Bí quyết trường thọ của những người nổi tiếng trong lịch sử
Trong lịch sử, biết bao quân vương vì để đạt được trường sinh bất lão mà đi khắp nơi tìm kiếm bí thuật. Tuy bọn họ đều thất bại, nhưng lòng tìm cầu dưỡng sinh thì vẫn không hề suy giảm. Kỳ thực, rất nhiều văn nhân nhã sĩ cổ đại đều có cho riêng mình một bí kíp dưỡng sinh.
Khổng Tử
Chúng ta biết đến Khổng Tử là một nhà tư tưởng, giáo dục thời kỳ Xuân Thu, kỳ thực ông cũng là một chuyên gia về dưỡng sinh. Phải biết rằng, ngày xưa mà sống đến 73 tuổi là vô cùng hiếm có.
Khổng Tử đưa ra “Nhân giả thọ”, ý là người có đạo đức cao thượng mới có thể sống được trường thọ, đây là tư tưởng chỉ đạo dưỡng sinh của Khổng Tử. Ông còn đưa ra “ba giới”, thiếu niên giới sắc, trung niên giới đấu, lão niên giới đắc. Ngoài ra, Khổng Tử đề xướng đồ ăn nên phối hợp khéo léo, nhai chậm nuốt chậm, ăn đúng giờ, đủ lượng. Không ăn đồ ăn không sạch sẽ, có thể nói là người đặc biệt chú trọng đến an toàn thực phẩm.
Lão Tử
Lão Tử là nhân vật đại biểu cho Đạo gia, chủ trương “Đạo”, chú ý tuân theo quy luật tự nhiên, thuận theo thiên thời. Tuổi thọ của Lão Tử được mọi người lưu truyền là 84 tuổi, tuy không chắc là chính xác, nhưng nhất định là đã rất trường thọ.
Kỳ thực, rất nhiều tư tưởng của Đạo gia sau này đã trở thành cơ sở triết học của Trung y. Vì coi trọng “Đạo”, nên Lão Tử đề xướng vô vi thanh tĩnh, tu thân dưỡng tính, không tranh quyền thế, là dưỡng sinh trên phương diện tinh thần, kỳ thực chính là quá trình “Dưỡng thần”, cũng là đạo lý mà thầy thuốc hay nói “tinh thần sáng suốt thì bệnh tự khỏi”.
Quản Tử
Quản Tử tức Quản Trọng, cho rằng “Tinh” là vật chất cơ sở của sinh mệnh, chủ trương giữ gìn “Tinh” để dưỡng sinh. Theo như ông nói: “Sinh mệnh của con người, trời cho cái tinh, đất cho cái hình, hợp lại là thành người“; “Tinh còn thì tự sinh, bề ngoài an ổn, tươi tốt, chính là nhờ ở bên trong“.
Nhấn mạnh vào tác dụng của cái “Tinh” bẩm sinh, dạy mọi người phải coi trọng bảo tồn thận tinh. Ông có đưa ra phương pháp giữ gìn “Tinh” cụ thể: “Ái dục nên ít, bị rối loạn chính là từ đó, đừng phóng túng, phúc sẽ tự đến“. Điều này được gọi là tiết chế dục vọng để giữ gìn “Tinh”.
Lý Bạch
Lý Bạch là nhà thơ nổi tiếng vào thời nhà Đường, ông được gọi là “Thi tiên”. Đã là tiên, tự nhiên sẽ không màng danh lợi, coi rẻ quyền quý của con người. Kỳ thực, Lý Bạch cũng theo cách dưỡng sinh của Đạo gia. Đạo gia đề xướng “tiết dục”, Lý Bạch đã áp dụng nguyên lý này một cách rất tinh tế.
“Tinh thần sáng suốt thì bệnh tự khỏi”, nói vậy nhưng không chỉ có thế, Lý Bạch từ nhỏ yêu thích cưỡi ngựa bắn tên, đi du lịch khắp nơi, ông tinh thông kiếm thuật, vì vậy thân thể rất khỏe mạnh, tự nhiên đạt được “Chính khí mạnh mẽ, tà không thể phạm“.
Nếu không phải Lý Bạch lúc về già sống lang bạt khắp nơi, ông ít nhất cũng phải sống đến 70 tuổi. ‘Đời người đắc ý hãy vui tràn; Chớ để bình vàng suông bóng nguyệt!‘. Lý Bạch tận hưởng lạc thú trước mắt, tâm hồn rộng rãi, thật đáng để cho con người hiện đại học tập.
Bạch Cư Dị
Bạch Cư Dị cũng giống Lý Bạch, rất chú ý đến dưỡng thần. Nhưng cũng có chỗ khác Lý Bạch, đó là Bạch Cư Dị không thích uống rượu, trái lại, ông rất coi trọng cân đối trong ẩm thực, kết hợp ăn chay và ăn mặn. Điều này cũng là do Bạch Cư Dị bị nhiều bệnh trong thời gian dài, gọi là “Bệnh lâu thành bác sĩ“.
Bạch Cư Dị còn rất coi trọng vận động, kiên trì đi tản bộ quanh năm, ít thì đi quanh sân vài vòng, nhiều thì đi bộ đường xa; hơn nữa còn luyện tập khí công, đả tọa điều thần. Trung y cho rằng vận động không chỉ là hình thể, quan trọng hơn là vận động trong quá trình điều “khí”. Bạch Cư Dị sống đến 75 tuổi, điều này với người bình thường đã khó, huống hồ ông lại có nền tảng sức khỏe không được tốt.
Nhan Chân Khanh
Nhan Chân Khanh là chính trị gia yêu nước, nhà thơ, nhà thư pháp nổi tiếng thời đại nhà Đường. Năm công nguyên thứ 785, lúc đó ông 76 tuổi, thì bất hạnh bị quân mưu đồ làm phản là Lý Hi Liệt giết chết ở chùa Long Hưng, Thái Châu (nay là huyện Nhữ Nam, tỉnh Hà Nam).
Nhan Chân Khanh từ nhỏ yêu thích vận động thể dục. Năm công nguyên thứ 784, lúc sinh nhật thứ 75 của Nhan Chân Khanh, bạn bè thân hữu thi nhau đến chúc mừng. Ông vô cùng cao hứng, không những biểu diễn thư pháp mà còn thể hiện tuyệt kỹ thể thao nữa.
Ông cho người mang đến hai cái ghế bành, ông đứng ở chính giữa hai cái ghế, dùng hai tay nắm lấy thành ghế, làm động tác nâng lên hạ xuống hơn trăm cái. Còn cho người nhà lấy ra một cái giường rộng, ông dùng hai tay ấn xuống một góc giường, hai chân dùng sức đạp một cái, thân thể nhẹ nhàng phóng qua giường. Màn “nhảy ngựa” này được ông lặp lại năm, sáu lần.
Sau đó ông dùng một cái chiếu bề rộng hơn ba thước vây quanh lấy thân thể, đứng thẳng trên mặt đất, rồi nói: “Xem tôi nhảy ra ngoài!” Chỉ thấy hai tay hơi nhún một cái, hai chân dùng sức đạp một cái, thế là đã phi thân cao hơn ba thước, rồi nhẹ nhàng đáp hai chân xuống đất. Nhan Chân Khanh kiên trì rèn luyện, dù đã đến 70 tuổi nhưng thân thể vẫn cường tráng, linh hoạt.
Âu Dương Tu
Âu Dương Tu học rộng tài cao, đối với năm thứ của bậc tri thức “Cầm, kỳ, thư, họa, thi” ông chỗ nào cũng thông hiểu. Ông vì gặp phải thất bại, tâm tình phiền muộn không vui, lâu mà thành bệnh, đi tìm thầy thuốc nhưng cũng không thấy có biến chuyển, vô cùng thống khổ, không còn biết làm thế nào. Để giải trừ phiền não, ông liền luyện tập “Cầm, kỳ, thi, thư, họa”, khi dồn hết tâm trí vào học, ông quên hết mọi thứ bên ngoài, không biết từ lúc nào mà bệnh đã hết.
Trong “Tống dương tự” ông có viết: “Tôi vì phiền muộn mà thành bệnh, cứ nhàn rỗi ngồi không, càng không thể trị bệnh, về sau học đàn… từ từ mà vui lên, không biết cái bệnh đó là gì“. Ông khuyên mọi người lấy “ngũ hữu” (tức là Cầm, kỳ, thi, họa, thư) làm bạn, để dưỡng sinh phòng bệnh.
Trong “Thu thanh phú” ông có viết: “Trăm mối ưu phiền là từ tâm, vạn sự khổ cực là từ hình thể. Động ở bên trong tất sẽ làm động cái tinh. Huống hồ, suy nghĩ thì lực có chỗ không đủ, lo lắng thì trí có chỗ là không đủ, người thường suy nghĩ nhiều làm chóng già, mà già thì hay đau yếu, chi bằng dùng phép trường sinh“.
Ông khuyên bảo mọi người lo lắng nhiều quá sẽ làm tổn thương tinh thần, lao động quá nặng sẽ làm tổn thương thân thể. Trí tuệ và thể lực của một người là có hạn, nếu như luôn đa sầu đa cảm, thì sự trẻ trung cường tráng sẽ mau chóng biến đổi, tuổi già sẽ mau đến, nếu như làm ngược lại thì chính là phương pháp trường sinh.
Sự thật đã chứng minh, ông nói hoàn toàn chính xác. Người nhiều dục vọng sẽ có lắm bệnh, người hay phiền muộn sẽ sống không thọ, hãy lấy “ngũ hữu” làm bạn, nhất định có thể trường thọ!
Tô Thức
Ông là một văn học gia tài hoa hơn người thời Bắc Tống, đã lấy chải đầu làm đạo dưỡng sinh. Nhà thơ dưới ánh trăng sáng, đứng ở trong hiên trống trải, buông tóc dài ra, liên tục chải vuốt, đã thể hiện một cách rất tinh tế đạo dưỡng sinh thông qua việc chải đầu.
Tô Thức còn tôn sùng phương pháp tĩnh tọa dưỡng sinh. Ông từng ở huyện Đam, tỉnh Quảng Đông đề một bài thơ: “Tĩnh tọa thành vô sự, một ngày thành hai ngày, như sống bảy mươi năm, cũng thành một trăm bốn mươi vậy“.
Tĩnh tọa yêu cầu tư thế ngồi phải đoan chính, hai mắt khép hờ, toàn thân buông lỏng, tĩnh thần tĩnh chí, ý đặt ở đan điền. Mỗi lần tĩnh tọa thời gian có thể từ mười lăm phút đến nửa giờ, là phương pháp nghỉ ngơi tốt nhất cho não bộ.
Lý Thanh Chiếu
Sáng tác văn học của Lý Thanh Chiếu vô cùng phong phú, kể cả thơ, từ, tản văn…, mà sáng tác từ là được người đời ca tụng nhiều nhất. Năm 18 tuổi bà kết hôn với Triệu Minh Thành, là học sinh trường Quốc Tử Giám, cuộc sống tương đối mỹ mãn, vợ chồng cùng nhau xướng họa thơ ca.
Về sau bị quân Kim xâm lược, quê hương bị rơi vào tay giặc, cả nhà di chuyển về phía Nam, hơn nữa người chồng đột nhiên mắc bệnh chết (khi Triệu Minh Thành mất bà mới bốn mươi sáu tuổi), làm cho cả thể xác và tinh thần của bà đều bị kích động rất lớn. Nhưng bà vẫn gắng sức chèo chống sống qua bảy mươi tuổi.
Lý Thanh Chiếu thực hành dưỡng sinh được trường thọ, cũng là nhờ bà thuở nhỏ được đi dạo chơi ở ngoại thành, và cũng yêu thích nhiều loại hình nghệ thuật. Bởi vì ưa thích những hoạt động bên ngoài, thường tiếp xúc với thiên nhiên, bên cạnh gân cốt được rèn luyện, cũng luyện thành một loại tính cách rộng rãi, hào phóng.
Lý Thanh Chiếu lúc về già, mặc dù phải đối mặt với cảnh nước mất nhà tan, nhưng bởi vì bà từ nhỏ đã dưỡng thành tố chất khoáng đạt, khiến bà từ một cô gái yếu ớt mà lại có thể chịu được gian nan vất vả, mặc cho mưa gió, thiên tai nhân họa, mà ý chí lại càng kiên cường hơn, đạt được trường thọ.
Chu Hi
Lý học gia Chu Hi triều đại Nam Tống ủng hộ ẩm thực đơn giản, mộc mạc. Có một ngày Chu Hi đến nhà con rể, con rể cùng con gái chiêu đãi ông chỉ có một nồi súp hành tây và nửa nồi lúa mạch. Con rể vì thế cảm thấy rất áy náy với nhạc phụ đại nhân.
Chu Hi ngược lại ngẫu hứng ngâm một bài thơ: “Súp hành tây cơm lúa mạch rất phù hợp, hành tây bổ đan điền lúa mạch chống đói, không ai nói cái này là bạc bẽo, trước thôn còn có mùi nấu nướng“. Bởi vậy, dưỡng thân còn phải dưỡng thành thói quen hài lòng với ẩm thực và vệ sinh, bởi vì tham ăn ngon mà làm tổn hại dạ dày, chú trọng dinh dưỡng vừa phải là được rồi.
Lục Du
Lục Du là nhà thơ yêu nước ở vào triều đại Nam Tống, ông cũng được coi là một người hiểu được đạo dưỡng sinh. Vào những năm loạn lạc, ông vẫn hưởng thọ tám mươi sáu tuổi, cả đời đã lưu lại cho hậu thế hơn chín ngàn bài thơ, hơn nữa thân thể cường tráng, thậm chí còn có thể lên núi đốn củi.
Lục Du trước nay xem việc sửa sang sách vở, quét rác lau bàn như là hoạt động để rèn luyện thân thể. Quét rác hàng ngày để vận động cơ thể, ngoài ra còn có thể khơi thông khí huyết, vận động gân cốt, vừa làm được việc nhà mà lại rèn luyện được thân thể.
Không chỉ như thế, Lục Du vô cùng yêu thích leo núi, leo núi có thể hít thở được không khí trong lành, hoạt động gân cốt, thả lòng cơ thể. Mặt khác, trong thơ Lục Du còn nói: “Uống đừng ngồi lâu, luôn mang theo cây gậy chống” ý nói với mọi người rằng ăn uống xong nên đi lại một chút, không nên ngồi bất động.
Lục Du trước khi ngủ thường xuyên dùng nước nóng rửa chân. Rửa chân mát xa có thể đẩy mạnh vận động khí huyết của tất cả tạng phủ liên quan, tăng nhanh tuần hoàn máu của toàn thân, có tác dụng làm thân thể khỏe mạnh và kéo dài tuổi thọ.
Ông đọc sách vào buổi tối, bình thường cứ đến khoảng 10h đêm. Ngủ là phương pháp tốt nhất để tiêu trừ mệt nhọc cả về sinh lý và tinh thần. Thường xuyên thức đêm, tất nhiên đầu sẽ choáng váng và căng thẳng, không chỉ ảnh hưởng đến trí nhớ, năng lực tư duy, mà còn làm ảnh hưởng đến tuổi thọ.
Viên Mai
Viên Mai là văn học gia du ngoạn nổi tiếng thời nhà Thanh. Viên Mai thuở nhỏ rất yêu thích thiên nhiên, thường đến nơi có phong cảnh đẹp để suy ngẫm làm thơ văn. Trung niên thì rời khỏi chốn quan trường, sống cuộc sống tiêu diêu tự tại, du sơn ngoạn thủy đến bốn mươi năm.
Bảy mươi tuổi ông còn đến An Huy, Giang Tây, Quảng Đông, Quảng Tây, Hồ Nam, dạo chơi một vòng lớn, dọc đường tham thú qua các thắng cảnh ở Hoàng Sơn, Lư Sơn, La Phù Sơn, Quế Lâm, Động Đình Hồ. Sau khi thỏa thuê mãn nguyện về nhà mới viết lại: “Cảm thấy sông núi thật là rộng lớn, đến năm bảy mươi sẽ đi đến tận chân trời. Ngại gì một trăm ba mươi ngàn dặm, nghe gió nghe mây cười đến nhà“.
Viên Mai lúc 80 tuổi vẫn có thể đi bộ leo núi, đi lại vững vàng. Học giả nhà Thanh nhân dịp đại thọ thứ tám mươi đã ghi hai câu để chúc mừng: “Tám mươi tinh thần thắng thiếu niên, leo núi chân khỏe đạp vân yên“. Cộng thêm tâm tình tĩnh lặng, lạc quan yêu đời, giúp cho ông hưởng thọ được 82 tuổi.
Dưỡng sinh càng cần phải dưỡng tính, cổ nhân đặc biệt coi trọng sức nhẫn chịu. Học giả Diêm Kính Cách thời nhà Thanh có viết trong “Bất khí ca”: “Người khác tức giận với ta nhưng ta không tức, ta vốn là không quan tâm đến cơn tức giận của họ. Nếu như họ bị bệnh, thì bệnh đó cũng không ai thay thế cho được. Đến thầy thuốc để khám bệnh, nhưng bệnh nóng giận cũng không phải là dễ chữa. Nóng giận quả là quá đáng sợ, có thể vì nó mà mất mạng. Ta nay đã nếm được mùi vị của tức giận; vậy nên không giận, không giận, thực sự không tức giận“. Mọi người nếu đều có thể lấy “Bất khí ca” làm lời răn cho dưỡng sinh, thì lo gì những bệnh nan y không chữa được chứ?
Chân Chân (Theo NTDTV)