Bách hóa Xanh bị ‘bốc hơi’ hàng trăm tỷ, hứa sẽ không tăng giá bất hợp lý
Sau khi liên tục hứng chịu chỉ trích từ dư luận vì tăng giá bán thực phẩm, cổ phiếu MWG hôm 19/7 đã giảm sát mức sàn, khiến giá trị tài sản của ông chủ Thế Giới Di Động giảm 737 tỷ chỉ trong 1 phiên giao dịch. Mới đây, Bách Hóa Xanh cũng đã lên tiếng hứa không tăng giá bất hợp lý.
Theo Vnexpress, đại diện của Bách Hóa Xanh (BHX) cho biết, họ đã nỗ lực không ngừng để tăng cường gấp 2 – 4 lần công suất vận hành.
“Chúng tôi không có chủ trương tăng giá để gia tăng lợi nhuận”, vị đại diện nói và cho biết hiện công ty đang rà soát lại toàn bộ quy trình vận hành và tìm kiếm giải pháp xử lý.
Cụ thể, BHX sẽ tăng thêm mã sản phẩm trong danh mục hàng hóa thiết yếu cam kết giữ giá bán cố định đăng ký với Sở Công Thương TP.HCM để kiểm soát giá bán. Bán hàng có giới hạn số lượng để nhiều người mua được hàng, tránh việc ‘đầu cơ – thu gom sỉ’.
BHX cam kết sẽ làm việc với nhà cung cấp để giữ giá mua vào không tăng một cách bất hợp lý; sẽ tiếp tục tăng sản lượng mua và giữ giá bán không tăng để phục vụ người tiêu dùng.
Nếu sản phẩm có giá mua vào tăng bất hợp lý, BHX sẽ chuyển hướng mua các sản phẩm khác thay thế hoặc nhanh chóng tìm kiếm nhà cung cấp và vùng trồng mới để giảm áp lực cung ứng.
Trường hợp mọi giải pháp kiểm soát giá mua vào không mang lại kết quả, BHX sẽ chủ động giảm sản lượng hoặc tạm ngưng kinh doanh ngắn hạn các mặt hàng này cho đến khi giá mua vào quay về mức hợp lý. Nếu xảy ra trường hợp này, công ty sẽ thông tin rõ lý do đứt hàng cho khách hàng.
Trước đó, vào ngày 13/7, hệ thống bán lẻ BHX đã thông báo tăng giá bán một số mặt hàng do phải bù đắp cho các chi phí vận chuyển, xét nghiệm, nhân công… tăng cao.
Sự việc này khiến nhiều người tiêu dùng và dư luận phản ứng gay gắt, cho rằng BHX tăng giá kiếm lời mùa dịch, kêu gọi tẩy chay mua hàng tại hệ thống lớn với 1.905 điểm bán này.
Liên quan đến vụ việc này, vào ngày 16/7, Cục Quản lý Thị trường TP.HCM đã kiểm tra một số cửa hàng kinh doanh thuộc hệ thống BHX. Tổng giám đốc hệ thống BHX ông Trần Kinh Doanh sau đó thừa nhận việc hệ thống đã tăng giá bán một số mặt hàng.
Tuy nhiên, theo lời ông Doanh thì việc tăng giá này ‘không phải vì mục đích lợi nhuận’ bởi giá hàng hóa được điều chỉnh theo giá nhập đầu vào tại những thời điểm nhất định nên giá tăng là do tăng chi phí vận chuyển, phí nhân công, tài xế, hư hỏng hàng hóa tươi sống do kéo dài thời gian lưu thông…
Sau khi kiểm tra, Cục Quản lý Thị trường TP.HCM cũng xác định BHX không tăng giá đột biến mà chỉ tăng theo điều kiện khách quan. Tuy nhiên, tại Sóc Trăng, sáng ngày 17/7, Đội Quản lý thị trường số 2 (Cục Quản lý thị trường tỉnh Sóc Trăng) lại phát hiện và lập biên bản cửa hàng BHX ở số 481 Trần Hưng Đạo, khóm 8, phường 3, TP. Sóc Trăng vì bán một số mặt hàng cao hơn so với giá niêm yết.
Đúng một ngày sau đó, cửa hàng BHX tại Đắk Lắk cũng bị lập biên bản vì lỗi vi phạm như trên.
Được biết, chuỗi cửa hàng BHX thuộc sở hữu của công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (MWG).
Bị ‘bốc hơi’ 737 tỷ đồng chỉ trong 1 phiên giao dịch
Sau khi BXH vấp phải phản ứng dữ dội của cộng đồng mạng vì động thái tăng giá các mặt hàng thì kết thúc phiên giao dịch 19/7, giá cổ phiếu MWG đã giảm sát mức sàn 6,9% (11.600 đồng) và đóng cửa ở mức giá 156.500 đồng.
Mức giá này khiến giá trị tài sản của ông Nguyễn Đức Tài – chủ của Thế giới di động giảm theo 737 tỷ đồng chỉ trong 1 phiên giao dịch, còn lại 9.946 tỷ đồng.
Không những thế, mức giảm này còn khiến cho ông Tài đánh mất vị trí thứ 12 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán vào tay bà Phạm Thúy Hằng, Phó Chủ tịch Vingroup, và xuống đứng ở vị trí thứ 13 trong danh sách này.
Cũng trong phiên giao dịch 19/07, tổng giá trị vốn hóa của MWG cũng đã “bốc hơi” 5.513 tỷ đồng, xuống còn 74.386 tỷ đồng…
Theo Infonet, bước sang phiên giao dịch 20/7, giá trị tài sản của ông chủ chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh đã tăng 515,82 tỷ đồng lên mức 10.461 tỷ đồng. Con số này vừa đủ để ông Tài lấy lại vị trí thứ 12 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán.
Vũ Tuấn (t/h)