Tiết lộ của cựu Chủ tịch Keangnam gây rúng động Hàn Quốc
Các phương tiện truyền thông Hàn Quốc ngày 10/4 dẫn lời cơ quan công tố nước này cho biết bản viết tay mà họ tìm thấy khi phát hiện thi thể cựu Chủ tịch Keangnam Enterprises Sung Wan-jong là một danh sách liệt kê các chính trị gia và số tiền mà ông này từng đưa hối lộ.
Danh sách này gồm 8 người, trong đó bao gồm cả những nhân vật thân cận nhất với Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye, cũng như chi tiết số tiền mà ông Sung đã đưa cho 5 người. Theo đó, ông Sung đã đưa 100 nghìn USD cho cựu Chánh Văn phòng Tổng thống Kim Ki-choon, 700 triệu won cho người tiền nhiệm của ông Kim Ki-choon là ông Huh Tae-yeol, 300 triệu won cho Thị trưởng thành phố Incheon Yoo Jeong-bok, 100 triệu won cho Tỉnh trưởng tỉnh Nam Gyeongsang Hong Joo-pyo và 200 triệu won cho Nghị sỹ đảng cầm quyền Thế giới mới Hong Mun-jong (1 USD tương đương 1.090 won). Thủ tướng đương nhiệm Lee Wan-koo và Chánh Văn phòng Tổng thống Lee Byung-ki cũng có tên trong danh sách nói trên, song không ghi chi tiết số tiền hối lộ. Ngoài ra, theo nội dung trên, mẩu giấy viết tay thì ông Su cũng đã đưa 200 triệu won cho Thị trưởng thành phố Busan, song không nêu tên cụ thể người nào (trong khi thị trưởng đương nhiệm của Busan là ông Seo Byung-soo). Các công tố viên cũng cho biết thêm, bản viết tay trên được ghi trên một mảnh giấy có kích cỡ bằng lòng bàn tay người lớn và đã được cảnh sát tìm thấy trong túi quần của ông Sung trước khi thi thể của ông được đưa đi khám nghiệm. Tiết lộ của nhật báo Kyunghyang Những người có tên trong sách đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc nhận hối lộ, một số trường hợp còn nói rằng họ thậm chí còn không biết ông Sung. Tuy nhiên cuộc nói chuyện được ghi âm giữa ông Sung với một phóng viên tờ nhật báo Kyunghyang, Hàn Quốc cũng đã được tiết lộ và giúp bổ sung thêm nhiều chi tiết về những người có tên trong danh sách này. Nhật báo Kyunghyang cho biết ông Sung đã gọi điện thoại cho một biên tập viên của tờ báo này vào hồi 6h sáng ngày 9/4, chỉ một vài giờ trước khi cảnh sát tìm thấy thi thể của ông trong tư thế dường như là đã tự tử.
Theo đoạn ghi âm được đăng tải trên website của nhật báo này và được kênh truyền hình YTN đưa lại, ông Sung nói rằng đã đưa cho ông Kim Ki-choon 100 nghìn USD tiền mặt vào tháng 9/2006 ngay trước khi ông tháp tùng bà Park Geun-hye (khi đó còn là Chủ tịch đảng Đại Dân tộc GNP, tiền thân của đảng cầm quyền Thế giới mới hiện nay) sang thăm Đức và Thư ký của ông Kim Ki-choon cũng có mặt khi tiền được chuyển giao. Ông Sung cũng nói rằng vào năm 2007, ông đã đưa cho ông Huh Tae-yeol, khi đó là một thành viên chủ chốt của Ủy ban vận động tranh cử cho bà Park Geun-hye, 700 triệu won tiền mặt tại Khách sạn Rivera ở phía nam thủ đô Seoul và theo ông số tiền này đã được sử dụng để giúp bà Park giành chiến thắng ngay trong nội bộ đảng (để trở thành ứng cử viên Tổng thống của đảng này).
Các bên liên quan lên tiếng Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho rằng không thể xác nhận được các nội dung mà nhật báo Kyunghyang đưa ra. Tại cuộc họp báo ngày 10/4, ông Min Kyung-wook, Phát ngôn viên của Tổng thống, cho biết: “Văn phòng Tổng thống không biết gì về những nội dung này” và nói thêm rằng văn phòng chưa có liên hệ với hai cựu Chánh Văn phòng Tổng thống. “Vì ông Kim Ki-choon và ông Huh Tae-yeol là các cựu Chánh Văn phòng Tổng thống nên Văn phòng Thư ký cấp cao của Tổng thống về các vấn đề dân sự không thể xác nhận những cáo buộc trên”, ông Min Kyung-wook nói. Trong khi đó, phát biểu trên kênh truyền hình YTN, cựu Chánh Văn phòng Tổng thống Kim Ki-choon nói: “Tôi chưa bao giờ nhận tiền từ ông Sung. Tất cả là do ông Sung hư cấu”. Ông này thậm chí còn cho rằng đây là “lời nói dối đầy thù hận” và rằng ông không gặp ông Sung tại Câu lạc bộ sức khỏe của Khách sạn Lotte như lời ông Sung nói. Thủ tướng Lee Wan-koo cũng lên tiếng phủ nhận cáo buộc trên. Trong một thông cáo báo chí đưa ra cùng ngày, ông Lee nói: “Tôi chỉ làm việc với ông Sung như một đồng nghiệp khi ông ấy còn là nghị sỹ. Chúng tôi không được thân thiết cho lắm”. Cơ quan công tố Hàn Quốc thì cho biết sẽ mở cuộc điều tra về vấn đề này. Một công tố viên nói: “Chúng tôi đang tiến hành phân tích chữ viết để xem liệu bản viết tay trên có phải là do ông Sung viết ra hay không. Nếu đúng là chữ viết của ông Sung thì những người trong danh sách sẽ không tránh khỏi việc bị thẩm vấn”. Cơ quan này cũng cho biết, hai ông Kim Ki-choon và Huh Tae-yeol có thể phải đối mặt với tội nhận hối lộ vì khoảng thời gian từ thời điểm đó đến nay chưa quá thời hạn 10 năm để có thể được miễn truy tố vì tội nhận hối lộ theo luật định. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng việc chứng minh những cáo buộc trên là không hề đơn giản vì ông Sung đã chết và việc thu thập các bằng chứng liên quan là rất khó khăn. Phía gia đình ông Sung thì cho biết không có dự định tiết lộ nội dung chúc thư mà ông để lại trước khi chết cũng như không bàn giao cho cảnh sát. Trong khi phía cảnh sát cũng cho biết họ không có thẩm quyền để thu giữ chúc thư trên trái với ý muốn của gia đình ông Sung. Tác động đến bầu cử Đáng chú ý, vụ việc này xảy ra chỉ vài tuần trước khi Hàn Quốc tiến hành bầu cử quốc hội bổ sung mà kết quả của nó được cho là sẽ ảnh hưởng lớn đến cuộc tổng tuyển cử vào năm sau. Trong bối cảnh đó, các đảng phái đã nhanh chóng hành động. Đảng cầm quyền Thế giới mới triệu tập gấp cuộc họp Hội đồng tối cao vào cuối buổi chiều cùng ngày nhằm hạn chế những tác động bất lợi từ vụ việc. Phát biểu trước các phóng viên trong chuyến đi tới thành phố Gwangju (phía tây nam Hàn Quốc) nhằm hỗ trợ vận động tranh cử cho ứng cứ viên của đảng trong cuộc bầu cử quốc hội bổ sung sắp tới, Chủ tịch đảng cầm quyền Thế giới mới Kim Moo-sung nói “sẽ tìm mọi cách để giải quyết vụ việc này ngay khi trở về thủ đô Seoul”. “Đảng Thế giới mới sẽ đưa ra một lập trường rõ ràng nhằm hạn chế các tác động tiêu cực của vụ việc trên ảnh hưởng đến kết quả cuộc bầu cử quốc hội bổ sung sắp tới”, ông Kim Moo-sung cho biết. Trong khi đó đảng đối lập chính Liên minh chính trị mới vì dân chủ (NPAD) đang làm tất cả để tận dụng vụ việc này nhằm xoay chuyển tình thế trước cuộc bầu cử sắp tới. Trong cuộc họp báo cùng ngày, Người phát ngôn của NPAD nói: “NPAD cho rằng vụ việc gây quỹ chính trị bất hợp pháp là bê bối chính trị lớn nhất của chính quyền Tổng thống Park Geun-hye. Sự thật đằng sau vụ việc này phải được làm sáng tỏ thông qua các cuộc điều tra”. Phạm Duy (P/v TTXVN tại Seoul) |
Theo Báo Tin tức