi hơn, bởi họ cũng trải qua những ký ức tuổi thơ đầy hỗn độn, cũng nếm trải những thất bại nặng nề, cũng có tổ ấm riêng và cả những mất mát. Thông điệp về hòa bình và giải cứu thế giới được giải quyết một cách trọn vẹn khi mạng sống của từng cá nhân mỗi con người trong thành phố đều được trân quý. Họ sẵn sàng bất chấp tính mạng của mình để cứu một người phụ nữ rơi tự do cùng chiếc ô tô khi cây cầu sụp đổ, một cậu bé bị lạc mẹ trên đường di tản,…
Tình yêu là một món gia vị khá hấp dẫn được đưa vào trong phim. Có thể nhiều người sẽ thấy sến nhưng thực sự nó hợp lý, những người yêu nhau sẽ cố gắng bù đắp những khiếm khuyết của nhau. Và tình yêu luôn vậy, luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro và ray rứt cho những người trong cuộc. Phim sẽ chán hơn rất nhiều nếu như không có cuộc tình này.
Người đơn giản nhất lại là người hạnh phúc nhất
Hawkeye và Black Widow có lẽ là nhân vật yếu thế nhất trong biệt đội Avengers, nên họ được “an ủi” cho có nhiều đất diễn hơn trong phần 2. Để tránh bị lâm vào tình thế khốn đốn khi bắn hết tên như phần 1, bộ cung của Hawkeye trong phần 2 bắn hoài không thấy hết tên. Thôi thì tạm chấp nhận với phong cách siêu anh hùng kiểu này.
Hawkeye không mạnh nhất, không thông minh nhất, nhưng ở phần này lại được khắc họa rất rõ nét, về một tính cách cương trực, không tự ti và quyết liệt. Đồng thời anh là người có cuộc sống trọn vẹn nhất mà ai cũng phải ganh tị. Iron Man tự ti rằng mình là một kẻ vô dụng, phụ thuộc vào bộ giáp (sự day dứt ấy thể hiện rõ trong ‘Iron Man 3’). Captain là kẻ lạc hậu với thời cuộc, có tiêu chuẩn đạo đức cao của thập niên 1920, nhưng bị kẹt trong thời mà ngay cả siêu anh hùng cũng đấu đá nhau. Thor thì giống Loki ở chỗ luôn tự cho mình là thần thánh. Hulk lại nguy hiểm với những cơn điên bất chợt. Black Widow bị ám ảnh bởi quá khứ tàn nhẫn. Chỉ có Hawkeye hiện tại đang hạnh phúc với cuộc sống giản đơn của mình.
Hành động dồn dập, kỹ xảo hoành tráng, lời thoại hài hước
‘Avengers: Age of Ultron’ quả nhiên không làm khán giả thất vọng khi mục đích chính của họ khi xem phim này là để “rửa mắt”. Những trận đánh lớn kéo dài từ đầu phim đến cuối phim, độ phá hoại cao và những góc quay đẹp mắt sẽ khiến khán giả mãn nhãn. Những pha hành động của phim được trau chuốt khá đẹp mắt và gần như muốn nổ tung vào mặt bạn.
Tuy nhiên, theo nhận định của một số khán giả, ‘Avengers’ đang có xu hướng “mịt mù hóa” giống ‘Transformer’. Điều này khiến họ cảm thấy hơi mệt và đầu óc choáng váng khi phải xem quá nhiều cảnh chiến đấu, phá hủy. Âm thanh của phim cũng không được tốt lắm. Tiếng đổ vỡ, va chạm trong phim có thể khiến nhiều người thấy nhức đầu.
Ở phần 1, Thor đã mang lại tiếng cười cho khán giả trong câu đối đáp với Black Widow: “Nó chỉ là em nuôi thôi”. Rồi cảnh Loki bị Hulk đánh bầm dập cũng gây ra một tràng cười khó quên. Ở phần 2 này, Thor lại tiếp tục là trung tâm gây cười với diễn xuất và lời thoại hài hước.
Trải đường cho những bộ phim tiếp theo
Ultron trong bộ phim này đã thể hiện mặt tối trong tính cách của Tony Stark, dường như nó mang tham vọng của chính Iron Man. Ở con người này, ngoài biểu hiện tưng tửng, ngông cuồng, đôi khi hài hước, còn có một bí ẩn nội tâm đen tối. Có lẽ yếu tố tâm lý này sẽ được khai thác để tạo ra sự đối đầu giữa Iron Man và Cap trong bộ phim ‘Captain America: Civil War’. Ngoài ra, một nhân vật phản diện mới cũng xuất hiện, gây tò mò cho khán giả về nội dung của những phần tiếp theo.
Theo thông tin chính thức, đạo diễn Wheldon sẽ không tham gia vào những bộ phim siêu anh hùng khác của Marvel. Hy vọng anh em nhà Russos đạo diễn cho phần tiếp theo sẽ mang lại một làn gió mới cho series phim này.
Châu Xuân tổng hợp