“Ai tư vãn” – Tiếng khóc của bực “cành vàng lá ngọc” và đức hạnh của người phụ nữ xưa
Ít được biết đến hơn so với các tác phẩm cùng thể loại [ngâm khúc] khác như “Chinh phụ ngâm” (bản dịch của Đoàn Thị Điểm (hoặc Phan Huy Ích)) hay “Cung oán ngâm”, thế nhưng “Ai tư vãn” vẫn là một nét vàng son của nền văn học dân tộc, mà lại mang một dấu ấn đặc biệt riêng có.
Điểm đặc biệt nhất của tác phẩm trước hết là thân phận của tác giả. Nàng là Lê Ngọc Hân (1770 – 1799) – công chúa thứ 21, con vua Lê Hiển Tông (vị hoàng đế áp chót của nhà Lê Trung hưng cũng như là thứ 26 của nhà Hậu Lê trong lịch sử Việt Nam). Nữ thi sĩ là bực “cành vàng lá ngọc” , thân phận cao quý, từ nhỏ sống trong cung cấm được rèn cặp kinh sử, tập tành thơ văn. Nàng cũng là hoàng hậu của vị vua nổi tiếng trong sử sách – Quang Trung (Nguyễn Huệ).
Điểm đặc biệt thứ hai là bản thân tác phẩm. Giống như hai tác phẩm cùng thể loại nhắc đến ở trên, “Ai tư vãn” được viết bằng chữ Nôm, thể song thất lục bát. Tuy nhiên, nhân vật trong “Cung oán ngâm” hay “Chinh phụ ngâm” đều là những hình tượng văn học điển hình được các tác giả dụng ý mà xây dựng nên một cách công phu và tài tình, những nhân vật trong tác phẩm là những nhân vật hư cấu, không có thật trong lịch sử. Trái lại, “Ai tư vãn” là một tiếng lòng dựa trên chính nỗi đau đời, nỗi đau từ người thật, việc thật của tác giả, mà lại không có chút nào mục đích đánh bóng tên tuổi, cũng không phải vì lưu lại mà nên.
Bối cảnh ra đời của tác phẩm, cụ thể là vào năm 1792 (Nhâm Tý). Trước đó, năm 1786 (Bính Ngọ), Lê Ngọc Hân vâng lời vua cha kết hôn cùng Nguyễn Huệ khi mới 16 tuổi. Năm 1788, Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế, đến năm 1789 thì đại thắng quân Thanh, Lê Ngọc Hân được ông phong làm Bắc Cung Hoàng Hậu. Giữa họ đã có hai con (một công chúa và một hoàng tử). Sau khi vua Quang Trung đột ngột băng hà, trong niềm đau đớn và nỗi tiếc thương vô hạn, hoàng hậu đã cho ra đời “Ai tư vãn” cùng năm.
“Ai tư vãn” nhắc lại mối lương duyên giữa hai người. Dẫu là một cuộc hôn nhân mang màu sắc chính trị, nhưng với bản tính của một người phụ nữ Việt truyền thống, mẫu mực, Lê Ngọc Hân vẫn hết mực yêu thương chồng con. Chính nỗi thống khổ dễ nhận thấy xuyên suốt cả tác phẩm là minh chứng rõ ràng nhất. Hơn nữa, cũng vì tấm lòng trung trinh ấy của nàng đã khiến cho người đàn ông áo vải, thô thiển (theo miêu tả trong Tây Sơn thuật lược) như Nguyễn Huệ đã phải mềm lòng, mà thương hoa đoái cội, đối xử tốt với tôn thân nhà Lê:
“Lòng đùm bọc thương hoa đoái cội,
Khắp tôn thân cũng đội ơn sang,
Miếu đường còn dấu chưng thường,
Tùng thu còn rậm mấy hàng xanh xanh.”
Tiếc thay, cũng chính vì tấm lòng son sắt, thủy chung mà người đàn bà khi đối mặt với cảnh mất chồng thì càng thống khổ không chịu nổi. Trong bối cảnh đất nước chính trị xã hội có nhiều biến động: Ở phía Bắc, những lực lượng phò Lê chính thống đang có cơ trỗi dậy; Ở miền Trung, Nguyễn Nhạc (anh trai Vua Quang Trung – Nguyễn Huệ) an nhiên xưng đế; Còn ở Gia Định, quân lực của Chúa Nguyễn đang nuôi tham vọng thâu tóm toàn bộ đất nước. Người đàn bà đối diện với cảnh mẹ góa, con côi lại bị khắp nơi lăm le, dòm ngó khó tránh khỏi tâm trạng sợ hãi, lo âu như con thuyền mất phương hướng giữa biển đời giông tố.
“Trông mái đông: lá buồm xuôi ngược,
Thấy mênh mông những nước cùng mây!
Đông rồi thì lại trông tây:
Thấy non ngân ngất, thấy cây rườm rà!
Trông nam: thấy nhạn sa lác đác!
Trông bắc: thấy ngàn bạc màu sương!
Nọ trông trời đất bốn phương,
Cõi tiên khơi thẳm biết đường nào đi!”
Và cũng trong tâm trạng đó mà Lê Ngọc Hân đã nhiều lần nghĩ quẩn, muốn tìm đến cái chết để cho vẹn “chữ tòng”, dẫu bằng cả những phương thức rất đau đớn mà không chút nào nghĩ đến thân phận mình cao quý. Nhưng khi nghĩ đến các con còn nhỏ dại nên bà đành gắng gượng sống tiếp:
“Buồn thay nhẽ! xuân về, hoa ở,
Mối sầu riêng ai gỡ cho xong!
Quyết liều mong vẹn chữ tòng,
Trên rường nào ngại, giữa dòng nào e.
Còn trứng nước thương vì đôi chút,
Chữ tình thâm chưa thoát được đi!
Vậy nên nấn ná đòi khi,
Hình tuy còn ở, phách thì đã theo”
Chỉ chừng trên đây thôi người đọc cũng có cái nhìn phần nào về đức hạnh của bà, một phụ nữ với đầy đủ các phẩm chất mà chỉ có trong một xã hội lễ giáo phong kiến xưa mới có thể hình thành nên được. Sự trung trinh ấy nếu dùng cái nhìn của người hiện đại ngày nay thì thấy đó là một sự tự giày vò, là áp bức của người đàn ông lên người phụ nữ. Thế nhưng nếu nhìn nhận một cách biện chứng, thì chẳng phải chính nhờ phẩm chất ấy mà bà nhận được sự yêu thương từ người chồng, cảm nhận được hạnh phúc gia đình, ngoài ra cũng đem lại sự bảo hộ đối với dòng họ (tôn thất nhà Lê) hay sao? Hơn nữa còn để lại cho hậu thế bài học đạo đức, giúp cho luân thường được gìn giữ, tạo phúc cho xã hội và muôn đời sau. Công đức ấy nào có so kém với việc chinh chiến ngoài trận mạc, bảo vệ biên cương đâu?
Nếu xét lại chuyện cũ cũng thấy được, “trung trinh” không chỉ là cái lý trong xã hội con người, mà cũng là lý của trời đất. Năm 1044, vua Lý Thái Tông thân chinh đi chinh phạt Chiêm Thành, phá được. Sau đó ông đem quân vào thành Phật Thệ bắt vợ cả, vợ lẽ của vua Chiêm là Sạ Đẩu cùng các cung nữ giỏi hát múa đem về nước. Khi đến hành điện Ly Nhân, vua sai nội nhân thị nữ gọi Mỵ Ê là phi của Sạ Đẩu sang hầu thuyền vua. Mỵ Ê phẫn uất lấy chăn quấn vào mình nhảy xuống sông chết.
Về sau, vua Lý Thái Tông kinh lý qua hạt Lý Nhân. Lúc đêm canh ba thì gặp Mỵ Ê báo mộng cho biết: “Thiếp giữ đạo nữ nhi, một lòng một dạ với chồng. Sạ Đẩu tuy không thể cùng bệ hạ tranh sáng, nhưng cũng là người hiển hách ở một phương, thiếp thường vẫn chịu ơn nghĩa của chàng. Ngày nay, Sạ Đẩu lỗi đạo, thượng đế giáng trích, mượn tay bệ hạ để trị tội cho nên nước mất thân tan. Thiếp hàng ngày vẫn muốn báo ơn chàng nhưng chưa có dịp. Thiếp may mắn một ngày được gặp bệ hạ sai quan trung sứ tiễn thiếp xuống dòng nước này, nhờ đó mà giữ được tiết trong giá sạch, ơn đó kể sao cho xiết.”
Ngay cả người đã khuất cũng còn coi trọng tiết giá như vậy, thì thử hỏi đó có phải lý của trời đất hay không?
Trong “Ai tư vãn”, ngoài sự “trung trinh” ra người đọc còn cảm nhận được đức tính khiêm nhường. Như luận điểm đã nói ở trên, rằng Lê Ngọc Hân dù là thân phận tôn quý nhưng lại chẳng màng đến chuyện sống chết, và ngôn từ trong tác phẩm luôn phản ánh nét nữ tính, luôn tự nép mình trong câu chữ để tạo nên sự cao cả cho đối tượng được ca tụng.
“Theo buổi trước ngự đèo Bồng đảo,
Theo buổi sau ngự nẻo sông Ngân,
Theo xa thôi lại theo gần,
Theo phen điện quế, theo lần nguồn hoa.”
Bốn câu bắt đầu bằng chữ “theo” ấy khiến cho hình ảnh về một người phụ nữ luôn phía sau chồng, là chỗ dựa tinh thần cho chồng trở nên thật rõ nét. Thử hỏi, một người đàn ông được vợ mình tôn trọng như thế thì liệu có cảm thấy tự hào không? Liệu có sẵn sàng ra ngoài xã hội để đương đầu với sóng gió, bảo vệ vợ con không? Ngẫm lại chuyện xã hội thời nay, nhiều gia đình mà vợ chồng như hai hổ ở cùng một núi, ai cũng không nhường ai, khiến cho gia đình bất hòa, mâu thuẫn thường trực, có đáng hay không? Ông bà ta đã dạy: “vợ chồng đồng lòng, tát bể Đông cũng cạn”. Trộm nghĩ, những thành công của vua Quang Trung khó lại không phải là có công rất lớn của “bóng dáng người phụ nữ” phía sau là bà hoàng Lê Ngọc Hân vậy.
Không những thế, đứng từ góc độ của một con dân đất nước, Lê Ngọc Hân còn đưa hình ảnh của chồng – một vị Vua, một vị anh hùng dân tộc “Áo vải, cờ đào” hiển hiện một cách “lồng lộng và bất diệt” như sau:
“Mà nay áo vải cờ đào,
Giúp dân dựng nước xiết bao công trình!”
Và
“Mà nay lượng cả, ơn sâu,
Móc mưa rưới khắp chín châu đượm nhuần.”
Đức tính khiêm nhường, luôn nghĩ cho chồng ấy đã đi vào trong tiềm thức của người phụ nữ là một bản tính tự nhiên, tạo hóa sinh ra vốn là như vậy. Ngay cả khi chồng đã mất, người đàn bà vẫn giữ những hình ảnh đẹp nhất, cao thượng nhất về người chồng, không mảy may có ý so sánh, ganh đua.
Trước đây có một số đồn thổi sai lệch về Lê Ngọc Hân. Lẽ ra ngay từ trong tác phẩm này, thế nhân đã phải nhận ra phải trái đúng sai chứ không đợi đến hàng trăm năm sau mới giải oan cho nàng.
“Ai tư vãn” xứng đáng là một tác phẩm mực thước – không chỉ là về mặt văn học, mà còn mực thước về mặt đạo đức để muôn đời noi theo. Ngôn từ trong “Ai tư vãn” dẫu giản dị, nhưng đầy bác học cho ta cái nhìn về giới quý tộc xưa luôn coi trọng học hành, nghiêm cẩn trong lời ăn tiếng nói. Đó chẳng phải là điều mà con người ngày nay đã bỏ ngỏ hay sao?
Từ Thức