Bà lão 50 năm cầm cờ lê sửa ô tô ở Hà Nội: “Nhìn bằng mắt bắt được ‘bệnh’ cho xe”
Bất cứ chiếc xe nào khách đưa tới, bà Sâm chỉ cần nghe tiếng máy nổ, nhìn bằng mắt là cũng có thể bắt được “bệnh” cho xe đó ngay.
Hơn 50 năm gắn bó với nghề
Với nhiều người, công việc sửa chữa ô tô vốn được coi như là nghề chỉ dành cho phái mạnh bởi tính chất công việc nặng nhọc, hằng ngày phải tiếp xúc dầu nhớt… thế nhưng đây lại là công việc gắn liền với bà Nguyễn Thị Hồng Sâm (73 tuổi, trú tại phố Ngọc Lâm, quận Long Biên, Hà Nội) hơn 50 năm nay.
Người dân ở phố Ngọc Lâm từ lâu đã quen thuộc với hình ảnh bà Sâm tay cầm cờ lê, đầu đeo đèn pin, nằm gầm ô tô để sửa chữa máy móc.
Mặc dù, hiện tuổi bà đã cao nhưng đôi chân bà Sâm vẫn rất nhanh nhẹn, bàn tay vặn ốc cứ thoăn thoắt chẳng khác gì những người trẻ tuổi.
Bất cứ chiếc xe nào khách đưa tới, bà Sâm chỉ cần nghe tiếng máy nổ, nhìn bằng mắt là cũng có thể bắt được “bệnh” cho xe đó ngay.
Bà làm việc tâm huyết với nghề, không quản thời gian sao, có lần lúc gần 3 giờ sáng, khi bà đang ngon giấc thì giật mình nghe thấy tiếng chuông điện thoại vang lên, phía bên kia một vị khách báo cho biết xe đang đi trên đường cách nhà bà Sâm không xa thì bị chết máy.
Giọng khổ chủ vô cùng e dè vì sợ làm phiền bà Sâm trong đêm tối, nhưng cũng là bất đắc dĩ.
Nghe sơ qua những “triệu chứng” của xe, bà Sâm vội từ trên giường bật dậy, mang theo đồ nghề rồi phóng xe máy ra tận nơi. Chỉ với vài thao tác đơn giản, bà đã “chữa bệnh” xong cho chiếc xe.
Trong những tình huống cấp thiết như vậy, được bà Sâm trợ giúp, khách hàng càng thêm kính trọng và nể phục bà hơn.
Được biết, hơn 50 năm trước, sau khi tốt nghiệp phổ thông, bà Sâm được cử đi học ngành điện ô tô 4 năm tại
Trường Cơ khí ô tô Hà Nội với hy vọng sớm kiếm được tiền phụ giúp bố mẹ nuôi các em. Sau khi tốt nghiệp, bà Sâm được điều tới công tác tại Xí nghiệp Vận tải và xe khách tỉnh Thái Bình.
Với sự cần cù chịu khó ham học hỏi, chỉ sau 6 tháng, bà đã được phân công làm đội trưởng đội sửa xe 10 người.
Sau 5 năm, bà Sâm được điều chuyển về Hà Nội. Lúc trẻ tuy bà chỉ nặng 45kg nhưng vẫn thường chui dưới gầm xe, hai chân chống lên để đỡ cái đề-ma-rơ (bộ phận khởi động động cơ) nặng khoảng 30kg, tay thoăn thoắt sửa máy.
“Đây là việc mà đến nam giới còn rất oải nhưng không hiểu sao khi đó tôi lại vô cùng khỏe. Mỗi lần chỉ cần chống chân vào, ghì chặt đề-ma-rơ rồi đưa tay tháo ra sửa”, bà nhớ lại.
Không lâu sau, bà Sâm được điều động làm việc khác, vốn quen với công việc nặng nhọc, bà không chịu được cảnh chân tay nhàn hạ nên xin nghỉ hưu sớm.
Về nhà, người phụ nữ này mua phụ tùng, và tiếp tục công việc sửa chữa máy móc, xe cộ ở nhà.
Bà cho biết ngày xưa tuy ban đầu không nhận được sự ủng hộ của gia đình. Mẹ của bà lo lắng con vất cả, còn khuyên đi học nghề thêu vá nhưng bà Sâm vẫn quyết tâm theo cho bằng được.
“Nhiều người thắc mắc tại sao tôi lại làm nghề mà chỉ dành cho cánh mày râu. Tôi chỉ trả lời là phụ nữ với đàn ông thì có khác gì nhau, chỉ cần yêu nghề là làm được hết” bà Sâm chia sẻ.
Hàng ngày bà vẫn hí hoáy sửa xe máy, ô tô, đồ điện gia dụng cho dân quanh vùng. Xe tải, xe khách, xe cần cẩu… xe nào bà cũng có thể lái được. Nhiều lúc mặt mũi bà đen xì, dính đầy bụi bẩn vì chui gầm ô tô sửa chữa.
Cả đời chưa từng tô son, đánh phấn
Là phụ nữ nhưng từ trước đến nay bà Sâm chưa từng thoa son, đánh phấn, hay khoác lên người bộ váy đẹp.
Bà cười bảo: “Nghề của tôi 24/24 phải mặc đồ bảo hộ, thời gian đâu mà chải chuốt, kẻ vẽ. Nhỡ khách họ đến sửa chữa mình lại vướng vận“.
Bà luôn ưu tiên đặt công việc lên hàng đầu, dùng cái tâm để sửa chữa đồ cho mọi người nên không ít người là khách quen của bà đến nay đã gần 30 năm.
Mấy năm nay, do đã có tuổi nên bà chủ yếu sửa phần máy trên (khu vực cabo) và ắc-quy, không chui gầm xe sửa nữa.
Trường hợp xe nào hỏng, cần chui gầm xe kiểm tra, bà sẽ nhiệt tình tư vấn giúp khách, rồi hướng dẫn đưa ra gara ô tô lớn để sửa.
Tất cả các khách hàng từng đến tiệm của bà để sửa xe, dù là thay dầu, chỉnh điện hay thay ắc quy, bà Sâm đều xin số điện thoại của họ để chăm sóc khách hàng.
“Tôi đề số điện thoại lên cửa cũng nhằm mục đích có thể cứu hộ cho mọi người. Tôi giúp người ta, người ta đi giúp người khác, lòng tốt cứ như vậy được nhân lên“, bà Sâm bộc bạch.
Hiện các con của bà đều khuyên mẹ dừng công việc này lại để an dưỡng tuổi già nhưng bà vẫn không an tâm vì chưa tìm được người chịu khó, thật thà, chất phác để truyền lại nghề.
Đối với bà, tiệm sửa xe không chỉ là nơi để tìm niềm vui mà còn là tâm huyết cả một đời, bà muốn dạy lại nghề cho ai đó, để đến khi bà mất đi cũng được an yên.
Yên Yên (t/h)