Biểu tình ủng hộ dân chủ Hồng Kông bớt nhiệt
Cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hương Cảng ngày Thứ Hai (6/10) dần giảm khí thế do các thành viên quay trở lại trường học và công sở sau hơn một tuần diễn ra phong trào “Chiếm Trung Tâm”.
Nhóm biểu tình dừng bao vây quanh tòa nhà thị chính ở trung tâm thành phố, tâm điểm của sự kiện yêu cầu dân chủ đã thu hút hàng chục nghìn người tham gia. Các viên chức có thể đi qua rào chắn trước đó do nhóm biểu tình dựng lên. Vào chiều tối hôm Thứ Hai (6/10), khoảng 100 người biểu tình vẫn đóng ở khu vực bên ngoài trụ sở của các ngân hàng quốc tế cũng như các Trung tâm Giao Dịch Chứng Khoán, mặc dù một số sinh viên trong các khu trường sở vẫn chưa bỏ cuộc với cam kết sẽ trở lại sau giờ học.
“Tôi hy vọng sinh viên vẫn tiếp tục kiên trì. Nếu rút lui, chúng ta sẽ mất thế mạnh để đàm phán”, sinh viên Chu Thanh Lâm (Chow Ching-lam) nói khi đang ngồi học ở địa điểm biểu tình gần trụ sở của lãnh đạo thành phố thân Bắc Kinh Lương Chấn Anh.
Những người biểu tình vẫn chưa đạt được bước tiến nào và chính phủ cũng không hề ấn định thời gian đàm phán để kết thúc căng thẳng. Quy mô cuộc biểu tình đã giảm xuống trong tuần qua khi nhiều người rời khỏi các con phố. Thứ Hai sẽ là khảo nghiệm để xem biểu tình có còn duy trì khi đối diện với quyết định khôi phục trật tự xã hội của chính quyền thành phố.
“Tôi không nghĩ cuộc biểu tình đạt được thành tựu đáng kể nào vào lúc này, nhưng ít nhất chúng tôi có thể gây một số áp lực lên giới chức trách, và họ đã đồng ý ngồi xuống đàm phán với lãnh đạo biểu tình, trái ngược hẳn so với trước đây”, cô Dã Trung Lan (Tsz Hong Lan), 20 tuổi, sinh viên trường Đại học Trung Quốc ở Hồng Kông chia sẻ.
Nhiều người biểu tình đã tập trung ngồi tĩnh lặng quanh trụ sở làm việc của ông Lương do lo ngại sẽ có đàn áp sau khi chính quyền kêu gọi giải tán để các doanh nghiệp và trường học có thể mở lại vào Thứ Hai.
Các phương tiện giao thông vẫn bị cấm đi vào Trung tâm thương mại, mặc dù nhiều người biểu tình đã rời đi trong đêm, khiến ùn tắc xảy ra trên nhiều con đường khác. Một số ngân hàng đóng cửa các chi nhánh trong suốt thời gian diễn ra bất ổn vào tuần trước, cũng đã mở cửa làm việc hôm Thứ Hai (6/10).
Bắc Kinh nói biểu tình ở Hồng Kông là bất hợp pháp nhưng vẫn cho phép chính quyền của ông Lương tìm giải pháp để tự giải quyết. Phong trào “Chiếm Trung tâm” của người biểu tình được manh nha từ hơn một năm trước, đây là thách thức chính trị lớn nhất đối với chính quyền Bắc Kinh sau cuộc đàn áp sinh viên ủng hộ dân chủ diễn ra trên Quảng trường Thiên An Môn vào ngày 4/6/1989. Lãnh đạo biểu tình đã tuyên bố sẽ tiếp tục Phong trào “Chiếm Trung Tâm” cho tới khi những yêu cầu của họ được đáp ứng.
Trong khi số lượng người biểu tình giảm xuống, triển vọng có cuộc đàm phán vẫn chưa rõ ràng. Đài phát thanh RTHK đưa tin, lãnh đạo sinh viên đã gặp quan chức chính phủ tại Đại học Hồng Kông nhưng vẫn chưa đạt được đồng thuận. “Rõ ràng, cả hai bên đều có những mong đợi khác nhau khi đối thoại”, Sầm Ngao Huy (Lester Shum), phó thư ký Liên đoàn Sinh viên Hồng Kông phát biểu trước báo giới vào cuối ngày Chủ Nhật (5/10).
Tại khu dân cư Mong Kok ở cảng Victoria, nhiều người biểu tình ủng hộ dân chủ đã quay trở lại và đụng độ với nhóm ủng hộ chính quyền thân Bắc Kinh, khiến cảnh sát phải dùng bình xịt hơi cay và dùi cui để giải tán.
Các cuộc biểu tình ảnh hưởng nhiều doanh nghiệp và khiến thị trường chứng khoán Hồng Kông mất đi 50 tỷ USD do cổ phiếu sụt giá. Ngân hàng Thế giới cho biết biểu tình đã làm tổn thương kinh tế Hương Cảng, tuy nhiên vẫn chưa mấy tác động tới nền kinh tế Đại Lục. “Chúng tôi dự đoán, chắc chắn kinh tế đặc Khu hành chính Hồng Kông sẽ còn chịu tác động, tăng trưởng năm 2014 sẽ còn chậm hơn so với dự kiến. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại kinh tế Trung Quốc vẫn chưa bị ảnh hưởng mấy”, ông Sudhir Shetty, trưởng ban kinh tế của Ngân hàng Thế giới khu vực Đông Á và Thái Bình Dương cho biết hôm Thứ Hai (6/10) khi tham dự Hội nghị Cập nhật tình hình Kinh tế Đông Á Thái Bình Dương.
Thiên Hà, Công Lý – Theo Reuters