Di sản khổng lồ của ông Lý Quang Diệu

24/03/15, 09:20 Tin Tổng Hợp

Singapore đang chìm ngập trong tiếc thương sau khi “cha đẻ lập quốc” Lý Quang Diệu từ trần sáng 23/3, trong khi thế giới bày tỏ sự ngưỡng mộ với di sản khổng lồ mà ông để lại.

Văn phòng Thủ tướng Singapore thông báo, cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu từ trần lúc 3h18 sáng 23/3, hưởng thọ 91 tuổi. Nhiều người Singapore không cầm được nước mắt. Nurhidayah Osman, một người dân Singapore, viết trên Facebook: “Cảm ơn ông đã trao cho chúng tôi, những người dân Singapore, một quốc gia vĩ đại để sống, một đất nước tôi có thể tự hào, một đất nước tôi có thể đi ra ngoài lúc nửa đêm mà không phải sợ hãi”.

Nhà sử học kiêm tác giả viết tiểu sử nổi tiếng Pranay Gupte (Mỹ) viết trên Huffington Post rằng, ông Lý Quang Diệu là một trong những người khổng lồ đã chuyển đổi thành công đất nước mình từ thế giới thứ ba thành quốc gia thịnh vượng phát triển hàng đầu thế giới với thu nhập bình quân đầu người đạt 81.000 USD. Singapore trở thành một hiện tượng kinh tế thu hút sự chú ý của các siêu cường thế giới về khả năng liên minh quân sự và phát triển thị trường.

Ông Lý Quang Diệu, kiến trúc sư vĩ đại của Singapore phú cường. Ảnh: TL

Ông Lý Quang Diệu thường giải thích sự thành công kinh tế của Singapore là hệ quả của 3 yếu tố tương hỗ chặt chẽ: cam kết triệt để về kinh doanh tự do, cam kết triệt để về một xã hội thượng tôn pháp luật; cam kết triệt để về một hệ thống quản trị trong sạch, không tham nhũng. Reuters đánh giá ông Lý Quang Diệu là gương mặt nổi bật thời kỳ hậu thuộc địa tại châu Á. AP nhìn nhận ông là người tạo dựng một đất nước Singapore hiện đại. New York Times đánh giá, ông đã biến một hòn đảo nhỏ nghèo khó thành một trong những quốc gia giàu có và ít tham nhũng nhất châu Á. Giáo sư Michael Barr, người từng viết sách về ông Lý Quang Diệu, nhận định, thành công lớn nhất của ông là tận dụng tối đa các lợi thế tự nhiên của Singapore để biến quốc gia này thành nền kinh tế phát triển nhất Đông Nam Á. Nhà phân tích chính trị Derek da Cunha nhận định, ông Lý Quang Diệu “đã xây dựng uy tín, vị thế của Singapore lớn hơn rất nhiều so với diện tích của đất nước này”.

Trả lời phỏng vấn New York Times tháng 9/2010, ông Lý Quang Diệu nói: “Tôi không nói mọi thứ tôi làm đều đúng. Nhưng mọi việc tôi đã làm đều vì mục tiêu cao cả”. Independent nhận xét, ông Lý Quang Diệu đã hòa trộn chủ nghĩa tư bản và một chính phủ mạnh mẽ với chút gì đó mang tư tưởng cộng sản, khiến thu nhập bình quân đầu người của Singapore tăng gấp 15 lần trong giai đoạn 1960-1980. Sau khi tiếp ông Lý tại Nhà Trắng tháng 10/2009, Tổng thống Mỹ Barack Obama mô tả ông là “một trong những nhân vật huyền thoại châu Á trong thế kỷ 20 và 21… đã giúp tạo nên sự thần kỳ kinh tế châu Á”.

Sáng 23/3, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long phát biểu: “Người cha sáng lập dân tộc của chúng ta đã không còn nữa. Ông đã truyền cảm hứng cho chúng ta, giúp chúng ta đoàn kết, đem lại cho chúng ta sự dũng cảm. Ông ấy chiến đấu vì độc lập của Singapore, xây dựng một đất nước, làm chúng ta tự hào vì là người Singapore”. Tổng thống Singapore Tony Tan viết thư ngỏ chia buồn, trong đó mô tả ông Lý là “kiến trúc sư của đất nước”.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon cho biết ông “vô cùng đau buồn” trước tin ông Lý Quang Diệu qua đời và gửi lời chia buồn đến người dân Singapore. Ông Ban Ki-moon nhận định: “Ông Lý Quang Diệu là nhân vật huyền thoại ở châu Á, được tôn kính bởi phẩm chất lãnh đạo mạnh mẽ”. Tổng thống Mỹ Barack Obama ca ngợi: “Ông ấy là người khổng lồ thực sự của lịch sử, sẽ được nhiều thế hệ nhớ tới với tư cách là người cha sáng lập đất nước Singapore hiện đại và là một trong những chiến lược gia vĩ đại nhất của châu Á”. Thủ tướng Nhật Shinzo Abe cho rằng, ông Lý Quang Diệu là một trong các nhà lãnh đạo vĩ đại nhất châu Á. Thủ tướng Anh, Úc, New Zealand cũng gửi lời chia buồn tới Singapore khi cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu qua đời và ca ngợi ông trong việc xây dựng Singapore như một hình mẫu.

Người bạn lớn của Việt Nam

Ngày 26/9/2011, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phu nhân bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Singapore. Trong ảnh: Bộ trưởng, Cố vấn Lý Quang Diệu đến chào Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Ảnh: TTXVN

Ngày 23/3, Tổng Bí thư Nguyễn Phu Trọng gửi điện chia buồn tới ông Lý Hiển Long – Tổng Thư ký Đảng Hành động Nhân dân Singapore; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gửi điện chia buồn tới ông Tony Tan Keng Yam – Tổng thống Singapore và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gửi điện chia buồn tới Thủ tướng Lý Hiển Long. Trưa 23/3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới Đại sứ quán Singapore tại Hà Nội ký vào sổ tang chia buồn.

Trong sổ tang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng viết: “Sự ra đi của Ngài Lý Quang Diệu là một mất mát vô cùng to lớn, không chỉ đối với Singapore mà còn đối với Cộng đồng ASEAN nói chung. Những cống hiến to lớn của Ngài Lý Quang Diệu cho Singapore cùng những tư tưởng của Ngài về xây dựng, phát triển quốc gia sẽ luôn là nguồn cổ vũ to lớn cho các thế hệ mai sau. Nhân dân Việt Nam mãi mãi ghi nhớ tình cảm và sự giúp đỡ quý báu của Ngài Lý Quang Diệu dành cho Việt Nam. Tôi mong Chính phủ và nhân dân Singapore sớm vượt qua thời khắc đau thương này”.

Cùng ngày, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Singapore K Shanmugam. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh gửi lời chia buồn sâu sắc tới Chính phủ và nhân dân Singapore về những mất mát to lớn trước sự ra đi của ông Lý Quang Diệu, người đã có công sáng lập và đặt nền móng vững chắc đưa Singapore phát triển như ngày nay. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh khẳng định, ông Lý Quang Diệu là một người bạn lớn của nhân dân Việt Nam và những đóng góp của ông cho việc thúc đẩy quan hệ giữa hai nước luôn được trân trọng và gìn giữ.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc nguyên Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu từ trần, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình ngày 23/3 chia sẻ: “Chúng tôi rất xúc động được tin cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, nhà tư tưởng, nhà chiến lược xuất sắc, người có công sáng lập và đưa Singapore phát triển như ngày nay, đã từ trần. Ông đã cùng các nhà lãnh đạo Việt Nam đặt nền móng vững chắc cho quan hệ Việt Nam – Singapore”. Chiều 23/3, Bí thư Thành ủy TPHCM, ông Lê Thanh Hải, dẫn đầu đoàn công tác của Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM đến Tổng Lãnh sự quán Singapore tại TPHCM để viếng, tưởng niệm và chia buồn với nhân dân Singapore và gia quyến ông Lý Quang Diệu.

Quốc tang 7 ngày

Theo báo Strait Times, Thủ tướng Lý Hiển Long tuyên bố 7 ngày quốc tang để tưởng nhớ ông Lý Quang Diệu. Trong 2 ngày tới, thi hài của ông sẽ được đưa đến khu Istana để gia đình tổ chức tang lễ. Sau đó, thi hài ông sẽ được đưa đến tòa nhà chính phủ để người dân viếng trong 5 ngày, rồi được hỏa táng hôm 29/3.

Lý Quang Diệu: Việt Nam là đối tác tốt nhất Đông Nam Á

Trong cuốn hồi ký “From third world to the firt – The Singapore Story 1965-2000”, ông Lý Quang Diệu kể về sự kiện tháng 10/1991. Thủ tướng Việt Nam khi đó là ông Võ Văn Kiệt thăm Singapore khi ông Lý đã chuyển giao chức vụ Thủ tướng cho ông Goh Chok Tong. Trong tiệc chiêu đãi, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đề nghị ông trở thành cố vấn kinh tế cho Việt Nam. Năm 1992, ông Lý sang thăm Việt Nam, có một ngày làm việc với Thủ tướng Võ Văn Kiệt và các bộ trưởng, thảo luận vấn đề mô hình phát triển và hiện đại hóa nền kinh tế. Sau đó, ông Lý cử một lực lượng chuyên gia sang Việt Nam, nghiên cứu các vấn đề về phát triển cơ sở hạ tầng, tư vấn về việc xây dựng hải cảng, sân bay, đường sá, cầu cống, hệ thống thông tin liên lạc và cung cấp năng lượng. Ông Lý đã gặp Tổng Bí thư Đỗ Mười, nguyên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Phó Thủ tướng Phan Văn Khải. Ông nhận xét trong cuốn hồi ký: “Các nhà lãnh đạo Việt Nam là một tập thể gây nhiều ấn tượng. Họ là những đối thủ ghê gớm, có quyết tâm và tinh thần chiến đấu cao độ”.

Ông Lý từng nói Việt Nam là đối tác tốt nhất trong khu vực Đông Nam Á. Ông đã rất nhiệt tình trong việc đưa ra lời khuyên và hỗ trợ thiết thực cho quá trình cải cách kinh tế ở Việt Nam. “Người Việt Nam sẽ mất nhiều thời gian cho việc loại bỏ những trói buộc để hoạt động thoải mái, linh hoạt. Một khi làm được điều này, tôi ít nghi ngờ việc họ có thể thành công”, ông nói.

Theo Khampha.vn

Ad will display in 09 seconds

Thế nào là Tà đạo?

Ad will display in 09 seconds

Lãnh đạo nhiều quốc gia phải cúi đầu nể phục Donald Trump vì 2 điều này

Ad will display in 09 seconds

Kiếp trước Đức Phật là ai?

Ad will display in 09 seconds

Tu thân

Ad will display in 09 seconds

Tinh Hoa kể chuyện: Bao Công mộng hồ điệp

Ad will display in 09 seconds

Hỏi đáp chấn động về chốn Âm gian

Ad will display in 09 seconds

Những cái chết phục sinh

Ad will display in 09 seconds

Trước khi đại náo Thiên Cung Tôn Ngộ Không là người như thế nào?

Ad will display in 09 seconds

Đã tìm ra lời giải của thuật trường sinh

Ad will display in 09 seconds

Bí ẩn cao tăng Ấn Độ thọ 1072 tuổi

  • Thế nào là Tà đạo?

    Thế nào là Tà đạo?

  • Lãnh đạo nhiều quốc gia phải cúi đầu nể phục Donald Trump vì 2 điều này

    Lãnh đạo nhiều quốc gia phải cúi đầu nể phục Donald Trump vì 2 điều này

  • Kiếp trước Đức Phật là ai?

    Kiếp trước Đức Phật là ai?

  • Tu thân

    Tu thân

  • Tinh Hoa kể chuyện: Bao Công mộng hồ điệp

    Tinh Hoa kể chuyện: Bao Công mộng hồ điệp

  • Hỏi đáp chấn động về chốn Âm gian

    Hỏi đáp chấn động về chốn Âm gian

  • Những cái chết phục sinh

    Những cái chết phục sinh

  • Trước khi đại náo Thiên Cung  Tôn Ngộ Không là người như thế nào?

    Trước khi đại náo Thiên Cung Tôn Ngộ Không là người như thế nào?

  • Đã tìm ra lời giải của thuật trường sinh

    Đã tìm ra lời giải của thuật trường sinh

  • Bí ẩn cao tăng Ấn Độ thọ 1072 tuổi

    Bí ẩn cao tăng Ấn Độ thọ 1072 tuổi

x