“Thử” thả nổi giá điện từ 1/7 tới
– Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng khẳng định, thị trường phát điện cạnh tranh sẽ được thí điểm từ 1/7/2011 đến cuối năm 2011 và sang đầu năm 2012 thị trường này sẽ đi vào vận hành chính thức.
Tại Hội nghị triển khai thị trường phát điện cạnh tranh ngày 18/5, lãnh đạo Bộ Công thương cho biết, theo kế hoạch, thị trường phát điện cạnh tranh sẽ được thí điểm từ 1/7/2011, đến cuối năm 2011 và đến đầu năm 2012 thị trường này sẽ chính thức vận hành, kéo dài đến hết năm 2014.
Riêng thị trường bán buôn điện cạnh tranh sẽ thực hiện trong giai đoạn 2015 – 2022. Hình thức này là các công ty phân phối độc lập cạnh tranh, mua điện trực tiếp từ các đơn vị phát điện hoặc qua thị trường và ngược lại, các đơn vị phát điện cũng cạnh tranh để bán điện cho các đơn vị mua buôn. Các đơn vị bán buôn cạnh tranh để bán điện cho các đơn vị phân phối và các khách hàng lớn.
Thị trường bán lẻ điện cạnh tranh sẽ thực hiện trong giai đoạn từ 2022 trở đi. Khi đó, khách hàng sử dụng điện trên toàn quốc có quyền lựa chọn đơn vị cung cấp điện cho mình hoặc mua điện từ thị trường.
Chia sẻ trong Hội nghị, ông Trần Tuệ Quang, Trưởng phòng Giá phí, Cục Điều tiết Điện lực cho biết, cơ chế giá bán điện hiện tại không tách được chi phí sản xuất kinh doanh theo các khâu nên không thu hút đầu tư. Cụ thể, giá bán lẻ bình quân hiện thấp hơn thực tế tới 5,9 cent cho mỗi kWh.
Do vậy, khi giá điện vận hành theo cơ chế thị trường, 4 khâu cơ bản như phát điện, truyền tải, dịch vụ phụ trợ và phân phối bán lẻ sẽ được tách ra độc lập. Giá điện theo đó sẽ được điều chỉnh dựa theo biến động của các thông số đầu vào như tỷ giá, giá nhiên liệu và cơ cấu sản lượng điện phát.
Cách tính giá theo bậc thang, 50 kWh đầu tiên được trợ giá, tương đương với khoảng 30.000 đồng mỗi tháng, áp dụng cho các hộ nghèo. Đồng thời tiến tới xây dựng quỹ bình ổn giá điện bằng cách khi các thông số biến động không lớn sẽ trích một phần trong chi phí sản xuất kinh doanh đưa vào quỹ.
Theo kế hoạch Chính phủ đã duyệt, thời gian tối thiểu giữa hai lần điều chỉnh giá bán điện là 3 tháng. Hàng tháng, EVN sẽ theo dõi sự sai lệch các thông số đầu vào cơ bản của khâu phát điện để tính toán được mức độ tăng hoặc giảm chi phí phát điện làm cơ sở điều chỉnh giá bán điện.
Khi giá bán điện bình quân tính toán giảm từ 5% trở lên so với giá bán điện hiện hành, EVN sẽ thực hiện điều chỉnh giảm giá bán điện ở mức bằng giá bán điện bình quân và báo cáo cho Liên bộ Tài chính – Công Thương biết. Ngược lại, khi chi phí đầu vào tăng trên 5%, EVN sẽ đề xuất với Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương phương án tăng giá tương ứng.
Châu Hải Băng