“Việt Nam đặt mua 6 tàu hộ vệ, tăng số chiến đấu cơ Sukhoi lên 36 chiếc”
(GDVN) – Nếu tình hình căng thẳng do TQ gây ra tiếp tục leo thang, hoạt động tăng cường quân bị của các nước có khả năng gia tăng rủi ro xảy ra xung đột vũ trang.
Trang “Nhật báo Phố Wall” Mỹ ngày 26 tháng 2 đăng bài viết “Các nước láng giềng Trung Quốc tăng cường quân bị” của tác giả Trevor Merce. Theo bài viết, mặc dù Bắc Kinh cố gắng kín tiếng về không khí căng thẳng của khu vực này do tranh chấp lãnh thổ gây ra, nhưng, các nước láng giềng Trung Quốc đang dùng máy bay chiến đấu, tàu ngầm mới và các vũ khí trang bị khác để tiến hành cải cách hiện đại hóa quân đội. Việc tăng cường quân bị này có nghĩa là, mặc dù Bắc Kinh phát động “thế tấn công quyến rũ” về ngoại giao và kinh tế, nhưng rất nhiều quốc gia châu Á vẫn cho rằng, cần thiết tiến hành chuẩn bị tốt cho các cuộc xung đột tiềm tàng giữa họ với Trung Quốc. Tháng 11 năm 2014, tại một hội nghị thượng đỉnh ở Bắc Kinh, Trung Quốc đã thể hiện tư thế “hòa giải” hơn. Trong đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tổ chức cuộc hội đàm mặt đối mặt lần đầu tiên kể từ năm 2012 đến nay (tuy nhiên, thái độ của ông Tập Cận Bình rất lạnh nhạt).
Trước đó, Trung Quốc thừa nhận đầu tư vài tỷ USD vào các cảng và hạ tầng cơ sở ở khu vực, điều này có thể đem lại “lợi ích tiềm ẩn” cho các nước láng giềng. Rất nhiều quốc gia châu Á đang tham gia các dự án này hoặc nhận được viện trợ khác từ Trung Quốc. Nhưng, nguyên nhân căn bản gây ra tình hình căng thẳng khu vực hoàn toàn không mất đi.
Vào nửa năm trước, tàu thuyền Việt Nam và Trung Quốc xảy ra va chạm ở Biển Đông, nguồn gốc là Trung Quốc “tiến hành hoạt động khoan thăm dò dầu mỏ ở đó” (thực chất là Trung Quốc hạ đặt bất hợp pháp giàn khoan và điều lực lượng tàu quân sự, bán quân sự quy mô lớn vào vùng biển chủ quyền của Việt Nam, tiến hành uy hiếp vũ lực đối với Việt Nam). Vài tháng trước, Quân đội Ấn Độ và Trung Quốc xảy ra đối đầu ở khu vực biên giới “có tranh chấp” giữa hai nước ở dãy núi Himalayas. Theo bài báo, Việt Nam gần đây đã tiếp nhận tàu ngầm thứ 3 từ Nga. Việt Nam đã đặt mua tổng cộng 6 tàu ngầm mới của Nga, tổng giá trị khoảng 2 tỷ USD – đối với một quốc gia chưa từng sở hữu tàu ngầm, việc làm này có ý nghĩa quan trọng. Việt Nam cũng đã đặt mua 6 tàu hộ vệ của Nga, đồng thời đang tăng số lượng máy bay chiến đấu Sukhoi lên 36 chiếc. Một “nước nhỏ” như Việt Nam hoàn toàn không trông chờ có thể “gây ra thách thức nghiêm trọng” đối với thực lực quân sự của Trung Quốc, nhưng họ hy vọng làm như vậy có thể để Trung Quốc phải suy nghĩ kỹ trước khi hành động nếu Trung Quốc gây sức ép đối với “nước nhỏ” trong vấn đề lãnh thổ (tức là nếu Trung Quốc vẫn cố tình tiếp tục bành trướng, xâm lược). Dẫn vấn đề bãi cạn Scarborough – khu vực Trung Quốc đã cưỡng chiếm từ tay Philippines vào năm 2012, một quan chức Bộ Quốc phòng Philippines cho biết: “Ở mức độ tối thiểu, chúng tôi phải giảm khả năng Trung Quốc triển khai hành động mà không bị trừng phạt”. Bài báo dẫn người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam tuyên bố, kế hoạch của Quân đội Việt Nam hoàn toàn không đặc biệt nhằm vào Trung Quốc. Người phát ngôn này nói: “Đối với tất cả các nước trên thế giới, mua sắm trang bị quốc phòng là một hành vi bình thường”.
Các quốc gia có trang bị quân sự tốt hơn (chẳng hạn Ấn Độ và Nhật Bản) hy vọng Trung Quốc tôn trọng họ, coi họ là đối thủ bình đẳng về quân sự. Ấn Độ đang thành lập một lực lượng miền núi mới dùng để triển khai ở khu vực biên giới Himalayas. Họ cũng đang thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm bắn trên 3.000 dặm Anh, tên lửa này có thể trực tiếp tấn công lãnh thổ Trung Quốc. Tháng 1 năm 2015, Ấn Độ lần đầu tiên dùng thiết bị bán di động đã bắn thử một quả tên lửa như vậy ở một hòn đảo khu vực lân cận bờ biển phía đông bắc. Tokyo đang thành lập đơn vị tác chiến đổ bộ đầu tiên để bảo vệ các hòn đảo ở biển Hoa Đông – nơi mà Trung Quốc khăng khăng cho là có tranh chấp nhóm đảo Senkaku). Nhật Bản cũng sẽ mua sắm 42 máy bay chiến đấu tàng hình F-35 Lightning II. Trong năm tài khóa mới, ngân sách quốc phòng của Nhật Bản đã tăng 2%. Trong chi tiêu quân sự, Trung Quốc tiếp tục vượt các nước láng giềng của họ – trong 20 năm qua, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc hàng năm tăng trưởng khoảng 10%. Mỹ khuyến khích các đồng minh châu Á của họ (nhất là Nhật Bản) tăng cường thực lực quân sự. Điều này không chỉ có thể giảm sức ép cho bản thân Washington, mà còn có thể mở cửa thị trường xuất khẩu cho vũ khí Mỹ.
Tháng 1 năm nay, khi Tổng thống Mỹ Obama thăm New Delhi, Ấn Độ đã trưng bày trước mắt ông các trang bị do Mỹ chế tạo, bao gồm máy bay săn ngầm P-8I do Công ty Boeing sản xuất và máy bay vận tải C-130J do Công ty Lockheed Martin sản xuất – điều này có thể giúp Ấn Độ điều động nhanh chóng lực lượng và trang bị tới khu vực biên giới Himalayas. Cùng với Washington và Hà Nội cải thiện quan hệ ngoại giao, Việt Nam cũng hứa hẹn nhận được máy bay trinh sát và các hệ thống vũ khí khác do Mỹ sản xuất – bài báo nhận định. Tháng 10 năm 2014, Mỹ đã hủy bỏ một phần cấm vận vũ khí đối với Việt Nam vốn đã áp dụng từ lâu. Tuy nhiên, mặc dù trang bị của quân đội Việt Nam trở nên hoàn hảo hơn, họ cũng không có nhiều khả năng chặn được bất cứ hành động nào của Bắc Kinh trong tương lai – bài báo đưa ra quan điểm riêng của họ, song “quả quýt dày có móng tay nhọn”. Tim Huxley – giám đốc điều hành Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) tại châu Á cho rằng, kế hoạch hiện đại hóa quân đội của Việt Nam làm cho Trung Quốc “cảm thấy bất an”. Nhưng, giáo sư chính trị học Trương Bảo Huy, Đại học Lĩnh Nam Hồng Kông cho rằng, Trung Quốc “đầy tự tin về ưu thế quân sự” trước Việt Nam. Ông ta (huênh hoang) nói: “Nước yếu tăng cường quân bị sẽ không tạo ra tác động quá lớn đối với nước mạnh”.
Mặc dù bị các nước láng giềng ở Biển Đông phản đối, Trung Quốc vẫn lấn biển, xây dựng (bất hợp pháp) căn cứ mới ở “vùng biển tranh chấp”. Quan chức Philippines gần đây cho rằng, Trung Quốc đã lấn biển, xây đảo (bất hợp pháp) ở đá Chữ Thập – quần đảo Trường Sa (của Việt Nam), một hòn đảo mới có thể xây đường băng lớn đã “hoàn thành 50%”. Theo bài báo, Việt Nam cho biết sẽ giữ cảnh giác đối với hoạt động của Trung Quốc ở “vùng biển tranh chấp”, đồng thời gia nhập và “hàng ngũ” của Manila cùng phê phán kế hoạch lấn biển xây đảo (phi pháp) của Trung Quốc. Phó thủ tướng Việt Nam Phạm Bình Minh cuối tháng 1 vừa qua đã đến thăm Manila, thảo luận quan hệ an ninh của hai nước, phần nào là để ngăn chặn Trung Quốc bành trướng tại khu vực này. Trung Quốc luôn ngang nhiên cho rằng họ có “chủ quyền không tranh cãi” đối với quần đảo Trường Sa và vùng biển phụ cận. Bộ Quốc phòng Trung Quốc vì vậy cũng ngang nhiên cho rằng, “hoạt động xây dựng và bảo vệ liên quan của Chính phủ Trung Quốc ở các đảo đá Trường Sa là quyền lợi hợp pháp của Trung Quốc. (Nhưng thực tế là, trước đây Trung Quốc đã ăn cướp bằng vũ lực các đảo đá này thì Trung Quốc làm gì có chủ quyền hợp pháp đối với nó và mọi hành động liên quan của Trung Quốc cũng là phi pháp mà thôi. Chính việc hạ đặt bất hợp pháp giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 ở vùng biển chủ quyền của Việt Nam và hoạt động xây dựng phi pháp đảo nhân tạo cùng các hoạt động khác liên quan của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã phá hoại DOC, ngăn cản tiến tới COC, đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định khu vực).
Theo bài báo, từ lâu, Trung Quốc luôn tiến hành biện hộ cho hoạt động hiện đại hóa quân đội của họ, cho rằng đây là điều “bình thường”. Nhưng, Bắc Kinh lại (thường xuyên, liên tục) phê phán Nhật Bản nới lỏng hạn chế đối với Lực lượng Phòng vệ, nói rằng Tokyo “rắp tâm bịa ra thuyết về mối đe dọa Trung Quốc”. Năm 2013, sau khi Nhật Bản khởi động chế tạo chiếc tàu sân bay trực thăng thứ 2, Trung Quốc cho biết họ “cảm thấy lo ngại đối với việc mở rộng liên tục của trang bị quân sự Nhật Bản” (Đây là tư tưởng hẹp hòi, muốn mình phát triển mọi mặt, nhưng lại ra sức ngăn cản người khác phát triển. Thực chất, Trung Quốc làm như vậy là luôn có ý đồ, nhất là khi họ có tư tưởng bành trướng kiểu ăn cướp như “đường lưỡi bò”). Theo thống kê của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm Thụy Điển, năm 2013 chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc gấp 5 lần 10 nước Đông Nam Á cộng lại. Đối tượng đầu tư của họ gồm có máy bay tàng hình, tàu sân bay và các hệ thống vũ khí mũi nhọn khác (thực tế này cùng với các hoạt động triển khai cụ thể cần chú ý cảnh giác, đề phòng, nhất là việc bố trí vũ khí trang bị hiện đại ở Biển Đông). Đồng thời, các nước láng giềng của Trung Quốc cũng đang tăng cường quân bị. Philippines đã đặt mua 12 máy bay chiến đấu của Hàn Quốc, trị giá khoảng 410 triệu USD. 2 năm tới, Philippines còn cấp phát 1,8 tỷ USD mua “phần cứng quân sự”, trong đó có tàu hộ vệ hải quân. Malaysia cũng có ý định mua sắm máy bay chiến đấu mới. Gần đây, họ đã nhận được 2 chiếc tàu ngầm mua của Pháp, trị giá khoảng 2,2 tỷ USD.
Indonesia có kế hoạch triển khai tàu ngầm mua mới của Hàn Quốc và máy bay trực thăng vũ trang Apache mua của Mỹ ở khu vực lân cận các hòn đảo Biển Đông. Đương nhiên, các nước châu Á tới tấp gia tăng chi tiêu quốc phòng, Trung Quốc hoàn toàn không phải là nguyên nhân duy nhất. Đặc biệt là ở Đông Nam Á, các nước ở đó từ lâu có thực lực quân sự tương đối yếu, cần mua trang bị mới để duy trì sức mạnh quân sự. Rất nhiều quốc gia trong số đó còn có đối thủ của mình. Nhưng, nói chung, nếu tình hình căng thẳng tiếp tục leo thang, hoạt động tăng cường quân bị của các nước có khả năng gia tăng rủi ro xảy ra xung đột vũ trang. Một số chuyên gia cho rằng, đối với Bắc Kinh, các nước khác tăng cường quân bị cuối cùng có khả năng làm thay đổi tính toán chiến lược của họ, làm cho Bắc Kinh sẵn sàng hơn với việc thông qua đàm phán để giải quyết tranh chấp. Giáo sư chính trị học Richard Javad Heydarian thuộc Đại học De La Salle ở Manila cho rằng: “Tình hình đối mặt không mong muốn nhất của Trung Quốc là sự bao vây của các quân đội được hiện đại hóa trang bị, có năng lực hàng đầu”. Richard Javad Heydarian chỉ ra, cùng với việc các nước láng giềng của Trung Quốc tích cực nâng cấp trang bị quân sự, “Trung Quốc chắc chắn sẽ đối mặt với rủi ro lớn hơn, đối mặt với sự leo thang xung đột và sự chống cự không hề mong muốn”.
|
Theo Báo Giáo dục Việt Nam