Những trận chiến lẫy lừng
Trận chiến trên vòng cung Cuốc-xcơ
QĐND – Sau thất bại nặng nề ở Xta-lin-grát, với những thiệt hại không thể bù đắp nổi, nhất là thế chủ động trên chiến trường đang bị mất dần, Hít-le và bộ chỉ huy cố tìm câu trả lời cho câu hỏi: Phải làm gì để có thể đảo ngược tình thế? Ngày 1-7-1943, Hít-le triệu tập các chỉ huy quân sự chính của chiến dịch và công bố tiến hành chiến dịch Xi-ta-đen, bắt đầu từ ngày 5-7-1943. Theo các kết quả do các trinh sát thu thập được, Bộ tư lệnh Xô-viết đã xác định được chính xác ngày tấn công của các đơn vị quân Đức là vào khoảng 5 giờ sáng 5-7-1943. Hồng quân Xô-viết quyết định ra đòn phản công trước. Vào 2 giờ 20 phút sáng 5-7-1943, tất cả các lực lượng pháo binh và không quân ném bom của Hồng quân trong khu vực Cuốc-xcơ tham gia bản “hợp xướng” vĩ đại nhất trong lịch sử. Các đơn vị của Đức ở tuyến xuất phát hoàn toàn bất ngờ, bị tê liệt và thiệt hại nặng, thông tin liên lạc bị cắt đứt. Phải 30 phút sau đó, pháo binh Đức mới cố gắng “lên tiếng” nhưng không thể đọ được đành phải “câm miệng” ngay.
Lúc 5 giờ 30 phút cùng ngày, dưới sự yểm trợ của pháo binh và máy bay, xe tăng Đức bắt đầu tấn công, theo sau là lực lượng bộ binh. Nhưng đòn đánh chính của chúng lại nhằm trúng vào khu vực phòng thủ mạnh nhất của Quân đội Xô-viết và ngay từ phút đầu của trận chiến đã diễn ra không như Bộ chỉ huy Đức dự kiến… Sau một tuần chiến đấu, Hồng quân đã giành được thế chủ động trên chiến trường. Ngày 12-7, Bộ chỉ huy Xô-viết đã quyết định chuyển từ phòng thủ sang phản công. Các trận đánh đặc biệt khốc liệt diễn ra tại vùng Prô-khô-rốp-ca. Tại đây diễn ra trận đấu xe tăng lớn nhất trong lịch sử với sự tham gia của 1.200 chiếc của cả hai bên. Trong trận đấu này, quân Đức đã mất 400 xe tăng và 10.000 binh lính. Thất bại nặng nề, Hít-le ra lệnh ngừng Chiến dịch “Xi-ta-đen”. Với phía Đức, như vậy là chiến dịch đã kết thúc. Nhưng về phía Hồng quân, mọi việc mới chỉ bắt đầu. Theo lệnh từ tổng hành dinh của Bộ chỉ huy tối cao Xô-viết, các phương diện quân Bri-an-xơ và phía Tây chuyển sang tấn công. Họ đã thọc sâu vào tuyến phòng ngự của quân Đức. Ngày 15-7, các cuộc tiến công của Hồng quân đã buộc Bộ chỉ huy Đức tổ chức phòng ngự khẩn cấp. Đêm 3-8, Quân đội Xô-viết ập vào Ô-ri-ôn, rạng sáng 4-8 thành phố này đã sạch bóng quân thù. Tiếp sau Ô-ri-ôn, hàng trăm thành phố và làng mạc cũng được giải phóng. Trong 37 ngày đêm phản công, Quân đội Xô-viết đã tiến được 150km về phía Tây. Ở phía Nam cũng diễn ra một chiến dịch mang tên “Thống soái Ru-mi-an-xép”, bắt đầu từ ngày 3-8. Dựa vào hàng rào hỏa lực, xe tăng và bộ binh của các phương diện quân Vô-rô-nhét và Xtép chuyển sang tấn công. Ngày 5-8, thành phố cổ Ben-gô-rốt đã được giải phóng. Cụm quân của Đức bị chia thành hai phần. Đến ngày 20-8, cụm quân Đức bị suy kiệt. Lực lượng của phương diện quân Xtép tiến về thành phố Khác-cốp. Sáng 23-8, Khác-cốp được giải phóng. Cùng ngày, chiến dịch Cuốc-xcơ chính thức kết thúc. Chiến dịch Béc-lin – đòn quyết định số phận Đức Quốc xã Đầu năm 1945, Hồng quân Liên Xô đã sẵn sàng cho trận chiến cuối cùng: Đánh chiếm thủ đô Béc-lin. Ngày 29-3-1945, Xta-lin đã duyệt lần cuối kế hoạch chiến dịch do Bộ Tổng tham mưu Xô-viết soạn thảo hồi tháng 11-1944. Bản thân Hít-le cũng nắm được thông tin về kế hoạch này, do đó đã tăng cường chuẩn bị cho trận quyết chiến bảo vệ thành Béc-lin. Bộ chỉ huy Đức đã dồn về hướng Béc-lin tất cả những gì có thể: 48 sư đoàn bộ binh, 4 sư đoàn tăng, 10 sư đoàn mô-tô, 37 trung đoàn bộ binh độc lập, 98 tiểu đoàn bộ binh lẻ, và nhiều đơn vị khác. Tổng cộng toàn bộ cơ số này là hơn 1 triệu quân, 1.500 chiếc xe tăng và vũ khí tấn công, 3.300 chiếc máy bay. 5 giờ sáng ngày 16-4-1945, khi trời vẫn còn mờ tối, Quân đội Xô-viết mở màn cuộc tấn công vào Béc-lin. Đến giữa trưa, Nguyên soái Giu-cốp đã quyết định đưa các xe tăng vào trận. Nhưng trên không gian chật hẹp giữa bộ binh và cánh đồng dày đặc bom mìn, xe tăng đã trở thành miếng mồi ngon của quân phòng thủ Đức. Trong ngày tấn công đầu tiên, phương diện quân Bê-la-rút 1 đã không sao phá được tuyến phòng thủ của địch. Xta-lin lo lắng. Ông đã gọi điện cho Giu-cốp và đòi giải thích. Giu-cốp hứa sẽ phá vỡ mặt trận Đức vào ngày hôm sau (17-4). Trong lúc đó, công việc của phương diện quân U-crai-na do Nguyên soái Cô-nhép chỉ huy diễn ra khá trôi chảy khi lực lượng này chọc thủng và xé toang tuyến phòng thủ của phát xít Đức dài 29km. Ngày 20-4, trên hướng Stết-tin, lực lượng của phương diện quân Bê-la-rút 2 do Nguyên soái Liên Xô K.K.Rô-cô-xốp-xki chỉ huy đã vượt hai nhánh của sông Ô-đe và rạng sáng 25-4 chọc thủng tuyến phòng thủ chính. Trong khi đó, các lực lượng của phương diện quân Bê-la-rút 1 và phương diện quân U-crai-na thứ nhất đã phá vỡ tuyến phòng thủ của Đức, sau đó chia cắt và bao vây cụm quân Béc-lin. Ngày 25-4, các cánh quân của hai phương diện quân này gặp nhau tại Két-xin và khóa vòng vây phía tây Béc-lin. Gần 200.000 quân Đức phát xít rơi vào vòng vây trong thành phố Béc-lin và bị tiêu diệt. Trước thế thắng như chẻ tre, Hồng quân bắt đầu giai đoạn hoàn thành Chiến dịch Béc-lin: Tiêu diệt các nhóm quân của kẻ thù vốn đã bị vây chặt. Hai bên giành giật nhau quyết liệt từng góc phố, mỗi ngôi nhà, từng bến tàu điện ngầm, từng con đường ngầm dưới lòng đất. Ngày 26-4, nhóm quân Béc-lin của Đức đã bị chia cắt làm hai nửa: Một nửa ở thành phố, và một nửa ở khu vực Pốt-xđam. Ngày hôm sau, nhóm Pốt-xđam bị đánh tan. Các trận đánh dồn vào trung tâm thủ đô Béc-lin. Ngày 28-4, Quân đội Xô-viết đánh thọc vào tuyến phòng thủ trung tâm, khu vực số 9 của Béc-lin. Ngày 30-4, bắt đầu những trận đánh vào thủ phủ Quốc xã, mà tấn công là các sư đoàn thiện xạ Xô-viết số 150 và 171. Trong ngày lịch sử này, hai người lính Hồng quân của các sư đoàn đó, hai chiến sĩ Xô-viết M.A.Ê-ga-rốp và M.V.Can-ta-ri-a đã cắm lá cờ Xô-viết trên nóc tòa nhà Quốc hội Đức, đánh dấu chiến thắng của nhân dân Xô-viết trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Bất chấp việc Hít-le tự sát, ngày 1-5, quân phát xít Đức vẫn từ chối yêu cầu đầu hàng vô điều kiện từ phía Bộ chỉ huy Xô-viết. Buổi chiều cùng ngày, Quân đội Xô-viết đã quyết định tấn công mạnh hơn. Sáng sớm 2-5, vượt qua đường mặt trận, tướng Bê-linh, chỉ huy chiến tuyến Béc-lin, đã giơ cờ trắng đầu hàng. Trong ngày hôm đó, tại Béc-lin, gần 135 nghìn quân phát xít đã bị bắt làm tù binh. Ngày 7-5-1945, tại Rem (Pháp), Đại tướng An-phrét Giôn (Alfred Jold), Tổng Tham mưu trưởng Bộ tư lệnh Hành quân Đức đã ký biên bản đầu hàng các quân đội đồng minh cùng Hồng quân Xô-viết trước các đại diện quân đội Anh, Pháp, Mỹ. Tổng Tư lệnh tối cao Xô-viết Xta-lin bất bình và phản đối thể thức đầu hàng như vậy, đồng thời yêu cầu nghi thức đầu hàng chính thức phải được diễn ra tại Béc-lin với đại diện cao nhất của lực lượng vũ trang Đức và dưới sự chủ tọa của đại diện của Quân đội Xô-viết. Lãnh đạo các nước đồng minh nhất trí coi việc ký đầu hàng ngày 7-5-1945 là đầu hàng sơ bộ và đồng ý tổ chức nghi thức ký chính thức đầu hàng của Đức tại Béc-lin. Ngày hôm sau, Tổng tư lệnh quân đội Đức Uyn-hem Cây-ten (Wilhelm Keitel) cùng các đại diện hải, lục, không quân, các lực lượng vũ trang Đức đã được đưa đến Béc-lin. Lễ ký biên bản đầu hàng của Đức Quốc xã diễn ra vào đêm 8 rạng sáng 9-5-1945. Với sự kiện này, Chiến tranh thế giới thứ hai chính thức chấm dứt ở châu Âu. BÌNH NGUYÊN (tiếp theo và hết) |
Theo QĐND