Đặc sản không nên bỏ lỡ khi đến Mộc Châu
Ngoài mận và đào, dâu tây, ốc đá, cá hồi… là những đặc sản nổi tiếng của núi rừng Mộc Châu thường được số đông du khách ưa chuộng.
Cách Hà Nội 200 km về phía tây, nằm ở độ cao hơn 1.000 m so với mặt biển, Mộc Châu có không khí trong lành, được xem là điểm đến ưa thích ở miền bắc. Ghé thăm Mộc Châu đúng dịp nghỉ lễ 30/4, bạn hãy nếm thử những món đặc sản dưới đây. Dâu tây Thời điểm cuối tháng 4 – đầu tháng 5 là lúc dâu tây vào vụ thu hoạch. Loại quả này được trồng thử nghiệm ở Mộc Châu nhiều năm trước, nay thành quà ngon có tiếng. Nhiều nhà vườn còn mở rộng diện tích trồng để xuất về các thành phố và chế biến thành mứt, rượu… Hiện khu vườn trồng dâu tây ở Mộc Châu cách đồi thông bản Áng chừng một km. Ngoài tham quan, chụp ảnh, tìm hiểu về quy trình trồng, du khách được tự tay chọn những quả dâu chín mọng và thưởng thức ngay tại vườn.
Cá hồi Cá hồi là đặc sản mới xuất hiện ở Mộc Châu vài năm nay với nhiều cách chế biến như gỏi, xông khói, chả, chiên, lẩu… Một số địa điểm thưởng thức món này là trong nhà hàng thuộc tiểu khu Vườn Đào và trang trại Tú Phượng, thị trấn Nông Trường Mộc Châu.
Bê chao Đi dọc quốc lộ 6, đoạn từ Mai Châu sang Mộc Châu và trong thị trấn, rất nhiều hàng quán treo biển bán bê chao. Thịt bê loại ngon được xắt thành từng miếng nhỏ, chần qua nước sôi để bớt hôi và săn lại. Sau khi ướp gia vị gồm sả, gừng, dầu hạt điều, sa tế… trong 5 – 10 phút, thịt được chao qua dầu sôi. Bê chao phải ăn nóng mới thấy hết vị ngọt mềm của miếng thịt. Địa chỉ ăn món này là một số quán ở tiểu khu Chiềng Đi, thị trấn Công Trường Mộc Châu, nằm ngay trên đường quốc lộ 6.
Ốc đá Suối Bàng Loại ốc này thường chỉ xuất hiện tháng 4 – 8, tức mùa mưa, khi thời tiết ẩm ướt. Những con ốc đá ở đây có hình dáng khác với loại thường thấy. Mỗi con có kích thước trung bình bằng hai đốt tay, miệng loe. Ốc này thường ít chế biến kiểu xào vì sẽ ra nhiều nhớt, ăn không ngon, chủ yếu dùng để nấu canh hoặc đơn giản nhất là luộc với sả chấm mắm ớt.
Nậm pịa Là món ăn của người Thái ở Mộc Châu, trong tiếng địa phương, “nậm” có nghĩa canh, “pịa” là chất sền sệt trong ruột non con bò hay phân non. Bởi vậy, không phải vị khách nào đến Mộc Châu cũng đủ dũng cảm thưởng thức món này. Nguyên liệu tạo ra nậm pịa gồm tiết đông, sụn, đuôi, thịt, bạc nhạc, lục phủ ngũ tạng như lòng, dạ dày, gan và phần ruột non có chứa phân của bò hoặc dê. Thưởng thức món này thường kèm với hoa chuối, lá bạc hà…
Xem thêm: Lê Thương |
Theo VnExpress – Du lịch