Công chúa Nhật Bản từ bỏ ngôi vị để kết hôn cùng dân thường
Vào năm 2020, khi công chúa Mako và luật sư Komuro đều tròn 29 tuổi, hôn lễ của họ chắc chắn sẽ là sự kiện được cả thế giới đón mừng. Trong truyện cổ tích, thường dân nào yêu công chúa sẽ trở thành phò mã. Nhưng đến thời hiện đại, cái kết lại khác đi: công chúa Mako chấp nhận từ bỏ danh phận hoàng gia, nhẫn nại chờ thêm 2 năm để bạn trai ổn định tài chính và phát triển sự nghiệp.
Công chúa Mako sinh năm 1991, là người lớn tuổi nhất trong số 4 cháu nội của Thiên hoàng Akihito. Thuộc thế hệ đầu 9X, công chúa lớn lên cùng với sự phát triển vượt bậc của công nghệ và truyền thông. Tuy nhiên, suốt thời thơ ấu, ít khi nào cô xuất hiện rình rang trước các phương tiện đại chúng, phần lớn thời gian dường như đều khuất sau bốn bức tường của cung điện Akasaka.
Một bước ngoặt đã đến khi công chúa tốt nghiệp phổ thông tại Gakushuin, ngôi trường dành cho con cháu quý tộc ngày xưa. Cô không theo tiếp chương trình đại học ở Gakushuin như nhiều thành viên hoàng tộc khác, mà táo bạo chọn ngành nghệ thuật và di sản văn hóa tại Đại học Cơ đốc giáo Quốc tế Tokyo như ước mơ thời bé.
Có ai ngờ nhờ thời gian học ở ngôi trường học quốc tế này, nàng công chúa sẽ gặp hoàng tử của đời mình, bắt đầu mối tình đẹp và trở thành 1 trong những nhân vật hoàng gia được yêu thích nhất trên thế giới.
Tình yêu thời đại học
Tháng 6/2012 công chúa Mako tròn 21 tuổi, là nữ sinh trẻ trung tại trường ĐH Quốc tế Tokyo. Vốn có ý định du học, cô cùng vài người bạn đến tham gia buổi gặp chia sẻ kinh nghiệm học tập tại một nhà hàng ở khu Shibuya. Buổi họp nhóm gồm nhiều sinh viên Nhật Bản và cả những sinh viên quốc tế đang học tại Tokyo.
Chính trong buổi tối hôm ấy, lần đầu tiên công chúa Mako gặp được Kei Komuro, chàng thanh niên bảnh bao đến từ ĐH Hitotsubashi, cũng 21 tuổi. Hai người hẹn hò vào 1 tháng sau đó, và Komuro ngỏ ý nắm tay công chúa vào khoảng 1 năm sau.
Lọt vào mắt xanh công chúa nhưng Komuro chỉ là chàng trai “thường dân”. Bố mất sớm, anh sống với mẹ và người ông tại căn hộ nhỏ ở thành phố cảng Yokohama, cách Tokyo khoảng 40 cây số.
Do gia đình khó khăn, từ thời niên thiếu Komuro đã rất chăm chỉ làm thêm để phụ mẹ. Đến năm đại học, anh lại xin làm phục vụ tại nhà hàng Pháp và dạy tiếng Anh ở trung tâm. Cuộc sống nhiều lo toan đã tạo nên những đức tính đáng quý của chàng trai này, được công chúa Mako mô tả là “dũng cảm, kiên trực và ấm áp”. Dù vậy, anh chàng cũng không đánh mất “nụ cười tỏa nắng” – điều đã chinh phục trái tim Mako ngay từ đầu theo như nàng thừa nhận.
Thật ra, Komuro cũng không hoàn toàn là “thường dân” đâu! Anh từng được trường đại học chọn là “Hoảng tử biển của thành phố Fujisawa” nhằm quảng bá du lịch. Chi tiết này càng được báo chí tô vẽ, biến thành mối tình của công chúa “chính hiệu” và chàng hoàng tử biển có hàng nghìn fan hâm mộ.
Đính hôn sau 5 năm yêu nhau và những biến cố
Mako và Komuro gặp nhau nhờ một buổi họp mặt thảo luận về vấn đề du học. Vào năm 2014, công chúa cũng lên đường đến Anh Quốc, theo đuổi khóa thạc sĩ ngành nghiên cứu bảo tàng và nghệ thuật tại ĐH Leicester. Khóa học kéo dài 1 năm và họ yêu xa suốt thời gian đó.
Năm 2015, công chúa Mako về nước, làm nghiên cứu tại viện bảo tàng thuộc ĐH Tokyo. Cô được cho là người ham học hỏi, hiểu rộng biết nhiều và đầy nhiệt huyết – những đức tính khiến người dân Nhật Bản hết lòng yêu quý.
Komuro khi gặp lại công chúa cũng đã là anh trợ lý luật sư, đóng vest lịch lãm. Cuối tuần, như nhiều cặp đôi khác, họ đi dạo trên vịnh Yokohama hoặc ghé vào quán ăn ở Tokyo, đi xem phim hay đến bảo tàng vì công chúa thích. Cặp đôi thường ưu tiên đi tàu điện, khi đó, đội cận vệ của công chúa sẽ hạn chế “theo dấu” quá sát sao.
Điều đáng nói là họ yêu nhau khá kín kẽ. Mọi chuyện chỉ được “phát hiện” vào giữa tháng 5/2017 khi cả hai thông báo sẽ đính hôn. Quyết định này lập tức gây sốt trên mặt báo Nhật và quốc tế.
Lí do vì nếu kết hôn với “thường dân” Komuro, công chúa Mako sẽ phải rời khỏi hoàng gia. Nàng là 1 trong 4 cháu nội của Thiên hoàng (gồm 3 nữ 1 nam) nên dư luận e ngại rằng, hoàng gia Nhật Bản chỉ còn “vang bóng một thời”, lùi dần về quá khứ.
Nhưng công chúng còn bồi hồi chưa được lâu thì “bê bối tài chính” của Komuro nổi lên. Một tạp chí đưa tin mẹ anh gặp khó khăn tài chính liên quan đến vị hôn phu cũ từ năm 2010 – 2012 (cuộc hôn nhân thứ hai). Vị hôn phu yêu cầu mẹ Komuro hoàn lại số tiền 4 triệu yên (~840 triệu đồng) mà ông đã chu cấp, bao gồm khoản học phí cho Komuro.
Liên quan đến việc này, hôn lễ cổ tích dự định cử hành vào cuối năm 2018 đã phải dời sang năm 2020. Dù vậy, cặp đôi Komuro – Mako nhanh chóng lên tiếng rằng họ dời lại đám cưới vì muốn dành nhiều thời gian hơn để “suy nghĩ thấu đáo chuyện lập gia đình”. Cả hai cho rằng mình còn quá trẻ ở tuổi 26.
Sau đó, đến lượt Komuro lên đường đến xứ cờ hoa du học, quyết tâm lấy bằng luật sư ở Mỹ. Đầu tháng 1/2019, anh cho biết đã giải quyết ổn thỏa vấn đề tài chính của mình và gửi lời xin lỗi đến mọi người vì những lùm xùm không đáng có. Tuy vậy, phần lớn người Nhật cho rằng vụ việc không gây hại gì đến danh tiếng của hoàng gia.
Vào năm 2020, khi công chúa Mako và luật sư Komuro đều tròn 29 tuổi, hôn lễ của họ chắc chắn sẽ là sự kiện được cả thế giới đón mừng. Trong truyện cổ tích, thường dân nào yêu công chúa sẽ trở thành phò mã. Nhưng đến thời hiện đại, cái kết lại khác đi: công chúa Mako chấp nhận từ bỏ danh phận hoàng gia, nhẫn nại chờ thêm 2 năm để bạn trai ổn định tài chính và phát triển sự nghiệp. Người hâm mộ hi vọng rằng, dù chuyện tình này sẽ không thể đi đến “gác tía lầu son” trong cung điện, nhưng sẽ là một mái ấm hạnh phúc cho cặp đôi đã yêu nhau bền chặt, đã dũng cảm theo đuổi ước mơ và quyết đoán vì tương lai của mình.
Theo Cafe F
Xem thêm: