Bạn đang “đào giếng” hay “gánh nước” cho cuộc đời mình?
Thời gian rảnh sau công việc sinh ra người tài, đồng thời cũng sinh ra kẻ lười biếng. Điều này không chỉ tạo ra sự khác biệt giữa hiệu suất làm việc, mà còn tạo ra sự chênh lệch về mức độ thành công trong cuộc sống…
Hai vị hòa thượng gánh nước
Có hai hòa thượng nọ sống trong hai ngôi chùa trên hai ngọn núi sát cạnh nhau, một người tên “Nhất Hưu” một người tên “Nhị Hưu”. Trên cả hai ngọn núi này đều không có nước, do vậy mỗi ngày hai hòa thượng này đều phải đi xuống khe suối nhỏ gánh nước về mới có nước để dùng.
Bởi thời gian đi gánh nước thường trùng nhau lại thường xuyên gặp mặt nên lâu dần hai hòa thượng trở thành bạn bè. Cứ như vậy thời gian đi gánh nước dần trôi thấm thoắt đã năm năm. Một ngày nọ Nhị Hưu lại đi ra suối gánh nước như mọi khi bỗng phát hiện Nhất Hưu không xuất hiện. Trong lòng Nhị Hưu thầm nghĩ chắc hòa thượng Nhất Hưu ngủ quên mất rồi.
Cứ thế trôi qua đến ngày thứ hai, thứ ba đều không thấy Nhị Hưu đi gánh nước. Tới cả một tuần rồi qua 1 tháng đều không thấy Nhất Hưu xuất hiện. Nhị Hưu rất lo lắng liền nghĩ: “Chắc bạn mình mắc bệnh rồi, mình phải đi hỏi thăm anh ấy một chút, xem có thể giúp gì được không”.
Khi Nhị Hưu lên núi tìm tới ngôi chùa của Nhất Hưu, thì phát hiện Nhất Hưu đang tập Thái cực quyền trước cổng chùa, nhìn không giống như ốm đau bệnh tật gì cả.
Anh ngạc nhiên hỏi Nhất Hưu hòa thượng: “Nhất Hưu đã một tháng rồi không thấy anh xuống núi lấy nước, sao anh không đi gánh nước mà vẫn có nước dùng?”
Nhất Hưu cười và đưa Nhị Hưu hòa thượng ra hoa viên sau chùa, chỉ vào giếng nước và nói: “Năm năm qua mỗi ngày gánh nước xong, tụng kinh xong, tôi đều dùng thời gian rảnh còn lại để đào cái giếng nước này.
Mặc dù có những lúc rất bận rộn không đào được nhiều, nhưng tôi luôn tự nhủ đào được bao nhiêu thì cứ cố gắng làm. Bây giờ giếng đã đào xong, mạch nước cũng đã được khai thông nên giếng đầy nước rồi, từ nay về sau tôi không phải đi xuống núi gánh nước nữa! Do vậy tôi có thể tiết kiệm được rất nhiều thời gian làm những việc mình thích, ví dụ như tập Thái cực quyền đây này!”.
Từ đó, Nhất Hưu không phải cực nhọc vất vả dành thời gian đi gánh nước, còn Nhị Hưu thì vẫn vậy hằng ngày đều phải xuống núi, không được nghỉ ngơi. Đây chính là nguồn gốc câu nói “nhất bất làm nhị bất hưu”, tức là, làm việc gì cũng làm cho đến nơi đến chốn đến cuối cùng.
Muốn vượt trội, cần tận dụng “thời gian tam dư”
Cuối thời Đông Hán, có một người tên là Đổng Ngộ, là một phần tử tri thức vô cùng nổi danh vào thời đại đó, cùng với sáu nhân vật khác được xưng là Nho Học Tông Sư. Đổng Ngộ có được kiến thức rộng lớn như vậy cũng nhờ vào ông biết cách tận dụng thời gian rảnh.
Có người hỏi Đổng Ngộ: “Ngài đọc sách như thế nào?”.
Đổng Ngộ trả lời rằng: “Nếu như đọc một quyển sách không hiểu, thì đọc lại lần nữa”.
Người này hỏi tiếp: “Làm gì có thời gian để đọc lại một quyển sách lần nữa?”.
Đổng Ngộ đáp: “Vậy thì lợi dụng ‘thời gian tam dư’”.
Người này vô cùng hiếu kỳ: “Cái gì gọi là ‘thời gian tam dư’?”.
Đổng Ngộ đáp: “Đông giả tuế chi dư, dạ giả nhật chi dư, âm vũ giả thì chi dư dã”.
Có nghĩa là, mùa đông được xem như một khoảng thời gian rảnh rỗi trong năm, buổi tối là thời gian rảnh rỗi trong ngày, ngày mưa là thời gian rảnh rỗi trong cả bốn mùa. Vào những khoảng thời gian rảnh rỗi này chúng ta có thể làm gì? Đổng Ngộ đề nghị chúng ta nên tận dụng khoảng thời gian này để đọc sách.
Trong những năm Hưng Bình thời Đông Hán, Quan Trung đại loạn, Đổng Ngộ cùng ca ca làm việc dưới trướng của một vị tướng quân ở Quan Trung. Khi làm việc hay lao động Đổng Ngộ luôn mang theo Kinh Thư bên người, cứ có thời gian rảnh là lại lấy ra xem. Mặc dù thường bị ca ca chê cười, nhưng ông chưa từng từ bỏ thói quen ấy, cuối cùng trở thành một trong bảy vị có học vấn cao nhất dưới trướng Tào Ngụy.
Người thông minh thường tận dụng khoảng thời gian rảnh rỗi học hỏi nhiều lĩnh vực
Người thông minh thường dùng thời gian rảnh rỗi của mình để tự giúp mình có thêm thu nhập. Không chỉ tăng thêm thu nhập, mà còn giúp người đó phát triển năng lực của mình ở một phương diện khác. Tạo nên nhiều giá trị và nhận được nhiều thành công hơn trong cuộc sống của chính mình.
Mỗi một thương trường kinh doanh đều tôi luyện tạo ra một loạt những người giàu có tài hoa. Sự tôi luyện đó của họ vào thời gian nào có lẽ mọi người đều không hay biết, họ đang âm thầm làm điều gì mọi người cũng không ai hay; khi người khác chưa hiểu được thời cuộc chưa hiểu được bản chất của sự việc, thì họ đã tự biết bản thân mình đang làm gì. Vì vậy khi người khác hiểu rõ được thì họ đã thành công rồi, khi người khác hiểu được thì họ đã trở thành những người giàu có rồi!
Làm người đào giếng hay làm người gánh nước tất cả đều tự do bản thân mỗi người quyết định. Gánh nước ở nơi khác về là việc có thể bảo đảm nhu cầu sinh hoạt trước mắt của bạn trước khi bản thân bạn chưa có một cái giếng. Nhưng nếu nhìn về lâu về dài, những người có trí tuệ thông minh sẽ muốn tự mình đào một cái giếng của mình. Đó mới là sự sở hữu nguồn tài nguyên của bản thân, đó mới chính là nguồn gốc của sự sinh sôi và phát triển.
Đương nhiên người đồng thời vừa gánh nước vừa đào giếng sẽ vất vả cực nhọc hơn người chỉ đi gánh nước, sẽ phải cố gắng nỗ lực nhiều hơn. Tuy nhiên, khi bạn đào thành công một cái giếng, nó sẽ mang lại cho bạn và gia đình bạn một sự báo đáp hậu hĩnh lâu dài!
Tuệ Tâm (s/t)
>>> Jerusalem được công nhận là thủ đô của Israel – Phúc báo cho một dân tộc dám đứng lên vì chính nghĩa