Ấn Độ phát hiện 50.000 bộ đồ bảo hộ Trung Quốc kém chất lượng
Theo tờ The Economic Times, khoảng 50.000 trong số 170.000 bộ đồ bảo hộ y tế xuất xứ từ Trung Quốc được gửi tặng cho Ấn Độ gần đây không đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Tờ The Economic Times hôm 16/4 dẫn lời một nguồn tin cho hay, trong lô hàng 170.000 bộ đồ bảo hộ y tế cá nhân (PPE) do Trung Quốc sản xuất được gửi đến Ấn Độ ngày 5/4, có khoảng 50.000 bộ không thể sử dụng vì không đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Nguồn tin còn cho biết: “Hai lô hàng nhỏ, gồm một lô khoảng 30.000 và một lô 10.000 bộ PPE cũng không đáp ứng tiêu chuẩn”.
Số PPE trên được kiểm định tại phòng thí nghiệm Tổ chức Nghiên cứu và phát triển quốc phòng Ấn Độ, ở Gwalior, bang Madhya Pradesh. Theo nguồn tin từ tờ Economics Times, đây là lô hàng do một số công ty tư nhân lớn của Ấn Độ quyên góp cho chính phủ Ấn Độ nhưng không nói rõ tên công ty.
Được biết, tình trạng số ca nhiễm tăng và thiếu thiết bị bảo hộ ở Ấn Độ đã khiến các bác sĩ phải dùng áo mưa và mũ bảo hiểm để chống chọi với dịch Vũ Hán.
Nhằm đáp ứng nhu cầu thiếu hụt đó, các quan chức Ấn Độ cho biết đang tìm kiếm đồ bảo hộ y tế được chứng nhận chất lượng bởi CE hoặc FDA, và đã đặt hàng tại một công ty Singapore. Tuy nhiên bất kể đặt hàng ở đâu, các thiết bị y tế đều được sản xuất ở Trung Quốc.
Ngoài ra, Ấn Độ cũng đang thúc đẩy sản xuất PPE trong nước, với công suất 30.000 bộ/ngày.
Không chỉ Ấn Độ, thời gian qua đã có nhiều thông tin liên quan tới việc thiết bị y tế xuất xứ từ Trung Quốc không đạt tiêu chuẩn để sử dụng ở một số nước.
Bộ Y tế Hà Lan cuối tháng 3 cho biết, họ đã thu hồi 600.000 khẩu trang từ một nhà sản xuất Trung Quốc vì không đảm bảo chất lượng. Trong khi đó, truyền thông Anh tuần trước đưa tin chính phủ nước này muốn phía Trung Quốc trả lại tiền sau khi phát hiện hàng triệu bộ xét nghiệm đặt mua từ các nhà sản xuất quốc gia châu Á bị lỗi không thể sử dụng được.
Hồi tháng trước, Tây Ban Nha đã đặt hàng 340.000 bộ kit xét nghiệm từ nhà sản xuất Bioeasy của Trung Quốc, chính quyền thành phố Madrid sau đó cũng được cho đã quyết định ngừng sử dụng sản phẩm của công ty này vì tỉ lệ chính xác không cao, chỉ vào khoảng 30%.
Thùy Linh (t/h)