Anna Pavlova – Người nghệ sĩ tài ba của nghệ thuật ba lê thế giới
Anna Pavlova – “Thiên nga bất tử” là nữ nghệ sĩ ba lê đầu tiên đi vòng quanh thế giới và đem môn nghệ thuật này đến cho những người chưa bao giờ được thưởng thức.
Anna Pavlova sinh ngày 12/2/1881 tại Saint Petersburg trong một gia đình nông dân nghèo. Bà mất cha từ khi mới 2 tuổi. Năm lên 8 tuổi, bà được mẹ dẫn đi xem vở ba lê “Người đẹp ngủ trong rừng” (The sleeping Beauty) và ngay lập tức Anna bị cuốn hút trước cái đẹp của nghệ thuật ba lê. Anna đòi đi học múa ba lê nhưng vì chưa đủ tuổi nên bị trường dạy ba lê từ chối. Năm 10 tuổi, Anna đạt được nguyện vọng theo học ba lê và sớm bộc lộ năng khiếu đặc biệt của mình trong cảm thụ nghệ thuật ba lê cũng như thực hành biểu diễn.
Năm 16 tuổi, Anna Pavlova tốt nghiệp trường múa ba lê và bắt đầu biểu diễn như một vũ nữ ba lê chuyên nghiệp tại nhà biểu diễn ba lê Mariinsky.
Trong những năm 90 của thế kỷ XIX, Anna Pavlova đã làm thay đổi hình mẫu nữ diễn viên ba lê lý tưởng. Vào thời bấy giờ người ta thích những diễn viên ba lê của Mariinsky phải là những người có kỹ thuật mạnh mẽ, có nghĩa là phải có cơ thể khỏe khoắn, rắn chắc, trong khi vóc người của Anna lại mảnh dẻ và yểu điệu. Anna Pavlova đã chứng tỏ với khán giả rằng mình không chỉ thành công trong những vai diễn nhẹ nhàng lãng mạn, mà còn cả trong những vai diễn mạnh mẽ đầy cá tính.
Không những thế, bà còn tạo ra một thay đổi tưởng chừng nhỏ nhưng góp phần cải thiện đáng kể điều kiện biểu diễn của nữ diễn viên ba lê. Mỗi lần biểu diễn trên sân khấu là mỗi lần Anna Pavlova khổ sở vì đau chân, vì thế bà đã sửa giày của mình bằng cách đệm thêm một miếng da cứng vào đế giày đồng thời đệm phẳng cả bên trong lòng giày. Kiểu giầy đó đã giúp giải phóng cảm giác đau đớn từ bàn chân và giúp bà thuận lợi hơn trong xử lý các động tác để phát huy sự sáng tạo trong biểu diễn.
Anna Pavlova ghi dấu ấn không bao giờ phai mờ trong lòng khán giả với vai diễn Aspicia trong vở “Con gái của Pharaoh” (The Pharaoh’s Daughter), vai Nikiya trong vở “Vũ nữ Ấn Độ” (La Bayadère)… Tuy vậy, vai diễn thể hiện tài năng tuyệt vời của Anna Pavlova chính là vai thiên nga trong vở “Cái chết của con thiên nga” (The Dying Swan) do Michel Fokine dàn dựng, dựa trên bài thơ cùng tên của thi sĩ Tennyson.
Vở kịch nói về tính mong manh của sự sống. Trong vai một con thiên nga bị thương vật vã đi tới cái chết, Anna Pavlova đã chuyển tải đến khán giả ý đồ của vở kịch một cách hết sức thành công, bằng những động tác biểu diễn vô cùng mãnh liệt, sinh động và gợi cảm của bà.
Sau khi thành lập đoàn ba lê của riêng mình, Anna Pavlova càng được thế giới biết đến nhiều hơn với các buổi biểu diễn ở Pháp, Anh, Ấn Độ, Nhật Bản và các nước thuộc châu Mĩ.
Vào những năm đầu thế kỉ XX, những người yêu ba lê trên thế giới bị Anna Pavlova hút hồn bởi nghệ thuật biểu diễn vô cùng khéo léo, sự uyển chuyển duyên dáng cùng khả năng bộc lộ cảm xúc cực kì tinh tế.
Có thể nói Anna Pavlova biểu diễn ở nhà hát nào là nhà hát ấy chật kín khán giả. Và Anna Pavlova đã cống hiến cả tuổi trẻ của mình cho sân khấu ba lê với những buổi biểu diễn liên tục đáp ứng lòng mong mỏi của công chúng.
Trước sinh nhật lần thứ 50 của mình không lâu, bà thực hiện một chuyến biểu diễn ở Hague, Hà Lan. Trên đường đến đó, đoàn tàu chở Anna Pavlova phải dừng lại giữa chừng vì một vụ tai nạn. Muốn biết có chuyện gì đã xảy ra, Anna Pavlova với một chiếc áo khoác nhẹ trên người đã đi trong tuyết đến chỗ xảy ra tai nạn. Bà bị viêm phổi và bệnh tình ngày càng diễn biến xấu. Ngày 23/1/1931, Anna Pavlova qua đời.
Trước khi trút hơi thở cuối cùng, bà yêu cầu được mặc bộ váy bà vẫn mặc khi biểu diễn vở “Cái chết của con thiên nga“. Vào đêm diễn ra buổi biểu diễn tiếp theo của bà trên sân khấu ở Hague, người ta để duy nhất một chiếc đèn chiếu tỏa ánh sáng xuống một điểm dành cho diễn viên ba lê để tưởng nhớ Anna Pavlova. Vòng tròn ánh sáng trống không như muốn nói lên rằng: Sân khấu ba lê thế giới đã chịu một mất mát lớn lao như thế nào khi phải vĩnh biệt nữ hoàng của nó.
6 năm sau khi bà mất, tên của bà đã được đặt cho Pavlova, một món tráng miệng bằng trứng và kem bắt nguồn từ Úc, xốp và nhẹ “như Pavlova vậy“.
Theo Phunuvietnam.vn