Ảo thuật thời xưa: Không chỉ là kỹ xảo mà còn có thần thông
Người ngày nay có thể cho rằng ảo thuật là trò lừa bịp, nhưng vì sao rất nhiều người lại không làm được? Bởi vì trong ảo thuật có dùng đến một số thần thông, còn có các loại pháp thuật nữa, cho nên đứng tại góc độ của khoa học hiện đại mà lý giải thì không thể được.
Hiện nay cũng đã xuất hiện vài ảo thuật gia đại tài, mỗi lần biểu diễn đều khiến khán giả vô cùng kinh ngạc, mọi người đều phải nói đây là ‘phép thuật’ chứ không còn là kỹ xảo bình thường nữa.
Những lời bộc phát này cũng không phải là hoàn toàn vô lý, đã từng có nghiên cứu khẳng định những ảo thuật gia này có sử dụng công năng đặc dị để biểu diễn.
Vậy mà, ảo thuật của người xưa lại còn vi diệu hơn gấp bội, khi họ biểu diễn thì đều là trước thanh thiên bạch nhật, không cần chuẩn bị, cũng không cần che đậy để tỏ ra huyền bí, người xem có thể biết rõ đó là thần thông chứ không còn phải nghi ngờ gì nữa.
Cái bình chứa mãi không đầy
Trong “Hà đông tập” có ghi lại: Năm Trinh Nguyên triều đại nhà Đường, trên đường phố Dương Châu, bỗng nhiên xuất hiện một một nữ ăn mày biểu diễn ảo thuật, không biết là từ nơi nào đến, cô tự xưng họ Hồ, tên Mị Nhi.
Cô biểu diễn ảo thuật vô cùng quái dị, qua mười ngày, người xem càng ngày càng đông, mỗi ngày biểu diễn có thể thu được ngàn vạn đồng.
Vào một buổi sáng, cô lấy từ trong người ra một chiếc bình thủy tinh, có thể chứa được nửa lít, trong ngoài đều sáng bóng, ở trong dường như không có gì cả.
Cô mang cái bình đặt ở trên chiếu rồi nói với người xem: “Nếu như có người có thể bố thí tiền cho đầy cái bình này, thì như vậy là quá đủ với tôi rồi”.
Miệng chiếc bình này còn có cỏ lau quấn quanh rất tinh tế. Có người lấy ra một trăm đồng, quăng về phía cái bình, chỉ nghe “keng” một cái, tiền thật sự đã vào trong bình rồi, nhưng mà nó cũng nhỏ như hạt gạo, không đáng gì.
Khán giả đều giật mình. Lại có người cho Mị Nhi một ngàn đồng, rồi cũng quăng vào trong bình. Kết quả cũng giống như lúc trước. Lại có người cho một vạn đồng, kết quả cũng không khác gì.
Trong chốc lát lại có người cầm mười vạn đồng, hai mươi vạn đồng ném vào, kết quả cũng không có gì thay đổi. Còn có người cưỡi lừa cưỡi ngựa chui vào trong bình, chỉ thấy người, lừa, ngựa, tất cả đều chỉ nhỏ như con ruồi, bộ dạng cũng giống như vậy.
Một lúc sau, có hai vị quan thuế từ viện Dương Tử dẫn theo mười xe chở hàng hóa đi ngang qua đây, tất cả đều dừng lại để xem. Bọn họ cũng muốn đi vào trong, xem xem có thể mang tất cả xe cộ hàng hóa vào không, vì dù sao đây cũng là đồ nhà quan nên không cần phải sợ.
Bọn họ nói với Hồ Mị Nhi: “Ngươi có thể làm cho những chiếc xe này đều đi vào trong bình không?”. Hồ Mị Nhi nói: “Chỉ cần được phép thì có thể”.
Quan thuế nói: “Ngươi có thể thử nghiệm một chút”. Hồ Mị Nhi hơi nghiêng chiếc bình, hét lớn một tiếng, những cỗ xe kia liền cuồn cuộn tiến về phía trước, lần lượt đều tiến vào trong bình.
Ở trong bình chỉ như xuất hiện vài con kiến nhỏ, rồi nhanh chóng biến mất. Lúc này, chỉ thấy Hồ Mị Nhi nhún người nhảy vào trong bình. Quan thuế kinh hãi, liền ngay lập tức đập bể cái bình, kết quả không thấy có gì hết.
Từ đó về sau không biết là Hồ Mị Nhi đã đi đến nơi nào. Hơn một tháng sau, ở phía Bắc huyện Thanh Hà, có người nhìn thấy Hồ Mị Nhi dẫn đầu những cỗ xe kia nhắm hướng huyện Đông Bình mà đi.
Video: Lời giải cho thuật trường sinh.
Pháp thuật của Cát Huyền
Cát Huyền, tự là Hiếu Tiên, ông là đạo sĩ nổi tiếng thời Tam Quốc, từng theo Tả Từ học “Cửu đan kim dịch tiên kinh”. Một hôm, ông ngồi ăn cơm với một vị khách, nói đến những chuyện biến hóa, vị khách nói: “Đợi cơm nước xong xuôi, tiên sinh làm một chút biến hóa để mọi người thưởng thức nhé”.
Cát Huyền nói: “Ngài không muốn xem ngay bây giờ hay sao?”. Ông liền phun cơm ở trong miệng ra, tất cả những hạt cơm kia đều biến thành những con ong bắp cày, tổng cộng đến mấy trăm con, đều bám trên thân vị khách kia, nhưng lại không đốt ông ta.
Một lúc sau, Cát Huyền liền hé miệng ra, thế là tất cả ong bắp cày đều bay vào trong miệng và biến lại thành cơm như cũ, Cát Huyền liền nhai và nuốt bình thường. Ông cũng có thể khiến cho các loài bò sát và chim yến tước khiêu vũ, những sinh vật này nhảy múa có tiết tấu giống hệt như con người vậy.
Ông từng ném mười mấy đồng tiền vào trong giếng, một lát sau, ông cầm một cái chén đưa vào trong giếng rồi hét lớn, những đồng tiền lại lần lượt bay từ trong giếng ra, xếp gọn gàng trong chén.
Ông đặt tiệc rượu để đãi khách nhưng lại không cần người phục vụ, những chiếc ly tự mình đi đến trước mặt khách, nếu như uống chưa xong, những chiếc ly cũng không rời đi.
Có một lần, ông và Tôn Quyền ngồi ở trên lầu, trông thấy mọi người làm tượng đất để cầu mưa. Tôn Quyền nói: “Dân chúng hy vọng trời mưa, nhưng chỉ làm vài tượng đất là có thể được hay sao?”. Cát Huyền nói: “Mưa thực ra cũng dễ làm thôi”.
Ông liền viết bùa đặt ở trong miếu, chỉ trong chốc lát, trời đất tối sầm, mưa như trút nước. Tôn Quyền nói: “Trong nước có cá không?”. Cát Huyền lại viết bùa ném vào trong nước. Trong chốc lát, trong nước có đến mấy trăm con cá lớn. Tôn Quyền lại sai người bắt những con cá này để nấu ăn.
Ngô Mãnh làm cho nước sông ngăn đôi
Ngô Mãnh là người ở huyện Bộc Dương, làm quan ở nước Ngô, đảm nhiệm chức huyện lệnh Tây An. Ông cực kỳ hiếu thuận, từng gặp được thánh nhân Đinh Nghĩa dạy cho ông đạo tiên. Ông đã học được bí quyết thần phù, vì vậy rất thông thạo pháp thuật.
Một lần, Ngô Mãnh gặp phải cơn gió lớn, ông mới viết bùa ném lên trời, liền có một con chim xanh ba chân ngậm lấy và bay đi, gió lớn lập tức dừng lại.
Có người hỏi nguyên nhân là vì sao, ông nói: “Ở phía Nam hồ có một chiếc thuyền đang bị gió lớn tấn công, đạo sĩ ở trên thuyền đang cầu cứu đó”. Mọi người đi kiểm tra thì quả đúng là như vậy.
Can Khánh là huyện lệnh Tây An, sau khi chết ba ngày, Ngô Mãnh nói: “Vận số của ông ta còn chưa tới, cần phải khiếu nại lên trời”. Thế là liền nằm ở bên cạnh thi thể. Vài ngày sau, Ngô Mãnh và Can Khánh cùng nhau ngồi dậy.
Về sau ông dẫn đồ đệ quay trở lại quận Dự Chương, nước sông Trường Giang quá lớn, mọi người không có cách nào qua sông được.
Ngô Mãnh liền dùng quạt lông trắng cầm trong tay vẽ một cái trên mặt sông, nước sông liễn rẽ ngang để lộ ra một con đường, bọn họ liền đi theo con đường đó qua sông Trường Giang. Sau khi bọn họ đi qua xong, nước sông liền trở lại như cũ, những người chứng kiến đều vô cùng kinh ngạc.
Có một vài màn ảo thuật là dùng kỹ xảo đánh lừa thị giác, nhưng mà đa số đều là có thần thông ở trong đó. Bởi vì người bình thường lý giải không được nên mới nói nó là giả dối.
Chân Chân (Theo SOH)