Bí ẩn về “Hỏa Diệm Sơn” ngoài đời thật: 50 năm cháy mãi không tắt
Dãy núi ‘Hỏa Diệm Sơn’ với ‘tám trăm dặm khói lửa’ gây cản trở cho thầy trò Đường Tăng đi thỉnh kinh, làm khổ cực đời sống người dân nơi đó tưởng chừng chỉ là hư cấu nhưng thực ra ngoài đời thật cũng tồn tại một nơi như thế.
Hơn bốn thập kỷ về trước, tại phía bắc vùng sa mạc Turkmenistan thuộc nước Cộng hòa Turkmenistan bỗng xuất hiện một hố lửa, ngọn lửa đỏ rực ngày đêm khiến nhiều người sửng sốt, bàng hoàng.
Hố lửa này có tên là Derweze hoặc Darvaza, còn được gọi là “Cổng địa ngục”, “Hỏa Diệm Sơn”.
Miệng hố này có đường kính 70m, sâu 20m, nằm trong hoang mạc Karakum ở Trung Á. Với nhiệt độ lên đến 400 độ C, nó đã bốc cháy không ngừng suốt 50 năm qua và được ví là một hiện tượng siêu thực giữa rừng sa mạc cằn cỗi.
‘Hỏa Diệm Sơn’ ngoài đời thực do con người gây tai nạn mà thành hình
Theo nguồn tin từ AFP, sự xuất hiện của “Hỏa Diệm Sơn” với các đám cháy trong hố lửa khiến người nhìn liên tưởng tới lửa địa ngục này thực chất không phải là do hiện tượng thiên nhiên kỳ bí mà do khí gas bốc lên từ dưới lòng đất.
Ngọn lửa này đã bắt đầu bùng cháy vào năm 1971, sau một tai nạn khoan thăm dò.
Thời điểm đó, các nhà khoa học Liên Xô đang thăm dò một giếng khí đốt tự nhiên, tuy nhiên vùng đất nơi họ khảo sát đã bất ngờ bị sập xuống, rất may vụ tai nạn không khiến ai bị thương vong.
Lo sợ khí gas đe dọa tính mạng của người dân địa phương và các động vật sống trong vùng, các nhà địa chất đã châm lửa đốt khí.
Ban đầu họ nghĩ rằng ngọn lửa sẽ sớm tắt. Nhưng không ngờ trải qua hàng chục năm, ngọn lửa vẫn còn đó tạo ra một khung cảnh siêu thực và cũng không ai biết khi nào ngọn lửa mới thực sự tắt.
Năm 2010, Tổng thống của Turkmenistan là ông Gurbanguly Berdymuhamedov định lấp đất vào miệng hố để nó ngừng cháy. Tuy nhiên 4 năm sau, giới chức Turkmenistan lại quyết định mở cửa đón khách du khách tới tham quan miệng hố này.
Người đầu tiên liều mình bước xuống khám phá hố lửa ‘Hỏa Diệm Sơn’
Mặc cho mọi nguy hiểm, nhiều du khách hiếu kỳ trên khắp thế giới đã đến đây để tận mắt chứng kiến ‘Hỏa Diệm Sơn’ ngoài đời thực. Do nhiệt độ quá cao, nhiều khách tham quan không thể đến gần miệng hố được, họ chọn giải pháp đứng ngắm từ xa.
Nhà thám hiểm George Kourounis sau đó đã trở thành người đầu tiên trên thế giới dám mạo hiểm liều mình khám phá ‘Hỏa Diệm Sơn’ Turkmenistan này.
George cho biết, sau khi nghe tin đồn chính quyền Turkmenistan lên kế hoạch dập tắt ngọn lửa ‘Hỏa Diệm Sơn’ ông đã quyết định đến sa mạc để thám hiểm địa điểm này, mục đích là để thu thập các mẫu đất để các nhà khoa học phân tích.
Mùa đông năm 2013, George hoàn thành các cuộc thám hiểm ‘Hỏa Diệm Sơn’ và tìm thấy sự hiện diện của vi khuẩn ở môi trường giàu metan với nhiệt độ cao.
Hình ảnh được công bố cho thấy George chênh vênh trên miệng hố với một bộ đồ bảo hộ chống nóng, máy thở và treo mình bằng bộ dây từ sợi Kevlar. Ông đã xem xét hố lửa này trong vòng 15 phút, sau đó được đội thám hiểm kéo lên.
“Vì chưa từng có ai làm điều này, nên có rất nhiều câu hỏi đặt ra. Đáy hố nóng như thế nào? Khí ở dưới đó có hít thở được không? Dây treo sẽ chịu được nhiệt chứ? Nếu có chuyện gì không ổn xảy ra thì sao? Chẳng ai trả lời được, kể cả tôi.
Khi đặt chân xuống đáy hố, tôi thấy thật choáng ngợp, như thể tôi mới đặt chân lên một hành tinh xa lạ. Thật hào hứng và cũng thật nguy hiểm, nhưng đây sẽ là lần đầu tiên có người dám làm thế này”, George chia sẻ.
Yên Yên (t/h)