Bí ẩn những bức bích họa 5.000 năm tuổi mô tả công thức hóa học trên dãy Ural
Trên một vách đá ở vùng núi Ural của Nga có khắc các bức họa niên đại 5.000 năm tuổi. Tuy nhiên, những bức họa này lại miêu tả một số cấu trúc hóa học cao cấp mà các nhà khoa học mới nghiên cứu gần đây. Vậy làm sao con người cổ đại có thể biết đến chúng cách đây hàng ngàn năm về trước?
Trong số vô vàn bí ẩn tìm được tại vùng Ural, Nga, có một khu vực rộng lớn tràn ngập những bức khắc họa trên đá dọc bờ sông Tagil, sông Neyva, Sông Rezh, sông Yurozan và phụ cận. Người xa xưa đã mô tả một loạt các chữ số và ký hiệu hình học khiến giới khoa học hiện nay vô cùng sửng sốt và khó hiểu. Những tác phẩm này nằm trải dài dọc khắp một vùng rộng lớn tới 800 km từ bắc vào nam.
Nếu xét trên quan điểm của các học giả chính thống về lịch sử nhân loại, điều này là không thể. Công thức hóa học tiên tiến được khắc rõ nét trên các phiến đá cách đây hàng ngàn năm về trước, đây là một bí ẩn không thể lý giải nếu dựa vào kiến thức chính thống hiện giờ. Nghịch lý nằm ở chỗ, làm sao nền văn minh cổ xưa được cho là lạc hậu lại có thể nắm rõ những cấu trúc hóa học tiên tiến đến thế?
Theo các nhà khảo cổ dòng chính thống, những ký hiệu và hình vẽ khó hiểu trên được tạo ra trong khoảng từ 4.000 đến 5.000 năm trước. Tuy nhiên điều gây tò mò nhất về chúng không phải là niên đại, mặc dù đã đủ ấn tượng, mà chính là ý nghĩa chúng đại diện.
Nhiều nhà nghiên cứu từng nghiên cứu các bức họa khắc đá kỳ dị này tin rằng chúng là một tập hợp các chữ cái, biểu tượng và động vật, môt bộ nghệ thuật cổ đại tồn tại trong rất nhiều bức họa khắc đá trên thế giới. Tuy nhiên nếu quan sát kỹ hơn, người ta sẽ nhận ra một sự tương đồng đáng kinh ngạc giữa một vài biểu tượng với các công thức hóa học tiên tiến hiện giờ.
Trên thực tế người ta đã biết đến sự tồn tại của các tác phẩm nghệ thuật cổ đại này hàng trăm năm trước, qua nhiều thế hệ, con người đã băn khoăn tự hỏi về thuở xa xưa ấy, làm sao người ta có thể hiểu biết sâu rộng đến vậy. Nga hoàng Peter I từng ra lệnh cho một nhà sử học tên là Yakov Losyov tới khảo sát ở vùng này để sao chép lại y nguyên các tác phẩm khắc trên đá vào năm 1699.
Tuy nhiên, không mấy người nhận thức được tầm quan trọng của các bức họa khắc đá này cho tới khi nhà vật lý nguyên tử, phân tử và quang học người Nga, TS. Vladimir Avinsky, tiến hành phân tích chúng. TS. Avinsky đã phát hiện thấy một sự tương đồng đáng kinh ngạc giữa các bức họa khắc đá 5.000 năm tuổi với công thức của một số hợp chất hóa học cao cấp.
Nhưng từ hàng nghìn năm trước, hỏi người cổ đại đã thu thập được những kiến thức này ở đâu? TS. Avinsky tin chắc rằng trong quá khứ xa xôi, các nền văn hóa cổ đại, ‘nguyên thủy’ trên thế giới đã được những người ngoài Trái Đất viếng thăm và truyền cho nhiều kiến thức.
Theo quan điểm của TS. Avinsky, các bức họa khắc đá ở dãy núi Ural là hình vẽ miêu tả các công thức hóa học phức tạp, giống với các dây xích và hình đa giác được sử dụng trong ngành hóa học hữu cơ.
Các hình zic-zắc, đầu nhọn, và các dạng hình học kỳ dị khác được cho là các lưới đánh cá và hình vẽ miêu tả các loài động vật, nhưng giới khảo cổ không hoàn toàn tán đồng với quan điểm này. Tuy nhiên, TS. Avinsky lưu ý rằng các biểu tượng và dây xích bí ẩn được miêu tả tại vùng núi Ural có các điểm tương đồng đáng kinh ngạc với các công thức hóa học phổ biến, ví như của polyetilen.
Và ví dụ kể trên cũng không phải là công thức hóa học duy nhất được miêu tả trong dãy núi Ural. Ngoài đó ra, các hình vẽ khác trông khá giống một cái tổ ong với các hình lục giác, kèm một số đoạn thẳng. Các nhà khoa học truyền thống đã không thể giải thích được ý nghĩa của chúng. Tuy nhiên, theo TS. Avinsky, cái gọi là các hình ‘tổ ong’ trên thực tế là hình vẽ miêu tả các cấu trúc hóa học, ví như của graphite.
TS. Avinsky đã đem các hình vẽ ở dãy núi Ural đến một số nhà hóa học. Nhiều người trong số họ đồng tình với nhận định của TS. Avinsky rằng có một sự tương đồng rất lớn giữa chúng và nhiều công thức hóa học.
TS. Avinsky nhận định rằng con người cổ đại lẽ ra không thể biết được những kiến thức này, tuy vậy các bức họa khắc trên đá ở vùng núi Ural lại có sự tương đồng kỳ lạ với những cấu trúc hóa học ngày nay, điều này không thể được nhìn nhận đơn thuần là một sự trùng hợp ngẫu nhiên.
T/h