Barbados xóa bỏ vai trò nguyên thủ quốc gia của Nữ hoàng Elizabeth II
Toàn quyền Barbados Sandra Mason mới đây đã tuyên bố, quốc đảo này sẽ xóa bỏ vai trò nguyên thủ quốc gia của Nữ hoàng Elizabeth II để trở thành một quốc gia cộng hòa vào năm 2021. Trong bài phát biểu, Toàn quyền Barbados tuyên bố “Đã đến lúc chúng ta bỏ lại hoàn toàn quá khứ thuộc địa”.
Telegraph đưa tin, vào ngày 15/9, thay mặt Thủ tướng Mia Mottley phát biểu trước quốc hội tại Bridgetown, Toàn quyền Barbados Sandra Mason tuyên bố quốc đảo sẽ xóa bỏ vai trò nguyên thủ quốc gia của Nữ hoàng Elizabeth II để trở thành một quốc gia cộng hòa vào năm tới:
“Đã đến lúc chúng ta bỏ lại hoàn toàn quá khứ thuộc địa”;
“Người dân Barbados muốn có một nguyên thủ quốc gia người Barbados. Barbados sẽ thực hiện bước hợp lý tiếp theo hướng tới chủ quyền hoàn toàn và trở thành một nước cộng hòa trước thời điểm chúng ta kỷ niệm 55 năm Ngày Độc lập (30/11/2021)”, bà Sandra Mason phát biểu.
Khi được hỏi về bài phát biểu của bà Mason, một phát ngôn viên của Cung điện Buckingham đáp: “Đây là vấn đề của chính phủ và người dân Barbados”. Hơn nữa, Bộ Ngoại giao Anh cũng nói rằng, Barbados toàn quyền quyết định vấn đề này.
Barbados là một quốc đảo Caribe với diện tích hơn 400 km2 và dân số dưới 300.000 người trở thành thuộc địa của Anh vào năm 1625. Ngày 30/11/1966, Barbados trở thành quốc gia độc lập thuộc Khối Thịnh vượng chung.
Mặc dù Nữ hoàng Elizabeth là nguyên thủ quốc gia của Barbados nhưng lại hiếm khi đến thăm quốc đảo này. Toàn quyền là người đại diện cho Nữ hoàng tại các sự kiện chính thức.
Trước đây, nhiều người dân Barbados đã kêu gọi xóa bỏ vị trí nguyên thủ của Nữ hoàng Elizabeth và một số nhà lãnh đạo của hòn đảo đã ủng hộ việc trở thành một nước Cộng hòa. Một ủy ban do chính phủ bổ nhiệm cũng đã kết luận vào năm 1998 rằng, Barbados nên trở thành một nước Cộng hòa với một Tổng thống không hành pháp là nguyên thủ quốc gia để thay thế Nữ hoàng.
Nữ hoàng Elizabeth cũng là nguyên thủ quốc gia của Anh và 15 nước từng là thuộc địa của Anh, bao gồm Antigua và Barbuda, Australia, Bahamas, Barbados, Belize, Canada, Grenada, Jamaica, New Zealand, Papua New Guinea, Saint Kitts và Nevis, Saint Lucia, Saint Vincent và Grenadines, Quần đảo Solomon và Tuvalu.
Một số cựu thuộc địa của Anh đã xóa bỏ tư cách nguyên thủ quốc gia của Nữ hoàng kể từ khi độc lập nhưng vẫn ở lại Khối thịnh vượng chung gồm 54 thành viên.
Động thái của Barbados được đưa ra trong bối cảnh vai trò lịch sử của đế chế Anh đang bị xét lại – như một phần của phong trào chống phân biệt chủng tộc đang lan rộng khắp toàn cầu.
Lương Phong(t/h)