Bên trong nhà tù Malaysia giam giữ Đoàn Thị Hương
Nhà tù Kajang ở Malaysia, nơi đang giam giữ Đoàn Thị Hương, nữ nghi phạm Việt Nam trong nghi án Kim Jong-nam, chú trọng đến việc trang bị cho các tù nhân văn hóa và kỹ năng để tái hòa nhập xã hội.
Đoàn Thị Hương và nữ nghi phạm Indonesia Siti Aisyah hôm 11/4 được đưa về nhà tù Kajang sau khi bị tòa án buộc tội giết công dân Triều Tiên Kim Chol, người được cho là ông Kim Jong-nam, anh trai lãnh đạo Kim Jong-un. Nhà tù Kajang nằm ở bang Selangor, gồm hai khu phức hợp dành cho tù nhân nam và nữ, là một trong những cơ sở giam giữ tội phạm chính ở Malaysia.
Bộ trưởng Nội vụ Malaysia Ahmad Zahid Hamidi trong một chuyến thăm nhà tù Kajang năm 2016. Khác với những hình dung quen thuộc của mọi người, nhà tù Kajang không cải tạo tù nhân thông qua các hình phạt mà bằng giáo dục.
Trường Integrity bên trong nhà tù Kajang (SIK) là một trong 8 trường học được thành lập ở Malaysia năm 2008 để giáo dục cho các tù nhân trẻ. Không chỉ giúp họ phục hồi nhân phẩm, trường còn cấp các chứng chỉ văn hóa và đào tạo nghề. Trường được bao quanh với những bức tường bê tông cao và lực lượng bảo vệ nghiêm ngặt.
Là nhà tù nữ lớn nhất nước, Kajang còn có nhiều lớp dạy kỹ năng như nấu nướng, làm bánh, may mặc, làm đồ thủ công… Các sản phẩm của họ được gắn nhãn “My Pride” (Niềm tự hào của tôi) và bày bán tại các triển lãm hoặc trên trang web riêng.
Lò làm bánh bên trong nhà tù Kajang thu hút hàng trăm tù nhân nữ. Bánh quy thường được bán với giá hơn 20 RM (5 USD) một hộp. Malaysia thu về hàng chục triệu RM mỗi năm thông qua việc bán các sản phẩm do tù nhân trên khắp cả nước làm ra.
Tiệm làm đẹp bên trong nhà tù do chính các nữ tù nhân tự tay chăm sóc khách hàng. Chỉ những tù nhân không phạm tội bạo lực mới được làm việc ở đây. Mỗi sáng, họ đi qua 4 chốt kiểm tra an ninh mới đến được salon nằm cách phòng giam vài trăm mét. Từ khi mở cửa năm 2008, salon này thu hút một lượng khách ổn định với nhiều dịch vụ chăm sóc sắc đẹp từ đầu đến chân có giá từ 30 RM (gần 7 USD)
Các tù nhân chơi nhạc trong trường học của nhà tù Kajang. Những nam sinh này nằm ở độ tuổi từ 14 đến 21, bị giam giữ với nhiều tội danh từ trộm cắp đến cưỡng hiếp thậm chí giết người. “Tôi cảm thấy mình trở thành một người tốt hơn nhờ kỷ luật ở đây”, một tù nhân trẻ tên Aiman, người lĩnh án 3 năm tù vì tham gia một vụ cướp, nói.
TinhHoa tổng hợp