Liên tục nghỉ lễ dài ngày: Lấy đâu ra cạnh tranh, tăng trưởng?
Nghỉ lễ quá dài không những ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của khối doanh nghiệp nói chung mà còn ảnh hưởng tới năng suất lao động, tăng trưởng kinh tế.
Vừa trải qua kỳ nghỉ Tết Nguyên đán dài 9 ngày, nhưng theo thông báo chính thức từ Bộ Lao động Thương binh & xã hội, dịp nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương 10/3 Âm lịch và chiến thắng 30/4 và Quốc tế lao động 1/5 năm nay người lao động sẽ được hoán đổi ngày làm việc nên tổng cộng số ngày nghỉ kéo dài tới 6 ngày, từ ngày 28/4 đến 3/5. Trong khi người lao động tỏ ra thích thú, thì với nhiều ông chủ doanh nghiệp lịch nghỉ lễ quá dày và dài ngày khiến họ … méo mặt.
Chia sẻ với Infonet về quyết định này, ông Nguyễn Minh Anh – Trưởng Văn phòng Luật sư Trí Minh (đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) lại có nhận định riêng, việc bố trí nghỉ lễ 6 ngày, ngay sau đợt nghỉ Tết kéo dài 9 ngày vừa kết thúc trước đó không lâu liệu có hợp lý, hợp Luật lao động? Theo quy định Bộ Luật lao động lao động, Tết Nguyên đán người lao động sẽ được nghỉ 1 ngày cuối cùng của năm và 3 ngày đầu năm mới. Trong trường hợp trùng với ngày thứ 7, Chủ nhật thì được nghỉ bù sang ngày tiếp theo… Nhưng 2 năm gần đây các đợt nghỉ Tết Nguyên đán đều kéo rất dài, Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 là 11 ngày và năm nay – Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 là 9 ngày. Rồi tới đợt nghỉ Giỗ tổ Hùng Vương 10/3 Âm lịch, dịp lễ 30/4 và 1/5 tới lại được hoán đổi ngày làm việc để được nghỉ gộp thành 6 ngày … “Hoán đổi ngày để người lao động được nghỉ gộp, dài ngày hơn, nhưng xét ở khía cạnh luật cũng như ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp thì lại rất lớn”- luật sư Minh Anh nói. Tuy thừa nhận nghỉ lễ dài ngày có ý nghĩa tích cực khi tạo đà tâm lý thoải mái cho người lao động nhưng sau mỗi đợt nghỉ dài ngày tâm lý trước và sau kỳ nghỉ cũng đều khiến người lao động mất thêm thời gian để thích ứng lại với công việc. “Trước kỳ nghỉ ai cũng nôn nóng chuẩn bị sẵn tâm lý được nghỉ nên làm việc có phần chểnh mảng. Rồi sau những ngày nghỉ dài đi làm trở lại, tâm lý người lao động bao giờ cũng chưa “khớp” công việc ngay, nên chắc chắn sẽ lại mất thêm 1-2 ngày hiệu suất lao động mới trở lại như thường lệ”- ông phân tích. Chưa kể, khi Việt Nam đã hội nhập WTO, và tới đây là TPP, đồng nghĩa hàng hóa, dịch vụ cũng sẽ phải đáp ứng nhu cầu thế giới. Nếu chúng ta cứ tiếp tục duy trì lịch nghỉ lễ, Tết quá dài ngày, trong khi thế giới “chạy” thì chúng ta lại “đứng im”. Hệ quả là công việc ùn tắc, năng suất lao động giảm. “Vô hình chung, chúng ta đã tự cô lập mình trong những ngày này so với thế giới” – luật sư Minh Anh nói thêm. Nói về quyết định này, giám đốc một doanh nghiệp sản xuất da giày tại Hải Phòng thở dài, đợt nghỉ Tết Nguyên đán 9 ngày vừa qua khiến công ty ông bị đối tác phạt chậm giao hàng, nên đợt nghỉ lễ tới doanh nghiệp chỉ cho người lao động nghỉ 3 ngày (Giỗ tổ Hùng vương, ngày 30/4 và 1/5), những ngày còn lại người lao động làm việc bình thường. “Kinh doanh ngày càng khó khăn, lời lãi chẳng bao nhiêu mà nếu giao hàng chậm 1 ngày, doanh nghiệp bị phạt 5-10% hợp đồng thì còn gì nữa. Thế nên, chúng tôi chỉ có thể bố trí cho công nhân nghỉ 3 ngày, còn lại vẫn hoạt động sản xuất bình thường để kịp tiến độ giao hàng cho đối tác Đài Loan”- vị giám đốc này nói. Cũng theo ý kiến của luật sư Minh Anh, đợt nghỉ lễ sắp tới ông cũng cho phép cán bộ văn phòng luật của mình nghỉ theo quy định, nhưng đây là việc “cực chẳng đã”. Khi doanh nghiệp, cơ quan quản lý Nhà nước được nghỉ tới 6 ngày thì các công việc liên quan đến giấy tờ, thủ tục hành chính… của các đối tượng doanh nghiệp đều sẽ bị ảnh hưởng. Đơn cử, nếu là doanh nghiệp xuất nhập khẩu kiểu gì thủ tục giấy tờ xuất nhập khẩu hàng hóa cũng liên quan tới cán bộ hải quan, khi họ nghỉ lễ thì tất nhiên khâu này cũng sẽ bị ách lại. Hay như hoạt động của văn phòng luật gắn liền với các cơ quan hành chính, cấp giấy phép… nếu các bộ phận cán bộ của cơ quan Nhà nước nghỉ lễ thì công việc cũng chẳng giải quyết được. Về khía cạnh kinh tế, luật sư Minh Anh dẫn số liệu từ nước láng giềng Trung Quốc, cho thấy kỳ nghỉ Tết Nguyên đán làm đất nước này “mất đứt” 25% GDP trong quý I. “Có thể tác động tới GDP của Việt Nam không lớn như nước láng giềng, nhưng chắc chắn việc nghỉ lễ quá dài cũng sẽ ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế của đất nước”- ông nêu quan điểm. Đồng tình với quan điểm này, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận, nghỉ lễ, Tết quá dài ngày sẽ tác động không nhỏ tới hiệu suất lao động, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, kéo theo thiệt hại về GDP. Dù doanh nghiệp sẽ phải lên kế hoạch cho các đợt nghỉ lễ, Tết dài ngày, nhưng riêng số tiền lương phải trả thêm cho người lao động (theo quy định 200-300% lương nếu làm vào ngày nghỉ, lễ…) sẽ làm tăng chi phí lao động, chi phí lương thưởng của doanh nghiệp… Do đó, Chính phủ trước khi quyết định phải cân nhắc hiệu quả kinh tế xã hội và nên giảm số ngày nghỉ lễ như các nước phương Tây, không nên duy trì ngày nghỉ quá dài mà chỉ nên nghỉ ngắn để không mất thời gian chuẩn bị. Người lao động sau kỳ nghỉ ngắn cũng bắt nhịp với công việc nhanh hơn. Nguyễn Hoài |
Theo Infonet