Bí ẩn hài cốt chất đống trong nhà cổ 5.000 năm tuổi ở Trung Quốc
97 bộ di cốt được tìm thấy trong một ngôi nhà nhỏ 5.000 năm tuổi, tại làng cổ đại ở Đông Bắc Trung Quốc. Theo các nhà khảo cổ, nhiều dấu hiệu cho thấy thi thể của cả người lớn lẫn trẻ em thời tiền sử đã được chất đống trong ngôi nhà kể trên, trước khi nó bị thiêu rụi.
Di chỉ khảo cổ nơi người ta tìm thấy ngôi nhà, hiện có tên gọi là “Hamin Mangha”, đã được xây từ trước khi chữ viết xuất hiện trong khu vực, vào thời kỳ con người vẫn sống trong các khu định cư nhỏ, sinh tồn bằng cách trồng trọt kết hợp với săn bắt.
Cuộc khảo cổ được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu từ Viện nghiên cứu cổ vật văn hóa Nội Mông và Trung tâm nghiên cứu, khảo cổ của Đại học Cát Lâm.
Ngoài các bộ di cốt kể trên, các nhà khoa học còn tìm thấy nhiều mảnh gốm cổ, thiết bị nghiền, mũi tên, mũi giáo… Các cổ vật này đã cung cấp nhiều thông tin quan trọng về lối sống của người cổ đại.
“Di chỉ Hamin Mangha là khu vực định cư thời tiền sử lớn và còn nguyên vẹn nhất ở khu vực Đông Bắc Trung Quốc”, một đội chuyên gia khảo cổ viết trong bài báo được đăng trên số ra gần đây của tờ Tuần báo Chinese Archaeology (Khảo cổ học Trung Quốc)
Trong một cuộc khai quật, diễn ra từ Tháng 4 tới Tháng 11/2011, các nhà khoa học đã thấy phần nền của 29 ngôi nhà. Phần lớn chúng là các ngôi nhà một buồng đơn giản, có một cửa ra vào và một lò sưởi.
Ngôi nhà chứa các thi thể, được đặt tên F40, chỉ rộng vỏn vẹn 20m2. Các nhà khảo cổ cho biết, rất nhiều bộ hài cốt nằm lộn xộn bên trong. Những bộ nằm ở góc Tây Bắc (trong ngôi nhà) khá hoàn chỉnh trong khi những bộ nằm góc phía Đông thường chỉ còn lại phần xương sọ, với xương chân tay không còn lại nhiều. Ở góc phía Nam là các bộ xương chân và tay lại xếp chồng lên nhau tới 2,3 lớp, thành đống lẫn lộn.
Ngoài ra, vào một thời điểm nào đó, toàn bộ ngôi nhà bị thiêu cháy. Ngọn lửa khiến phần mái nhà, gồm nhiều cây xà gỗ, đổ sụp xuống. Việc này khiến một số phần xương sọ và xương chi có trong nhà bị cháy và biến dạng.
Tuy nhiên, các di cốt còn lại không bị thiêu cháy và vẫn còn lại sau 5.000 năm.
Chuyện gì đã xảy ra?
Một đội nhân chủng học ở Đại học Cát Lâm tại Trung Quốc đang nghiên cứu về các di cốt. Kết quả báo cáo được đăng trên Tuần báo Đại học Cát Lâm.
Theo đó, họ thấy rằng những người trong nhà dường như đã chết vì một thảm họa thời tiền sử, có thể là dịch bệnh.
Các nhà khảo cổ thấy rằng nửa số di cốt thuộc về những người có độ tuổi từ 19 – 35. Không có di cốt của người lớn tuổi hơn.
Độ tuổi của các nạn nhân tại Hamin Mangha giống với những người được tìm thấy tại một số điểm mai táng tập thể thời cổ đại khác, từng được phát hiện ở vùng Miaozigou ngày nay.
“Sự tương đồng cho thấy nguyên nhân gây ra thảm họa ở di chỉ Hamin Mangha có thể giống với các di chỉ ở Miaozigou. Rất có thể tất cả đều liên quan tới một vụ bùng nổ dịch nguy hiểm”, hai nhà nghiên cứu Zhou và Zhu cho biết.
Tuy nhiên, không ai biết đó là dịch bệnh gì.
Theo VietnamPlus