Bé gái 20 tháng tuổi trợn tròn mắt, cứng gáy do bị kê nhầm thuốc tâm thần
Sau khi uống 3 ngày thuốc do bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 2 kê, bé gái 20 tháng tuổi bị trợn mắt, cứng gáy và ngủ mê man… gia đình vội đưa em đi cấp cứu. Bác sĩ sau đó đã xin lỗi gia đình vì đã kê nhầm thuốc điều trị tâm thần cho cháu nhỏ.
Vào khoảng 9h29 ngày 8/7, bé N.N.H.A. (20 tháng 7 ngày, ngụ tại TP.HCM) sau khi mổ hạch nách và hạch chi trên đã tái khám ở phòng khám số 110 của Bệnh viện Nhi đồng 2.
Tại đây, em được Bác sĩ Đ.N.D. chẩn đoán bị tụ dịch vết mổ (áp xe sau khi mổ hạch lao) và kê toa thuốc về uống. Tuy nhiên, sau ba ngày uống thuốc theo đơn của bác sĩ thì bé A. phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng lừ đừ, ngủ nhiều, cứng gáy, trợn mắt, ưỡn cổ và khóc vào 18h15 ngày 10/7.
Tại khoa Thần kinh, bệnh nhi được bác sĩ chẩn đoán Hội chứng ngoại tháp và rối loạn vận động do tác dụng phụ của thuốc Haloperido, hoạt chất có trong thuốc Halofar 2mg đã kê cho bé uống trong ba ngày. Tính đến thời điểm hiện tại, bé A. đã uống đến năm viên thuốc Halofar 2mg.
Trao đổi với phóng viên, bác sĩ Trịnh Hữu Tùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 – xác nhận thông tin trên và cho biết đây là trường hợp nhầm lẫn thuốc khi kê toa bằng máy tính do 2 loại thuốc này cùng mã, lại được xếp cạnh nhau nên bác sĩ đã kê nhầm mà không hề hay biết.
“Bác sĩ đã chẩn đoán hạch nách, hạch chi trên tụ dịch vết mổ (C77.3) và chỉ định dùng thuốc kháng sinh – kháng viêm và giảm đau trong ba ngày. Nhưng khi kê toa chọn Hapacol 150mg (mã thuốc: HAP1) để giảm đau, bác sĩ đã vô tình chọn sang Halofar 2mg (mã thuốc: HAL) mà không biết, vì hai mã thuốc này giống nhau và xếp cạnh nhau trên phần mềm máy tính”, bs Tùng cho hay.
Cũng theo bác sĩ Tùng thì khi in toa thuốc, bác sĩ D. đã kiểm tra toa thuốc sau khi in nhưng không phát hiện thuốc Halofar 2mg nên đã giao cho người nhà bệnh nhân.
Sau vụ việc, phía bệnh viện cho biết đã báo cáo sự cố trên hệ thống sự cố y khoa và phòng Nghiệp vụ Y thuộc Sở Y tế, TPHCM.
Ngày 17/7, phía bệnh viện cho biết, đã đến gặp gia đình bệnh nhi, trao đổi, giải thích về tình hình sức khỏe của bé gái đồng thời báo cáo sự cố này trên hệ thống sự cố y khoa và phòng Nghiệp vụ Y thuộc Sở Y tế, TPHCM.
Sau sự việc trên, bệnh viện cho biết đã “rút kinh nghiệm nhắc nhở các bác sĩ kê toa nên kiểm tra kỹ toa thuốc sau khi in xong trước khi trao cho người nhà”.
Hiện, bệnh nhi A. đang được theo dõi, không xử trí đặc hiệu về tác dụng ngoài ý muốn của thuốc Haloperidol. Bệnh nhi được điều trị áp xe hạch lao bằng kháng sinh và chăm sóc vết thương.
Một bác sĩ chuyên khoa tâm thần cho biết, Halofar là loại thuốc dùng để chống loạn thần, chỉ sử dụng cho bệnh nhân khi bị hoang tưởng, ảo giác.
Halofar 2mg được dùng cho các trường hợp bị bệnh tâm thần khi rơi vào trạng thái hưng cảm, cơn hoang tưởng cấp, mê sảng, run do rượu; các trạng thái loạn thần mạn tính; trạng thái mê sảng, lú lẫn kèm kích động, hành vi gây gổ tấn công…
Vũ Tuấn (t/h)