Ảnh cực nét về quầng Mặt trời nóng triệu độ
Các nhà thiên văn học thuộc Cơ quan vũ trụ Mỹ (NASA) vừa tiết lộ bức ảnh về quầng Mặt trời chi tiết nhất từ trước tới nay.
Các nhà khoa học thuộc Đại học Central Lancashire, Trung tâm vật lý học thiên thể Harvard-Smithsonian và NASA đã hợp tác trong dự án sử dụng kính viễn vọng Hi-C (High Resolution Coronal Imager) để chụp những hình có độ phân giải cao chưa từng thấy về bầu khí quyển của Mặt trời.
Kính viễn vọng Hi-C được phóng lên quỹ đạo Mặt trời bằng tên lửa siêu thanh vào ngày 11/7 và bay quanh quỹ đạo Mặt trời trong vòng 10 phút. Trong thời gian này, camera trên Hi-C với độ phân giải 16 megapixel tiến hành chụp những bức ảnh về một điểm đang hoạt động mạnh trên Mặt trời là NOAA 1520 đã được các nhà khoa học xác định trước đó. Sau khi thực hiện xong nhiệm vụ, Hi-C được tên lửa siêu thanh đưa trở lại Trái đất để các nhà khoa học phân tích các ảnh kính viễn vọng này chụp Mặt trời. Kết quả, kính viễn vọng Hi-C đã chụp được những bức ảnh về quầng Mặt trời chi tiết gấp 5 lần so với những hình ảnh sắc nét nhất được chụp bởi tàu thăm dò mặt trời Solar Dynamics Observatory của NASA. Ngoài ra, kính viễn vọng Hi-C cũng có thể chụp chi tiết trên một khoảng rộng lên tới 217 km. Các nhà khoa học cho biết, những bức ảnh mới có thể giúp họ hiểu hơn về ảnh hưởng của các hoạt động Mặt trời đối với môi trường Trái đất. “Cho dù sứ mệnh của kính viễn vọng Hi-C chỉ kéo dài trong vòng vài phút, nhưng nó đã tạo ra một bước đột phá lớn trong nghiên cứu quầng Mặt trời”, nhà thiên văn học Leon Golub, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết trên Daily Mail. Cho đến nay, bầu khí quyển bao quanh Mặt trời vẫn là một bí ẩn. Nhiều thập kỷ qua, các nhà khoa học đã cố gắng tìm hiểu tại sao quầng Mặt trời có nhiệt độ nóng đến vậy (lên tới cả triệu độ C) và tại sao nó phun trào thành những ngọn lửa mạnh mẽ, có thể tạo thành những cơn bão từ ảnh hưởng tới thiết bị điện tử trên Trái đất. Hà Hương
|