Bạn có biết tại Nam Kinh cũng có “Vạn Lý Trường Thành”
Ngoài Vạn Lý Trường Thành ở Bắc Kinh, tường thành được xây dựng vào thời nhà Minh ở Nam Kinh cũng là một đại công trình kiến trúc đáng kinh ngạc, đồng thời cũng là địa điểm tham quan lịch sử nổi tiếng.
Khám phá tường thành cổ bao quanh thành phố dài nhất thế giới
Tường thành quy mô của Trung Quốc nằm trên sông Dương Tử, thành phố Nam Kinh, phía Tây Bắc của thành phố Thượng Hải và có một vị trí đặc biệt trong sử sách: Đó là bức tường bao quanh thành phố dài nhất thế giới.
Bức tường tại thành phố Nam Kinh được xây dựng trong khoảng thời gian từ năm 1366 đến năm 1386, nhằm mục đích bảo vệ kinh đô của triều đại nhà Minh.
Khoảng 200.000 công nhân đã lao động cật lực và di chuyển 9 triệu mét khối đất trong quá trình xây dựng pháo đài này.
Theo trang web Travel Guide China, Hoàng đế khai triều của triều đại nhà Minh là Minh Thái Tổ (Chu Nguyên Chương) đã ra lệnh cho 118 quận của 20 bang, trực thuộc 5 tỉnh tiến hành đúc gạch, mỗi viên gạch nặng khoảng 2,7 kg. Những viên gạch này được đánh dấu bằng chữ tượng hình để ghi lại nguồn gốc xuất xứ. Đồng thời chúng còn cho thấy thông tin về các xưởng sản xuất.
Bức tường này được lịch sử ghi nhận là một trong những công trình có quy mô lớn nhất. Để xây dựng người ta đã sử dụng tới 350 triệu viên gạch. Các mối nối của tường được liên kết bằng hỗn hợp vôi, cháo gạo nếp và dầu tung (tung oil).
Chiều cao của thành dao động từ 14 đến 20m và khoảng cách giữa hai bức tường rộng khoảng 14m. Trên đỉnh tường có 13.616 lỗ bắn tên nhằm phục vụ cho việc phòng thủ trong tường thành.
Bức tường bao quanh thành phố nam Kinh dài 34 km được xem là tường thành dài nhất thế giới, nhưng ngày nay nó chỉ còn lại khoảng 21 km mà thôi.
Trang web Travel Guide China chỉ ra rằng: Bức tường thành tại Nam Kinh chứa đựng truyền thống của Trung Quốc về việc xây dựng thành phố giữa khung cảnh thiên nhiên sông núi.
Công trình cổ đại này vẫn còn đứng vững ở Trung Quốc cho đến ngày nay. Đó là minh chứng cho kiểu quy hoạch đô thị điển hình tại Trung Quốc cổ đại, cho sự phát triển của ngành xây dựng thủ công và thời kỳ huy hoàng của kinh đô xa xưa.
Khi tường thành được hoàn thành lần đầu tiên vào năm 1386, Cổng Trung Hoa ở phía Nam đã được mở ra để sử dụng. Nó nằm ngay phía Bắc sông Mẫu Giang. Những tàn tích của ba thành trì lớn vẫn còn tồn tại bên trong cánh cổng này.
Ở phía Đông của tường thành, khu vực xung quanh trạm kiểm soát nguồn nước hướng Đông còn gọi là Đông Thủy Quan đã được phát triển thành một công viên công cộng rộng lớn.
Cổng Wu được xem là điểm cuối trong tuyến đường di chuyển độc quyền dành riêng cho các hoàng đế nhà Minh, nơi dẫn vào Cung điện Hoàng gia ở phía bắc Đông Thủy Quan.
Ngày nay, các cung điện không còn tồn tại mà đã được biến thành một không gian xanh, và thường xuyên diễn ra các buổi biểu diễn vũ đạo và tập luyện Thái Cực Quyền.
Tiếp tục đi ngược chiều kim đồng hồ dọc theo bức tường, cổng Taicheng sẽ giúp bạn nhìn ngắm được một phần hồ Huyền Vũ rộng 2,2 km nằm ở trung tâm thành phố.
Ở phía bên kia là ngôi chùa cổ Kê Minh Tự và Tháp Tử Phong, tòa nhà cao chọc trời lấp lánh ánh sáng, nơi bạn có thể nhìn ngắm Trung Quốc hiện đại và cổ đại trong cùng một khung cảnh.
Điểm cực Bắc của tường thành là phần công trình được lưu giữ nguyên vẹn nhất và ấn tượng nhất, được gọi là cổng Thái Bình. Nằm ngay phía bắc hồ Huyền Vũ có một pháo đài, còn được gọi là Thần Sách Môn, một khu quân sự được bảo vệ nghiêm ngặt và không cho phép người dân đến gần trong hơn 7 thập kỷ qua. Đây là cổng duy nhất có tháp canh.
Theo trang web Di Sản Thế giới của UNESCO, thành phố Nam Kinh có bốn đặc điểm nổi bật đó là: Thành phố có quy mô xây dựng lớn nhất, được sử dụng lâu nhất, khu vực có quy hoạch hoàn hảo nhất và là nơi có nhiều viên gạch được khắc chữ nhất.
Nam Kinh cũng là địa điểm duy nhất có bức trường thành của kinh đô của Trung Quốc cổ đại vẫn còn đứng vững đến ngày nay.
Uniwriter (dịch)