Bí ẩn về thi thể trong ngôi mộ cổ: Mặc long bào dù không phải hoàng đế
Thời xưa, long bào chỉ dành riêng cho các hoàng đế, tượng trưng cho sự uy nghiêm và quyền lực của người đứng đầu đất nước. Vậy, nếu đã không mang thân phận cửu ngũ chí tôn, sao người này này dám khoác long bào trên người?
Thi thể mặc long bào nhưng không phải hoàng đế
Năm 1972, mộ phần của một công chúa Đại Thanh được phát hiện và khai quật tại Mông Cổ. Theo lời kể của những nhà khảo cổ tham gia khai quật khi ấy, thi thể bên trong ngôi mộ đã khiến họ không khỏi ngạc nhiên.
Bởi dù đã trải qua hàng trăm năm nhưng công chúa vẫn như người đang sống, mái tóc nàng thậm chí vẫn còn đen bóng. Và chủ nhân của ngôi mộ này chính là ái nữ thứ 3 của Khang Hi – Cố Luân Vinh Hiến công chúa (固伦荣宪公主).
Tuy nhiên, điều thu hút ánh nhìn và sự chú ý của những nhân viên khai quật không phải là mái tóc vẫn nguyên vẹn của Cố Luân công chúa, mà là bộ long bào nàng mặc trên người.
Đến cả vị nữ hoàng đế duy nhất của Trung Quốc – Võ Tắc Thiên, khi qua đời cũng chỉ được tổ chức tang lễ theo nghi thức của một hoàng hậu và mặc phượng bào (triều phục của hoàng hậu) khi hạ táng. Một người chỉ mang thân phận công chúa như Cố Luân sao dám mặc long bào? Không lẽ nàng dám cả gan làm chuyện “phản nghịch” như vậy?
Vị công chúa được hoàng đế Khang Hy yêu thương hết mực
Hoàng đế Khang Hy rất đông con cháu, dưới chân ông có đến hơn 50 người con trai con gái quỳ gối gọi lớn: “Hoàng A Ma”. Ái thiếp Vinh phi Mã Giai thị dịu dàng hiền đức, dung mạo xinh đẹp, từng sinh hạ cho ông 4 hoàng tử. Tuy nhiên, cả 4 vị hoàng tử này và hai người con gái đầu không may đều chết trẻ.
Năm Khang Hy thứ 12, người con gái thứ ba là công chúa Vinh Hiến chào đời, nhà vua rất đỗi vui mừng và coi nàng như viên minh châu trân quý trong tay, vô cùng yêu thương cưng chiều. Công chúa Vinh Hiến thừa hưởng sự hiền thục của mẹ, nàng dịu dàng duyên dáng, năm 18 tuổi được phong làm Hòa Thạc Vinh Hiến công chúa.
Hoàng tộc triều đại nhà Thanh thực hành chế độ ‘chỉ hôn’ (hôn nhân chỉ định). Hoàng đế Khang Hy đích thân chọn quận vương Mông Cổ là Ô Nhĩ Cổn làm ‘Ngạch phụ’ (cách gọi phò mã của nhà Thanh) cho con gái yêu quý.
Ô Nhĩ Cổn thuộc tộc người Nữ Chân của bộ tộc Ba Lâm – Mạc Nam Mông Cổ, được tiếp nhận giáo dục văn hóa người Hán khá tốt đẹp, cha là Quận vương Ngạc Tề Nhĩ, họ hàng xa với gia tộc Đại Thanh. Ô Nhĩ Cổn anh tuấn tráng kiện, tinh thông cưỡi ngựa bắn tên, trên chiến trường xông pha dẫn đầu, anh dũng thiện chiến. Trong trận chiến Ulan Butung với Chuẩn Cát Nhĩ, ông đã góp công lớn vào chiến thắng của quân đội nhà Thanh.
Ô Nhĩ Cổn một lòng trung thành với triều đình, không giống như những vương gia Mông Cổ khác quen sống trong bao bọc ăn sung mặc sướng, ông luôn dựa vào tài năng quân sự kiệt xuất của mình để dựng nghiệp, được hoàng đế rất mực trọng dụng.
Vào tháng 6 năm Khang Hy thứ ba mươi (năm 1691), công chúa Vinh Hiến Hòa Thạc 19 tuổi được gả cho Ô Nhĩ Cổn khi đó vừa 20 tuổi, và cùng với phu quân đến Nội Mông Cổ. Vua Khang Hy còn chuẩn bị vô số vàng bạc châu báu để làm của hồi môn cho ái nữ khi xuất giá đến Mông Cổ xa xôi.
Sau khi kết hôn, hai người chung sống rất hòa thuận, tương kính như tân. Hòa Thạc công chúa giúp chồng chăm lo, giáo dục con cái rất nghiêm khắc và chính thống.
Phong hiệu “Cố Luân công chúa”, khi mất được mặc long bào chôn cất
Công chúa Vinh Hiến mặc dù gả đi xa, nhưng luôn trung hiếu lưỡng toàn với phụ hoàng, nàng thường xuyên không quản đường xa trở lại kinh thành thăm vua cha. Năm Khang Hy thứ 48, nhà vua mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh tật không chỉ làm sức khỏe của Khang Hy yếu dần đi mà còn giày vò tinh thần của ông. Công chúa Vinh Hiến lập tức từ Mông Cổ vội vã trở về, kề cận chăm sóc vua cha suốt 4 ngày 4 đêm.
Nàng cứ ở bên săn sóc, an ủi vua cha mà không được nghỉ ngơi đầy đủ. Vua Khang Hy vì thế đã vô cùng cảm động trước tấm lòng hiếu thảo của người con gái thứ 3 này. Sau khi bệnh tình thuyên giảm. Khang Hy Đế ngày càng yêu thương Vinh Hiến công chúa và luôn giành cho ái nữ của mình những điều tốt đẹp nhất.
Khang Hy đế đã đích thân đến thăm công chúa Vinh Hiến 4 lần, trong khi 4 người con gái khác cũng được gả đến Mông Cổ xa xôi ông lại chưa từng đến thăm. Công chúa Vinh Hiến còn xây dựng riêng hành cung Khang Hy cho vua cha tại Ba Lâm. Đây là cung điện hoàng đế duy nhất từng được xây dựng ở biên giới phía Bắc Trung Quốc.
Theo quy định của nhà Thanh, con gái của Phi tử chỉ có thể phong làm “Hòa Thạc công chúa”, chỉ có con gái do Hoàng hậu sinh ra mới có tư cách được sắc phong tước hiệu “Cố Luân công chúa”. Tuy vậy, bởi công chúa Vinh Hiến tận trung tận hiếu, nên vua Khang Hy phá lệ phong nàng làm Cố Luân công chúa. Trong tiếng Trung, “Cố Luân” có nghĩa là “thiên hạ”, nói cách khác, Cố Luân công chúa chính là đại diện cho đất nước, đây là tước vị cao nhất của công chúa lúc bấy giờ.
Công chúa Vinh Hiến sống trên thảo nguyên Ba Lâm được 37 mùa xuân, cả đời vinh hoa phú quý, vô cùng hạnh phúc, có điều vợ chồng sum họp thì ít chia xa thì nhiều, bởi Ô Nhĩ Cổn quanh năm chinh chiến bên ngoài. Năm Khang Hy thứ 60, Ô Nhĩ Cổn bệnh nặng chết trên đường theo Khang Hy đánh trận, năm sau đó Khang Hy qua đời, 6 năm sau, công chúa Vinh Hiến – lúc này 56 tuổi, cũng chết vì bệnh tật và được mai táng bên cạnh Ô Nhĩ Cổn.
Con trai công chúa Vinh Hiến xây cho bà một lăng mộ lộng lẫy tại hữu kỳ Bahrain, Xích Phong, Nội Mông ngày nay. Lăng mộ hình chữ nhật, rộng 45 mét và dài 105 mét, có diện tích 5.000 mét vuông. Là công chúa danh giá nhất đời vua Khang Hy, được hưởng đặc quyền đặc lợi của hoàng đế, lúc an táng, bà được mặc áo long bào đính trân châu và đầu đội phượng quan bằng vàng lộng lẫy, những vật phẩm bồi táng theo cũng đều là bảo vật quý hiếm.
Thi thể bị sỉ nhục trong ‘Đại Cách mạng văn hóa’
Ngôi mộ của công chúa Vinh Hiến vẫn nguyên vẹn, chưa từng bị kẻ trộm quấy rầy cho đến một ngày vào 244 năm sau đó. Khi ấy chính là thời kỳ “Cách mạng văn hóa” xảy ra tại Trung Quốc với chủ trương được chính quyền đương thời gọi là “phá tứ cựu” (破四舊). Một nhóm “thanh thiếu niên xung kích” đã dùng búa tạ để mở lăng mộ, phát hiện công chúa Vinh Hiến vẫn như người sống sau hơn 200 năm yên tĩnh nằm trong đó, thi thể không có dấu hiệu bị phân hủy, da vẫn còn đàn hồi. Nhóm xung kích nổi loạn đã cướp sạch các đồ quý giá trong lăng mộ, lột bỏ quần áo và các đồ trang sức quý giá trên người công chúa, sau đó vứt xác bà bên ngoài lăng mộ.
Di thể của công chúa sau khi bị phơi bên ngoài nhanh chóng bị phân hủy. Sau đó, các nhà khảo cổ đã đưa bà đến một trung tâm y tế địa phương. Lãnh đạo của trung tâm này phê bình hành vi đào trộm cổ mộ, nhưng lại bị nhóm thanh thiếu niên cách mạng chỉ trích, cho rằng ông ‘đứng về phía đối lập với nhân dân lao động, ủng hộ thế lực phong kiến’. Họ không những trừng phạt ông, còn khiêng xác công chúa diễu hành trên phố. Sau khi kết thúc cuộc phê bình, thi thể công chúa bị ném ở nơi hoang vu, mặc cho chim chóc và thú dữ cắn xé.
Đến nay, cấu trúc trên mặt đất của ngôi mộ đã bị san bằng, thậm chí cả cung điện dưới lòng đất cũng bị phá hủy hoàn toàn bằng thuốc nổ và búa tạ.
Thiện Thành (t/h)