Cuộc thi marathon ở Triều Tiên: Chạy thì được nhưng cấm chụp hình
Triều Tiên, một quốc gia công khai có thái độ “thù địch” với nước Mỹ, vào ngày 15/4, đã chấp nhận cấp visa cho hơn 100 công dân Mỹ vào nước này để tham gia buổi chạy bộ marathon kỉ niệm cố chủ tịch Kim Nhật Thành. Báo giới gọi đây là ‘buổi chạy marathon kì lạ nhất’ thế giới.
Mối lo ngại bị bắt bớ và sách nhiễu không ngăn cản được những người đam mê thể thao và có máu khám phá. Đây là một trong những dịp hiếm hoi để người Mỹ có thể ‘lọt’ vào bên trong, và tận mắt chứng kiến một đất nước đã tồn tại suốt 70 năm qua dưới chế độ độc tài toàn trị.
Buổi khai mạc có sự tham gia của Nicholas Bonner, nhà đồng sáng lập hãng du lịch Koryo, có trụ sở tại Bắc Kinh, một trong những công ty môi giới chịu trách nhiệm giúp xin visa cho hơn 300 khách du lịch khắp nơi trên thế giới về tham gia sự kiện.
Bắc Triều Tiên hiện vẫn là quốc gia bị thế giới cấm vận, sân bay Bình Nhưỡng mỗi ngày chỉ có 1 – 2 chuyến bay đi Bắc Kinh hay Thẩm Dương, và dĩ nhiên nhiều hoạt động giao thương, ngoại giao quan trọng của quốc gia này đều phải qua cửa ngõ Trung Quốc trước tiên.
Những sự kiện chính trị hiếm hoi như sinh nhật cố chủ tịch Kim Nhật Thành đã giúp khách du lịch thế giới dễ xin được visa hơn thông qua các hãng môi giới, và nhờ đó Bắc Triều Tiên cũng thu về một khoản ngoại tệ kha khá. Giá cả mua sắm và dịch vụ áp dụng cho khách du lịch nước ngoài cũng thường được ‘thổi lên’ gấp… 20 lần so với giá trong nước.
Buổi chạy Marathon có sự góp mặt của Patty Hunter, một công dân Mỹ hiện sống ở Bắc Kinh, con gái của một cựu chiến binh từng có mặt trong chiến tranh Triều Tiên (1950 – 1953). Có thể đây là lý do Patty luôn muốn khám phá đời sống của xứ sở bí ẩn này mỗi khi có thể. Patty về ba trong cuộc tranh tài với hơn 600 vận động viên. Bà cho biết, bản thân cảm thấy rất hào hứng khi đứng lên bục nhận giải trước sự reo hò của tập thể quân đội và dân chúng Bắc Triều Tiên, và cảm giác đó thật thú vị.
Chạy thì được nhưng cấm chụp hình ‘bôi xấu chế độ’
Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ đã khuyến cáo, những ai tham gia cần tránh các hoạt động có thể khiến họ không an toàn cũng như vướng phải những sách nhiễu không đáng có. Không có nhiều hình ảnh hay video ghi hình sự kiện này vì smartphone hay máy quay mà những người Mỹ mang theo hầu hết đều bị ‘vô hiệu hóa’ dưới sự giám sát liên tục của lực lượng an ninh Bắc Triều Tiên.
Nicholas Bonner phát biểu với báo giới rằng, “nếu không tin vào tinh thần hòa giải, thì họ đã không đến tham dự, du lịch là một yếu tố góp phần đổi mới”.
Bruce Phan, theo VisionTimes