Trung Quốc dự kiến xây đường hầm xuyên Everest để xích lại gần hơn với Nepal
Trong bối cảnh Trung Quốc đang muốn tạo mối quan hệ với Nepal, quốc gia nằm trong tầm ảnh hưởng của Ấn Độ, Bắc Kinh đang xem xét mở một đường hầm dưới “nóc nhà của thế giới” nhằm xây dựng một tuyến đường sắt thông thương hai nước.
Theo báo chí Trung Quốc, chính phủ nước này đang lên kế hoạch mở rộng đường sắt Thanh Hải – Tây Tạng “theo yêu cầu từ phía Nepal” và dự kiến hoàn thành vào khoảng năm 2020.
Chuyên gia ngành đường hầm và đường sắt Wang Mengshu đến từ Học viện Kỹ thuật Trung Quốc cho biết, kế hoạch mở rộng tuyến đường sắt Thanh Hải – Tây Tạng “có thể phải đi xuyên núi Qomolangma (tên tiếng Tây Tạng của đỉnh Everest), vì vậy các công nhân phải đào một số đường hầm rất dài”.
Ông Wang cũng nói thêm, các tàu chạy trên bất kỳ tuyến đường sắt nào tới Kathmandu chỉ có thể chạy dưới mức 120km/h, do địa hình hiểm trở cùng những thay đổi “rõ rệt” về độ cao của dãy Himalaya.
Việc xây dựng tuyến đường sắt này sẽ là dấu mốc cho thấy tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với Nepal, nơi Bắc Kinh đã đầu tư vào hệ thống giao thông, đồng thời bỏ ra hàng tỷ USD vào thủy điện và viễn thông trong nhiều năm qua.
Tuyến đường này được cho là sẽ thúc đẩy hoạt động du lịch của người dân Trung Quốc tới Nepal, nơi có 8 trong số 14 đỉnh núi cao trên 8.000m của thế giới.
Sự hiện diện ngày càng sâu rộng của Bắc Kinh tại Nepal đang khiến New Delhi phải quan ngại. Trung Quốc hiện đang liên minh với Pakistan, đồng thời đẩy mạnh quan hệ kinh tế với Sri Lanka, Maldives. Mục tiêu hiện thời của Bắc Kinh là Nepal, và Ấn Độ dường như sẽ bị bao vây bởi các nước thân Trung Quốc.
Dù Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hồi năm 2014 cam kết nước này sẽ tăng đầu tư và giải phóng thị trường cho các nhà xuất khẩu của các nước láng giềng. Tuy nhiên, hiện New Delhi đang gặp khó khăn khi Trung Quốc đang nỗ lực tiến hành một cuộc “tấn công hấp dẫn” bằng đồng nhân dân tệ.
Theo Dân Trí