Anh dọa thẳng tay không kích nếu có bằng chứng Syria dùng vũ khí hóa học
Syria mới đây bị tố cáo sử dụng vũ khí hóa học ở Đông Ghouta, ngay sau đó Ngoại trưởng Anh tuyên bố nước này sẽ nghiêm túc cân nhắc không kích Syria nếu có bằng chứng xác thực.
Sky News dẫn lời Ngoại trưởng Anh Boris Johnson phát biểu hôm 27/2 rằng, “nếu có bằng chứng không thể chối cãi về việc sử dụng vũ khí hóa học, được xác nhận bởi Cơ quan Phòng chống Vũ khí hóa học (OPCW) và có đề xuất hành động mà nước Anh có thể tham gia, tôi nghĩ chúng ta nên nghiêm túc cân nhắc việc đó“.
Tuyên bố này được đưa ra sau khi tổ chức White Helmets khẳng định chính phủ Syria đã sử dụng khí clo tại thị trấn al-Shifoniya ở Đông Ghouta, khu vực do phiến quân Syria kiểm soát gần thủ đô Damascus, khiến một trẻ em thiệt mạng và nhiều người dân xuất hiện triệu chứng “khó thở”.
Ông Johnson khẳng định các nước phương Tây sẽ “không bỏ qua việc sử dụng vũ khí bị cấm”. Ngoại trưởng Anh cho rằng phương Tây chưa thể áp dụng các biện pháp can thiệp quân sự ngay lập tức tại Syria.
Ông Johnson hy vọng “phương Tây không đứng nhìn” nếu có bằng chứng cho thấy chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad đứng sau những vụ tấn công bằng vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Trước đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng có lời đe dọa tương tự, khi ông tuyên bố rằng Pháp sẽ tập kích Syria từ trên không nếu có bằng chứng chính phủ Syria dùng vũ khí hủy diệt hàng loạt đối với người dân của mình. Trong lúc đó, Bộ Quốc phòng Nga cũng cảnh báo rằng các phần tử khủng bố ở Đông Ghouta đang chuẩn bị một cuộc tấn công nghi binh để quy trách nhiệm cho quân chính phủ Syria sử dụng vũ khí hạt nhân.
Mỹ và các nước đồng minh thường xuyên cáo buộc chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học đối với thường dân, nhưng chính quyền Syria liên tục bác bỏ cáo buộc này. Syria nhấn mạnh rằng họ không có vũ khí hủy diệt hàng loạt. Điều này đã được xác nhận bởi Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OPCW).
Tuy nhiên, quân nổi dậy do Mỹ hậu thuẫn đã cáo buộc Damascus dùng vũ khí hóa học tại Khan Sheikhun ở tỉnh Idlib (Syria) vào ngày 4/4/2017, khiến 80 người chết và 200 người khác bị thương.
Chính phủ phương Tây đã chỉ trích Tổng thống Syria Bashar al-Assad vì đã tiến hành vụ tấn công này. Thêm vào đó, Mỹ đã phóng 59 quả tên lửa hành trình xuống căn cứ không quân Ash Shairat vào ngày 7/4/2017 để đáp trả vụ tấn công trên, mặc dù vẫn chưa có bằng chứng xác thực cho thấy quân chính phủ dùng vũ khí hóa học.
Đông Ghouta, nơi có khoảng 400.000 người đang sinh sống, đang hứng chịu “mưa bom bão đạn” ác liệt từ lực lượng ủng hộ chính phủ Syria, do Nga hậu thuẫn. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh ngừng bắn 5 giờ mỗi ngày, mở hành lang nhân đạo ở Đông Ghouta kể từ ngày 27/2.
Tú Văn (t/h)