Bé trai 10 tuổi gặp tai nạn suýt mất mạng khi ăn lòng lợn
Khi đang ăn cơm trưa cùng gia đình, bé trai 10 tuổi (Hà Nội) bị mắc miếng tràng lợn dài 2,5cm trong khí quản. Bé được đưa vào viện trong tình trạng ngừng tim, ngừng thở, người tím tái.
Theo báo Dân Trí, mới đây, các bác sĩ Khoa cấp cứu A9, Bệnh viện 19-8 đã cứu sống thành công một bé trai sinh năm 2011 (trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội), bị hóc dị vật trong quá trình ăn uống.
Thượng tá, BSCKII Mạch Thọ Thái, Trưởng khoa Cấp cứu A9 cho biết, bệnh nhi được gia đình đưa tới BV vào khoảng 13 giờ ngày 29/10 trong tình trạng ngừng tuần hoàn, không còn phản xạ, tím tái, vô cùng nguy kịch.
Theo báo Dân Việt, người nhà cháu bé cho biết trước khi vào viện, trẻ ăn lòng lợn, tràng lợn trong bữa trưa cùng gia đình. Tuy nhiên, khi đang ăn thì trẻ bỗng không thở được, tím tái, bất tỉnh… Gia đình vội vàng đưa con tới bệnh viện cấp cứu.
Tại đây các y bác sĩ đã tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn, bóp bóng, ép tim, lấy được miếng tràng lợn dài 2,5cm ra khỏi khí quản bệnh nhi. Sau đó, tiến hành đặt nội khí quản, cho bé thở máy.
Bé trai sau đó dần hồi tỉnh và được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương để theo dõi. Đến ngày 30/10 thì bé đã có thể đi lại bình thường. Ngày 31/10, bé khỏe mạnh hoàn toàn, đủ điều kiện ra viện.
Theo BS Thái, dị vật đường thở vô cùng nguy hiểm, trẻ có thể bị mất não do bị tắc nghẽn đường thở hoàn toàn chỉ sau 5 phút. Cũng vì thế mà có ca cứu được nhưng người bệnh lại rơi vào tình trạng mất não, cũng có rất nhiều ca không thể cứu được.
May mắn nhà bé trai gần bệnh viện nên đã cấp cứu kịp thời, nếu chỉ chậm vài giây có lẽ bệnh nhi không thể qua khỏi. Trước đó, khoa cũng từng tiếp nhận một số trường hợp trẻ bị sặc sữa, sặc cháo, nhưng cấp cứu đơn giản hơn.
Theo đó, bác sĩ khuyến cáo các bậc phụ huynh phải luôn để mắt đến con nhỏ, không để trẻ chơi với vật nhỏ có thể đưa được vào miệng ngậm mút.
Trước khi cho trẻ ăn các loại thức ăn có xương, hạt nhỏ thì cần phải loại bỏ hết xương, hạt trước. Nếu phát hiện hoặc nghi ngờ trẻ nuốt vật lạ thì phải nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để được xử lý kịp thời.
Với trẻ lớn cũng cần nhắc nhở, để ý, không nên đùa nghịch trong bữa ăn, nhai chậm nuốt chậm…
Yên Yên (t/h)