Cô gái kỳ lạ luôn miệng khẳng định mình đến từ thời Ai Cập cổ đại
Sau cú ngã ‘chí tử’ năm 3 tuổi, Dorothy Eady Louise, một cô gái sống tại London, nước Anh luôn miệng khẳng định mình đến từ Ai Cập cổ đại và Pharaoh Seti I trị vì trong khoảng 1291-1278 TCN đã yêu và có con với cô.
Giống như bao đứa trẻ khác, khi còn nhỏ Dorothy Eady Louise, sinh năm 1904, sống tại một thị trấn ven biển thuộc London, Anh cũng rất nghịch ngợm. Vào năm lên 3 tuổi, trong một lần chạy xuống cầu thang, Dorothy đã bị trượt chân và ngã té xuống sàn nhà. Cú ngã nghiêm trọng tới nỗi cô bé được xác định là không thể qua khỏi. Tuy nhiên, vào những giây phút cuối của cuộc đời, điều kỳ diệu đã xảy ra: Dorothy bỗng dưng tỉnh dậy. Cả gia đình vui mừng khôn xiết nhưng niềm vui không kéo dài được bao lâu bởi cô bé thường xuyên có những hành động kỳ lạ như: từ chối hát Thánh ca, hay đưa ra so sánh giữa Kitô Giáo với Ai Cập cổ đại..
4 năm sau, trong một chuyến đi chơi tới Bảo tàng Anh, Dorothy đã chăm chú ngồi ngắm xác ướp rất lâu thậm chí hôn chân xác ướp và nhất quyết không về nhà với bố mẹ. Cô bé chỉ vào một bức tranh và nói “Đó là nhà của tôi”. Cô bé nói mình đến từ Ai Cập cổ đại và mong muốn được quay về ngôi nhà thật sự của mình.
Cuối cùng cô đến Cairo kết hôn với một người đàn ông ở đây và sinh con. Tuy nhiên, hôn nhân không kéo dài do cô thường xuyên rơi vào trạng thái thôi miên và viết nguệch ngoạc chữ tượng hình. Bản viết của Dorothy kéo dài tới 70 trang mà nội dung trong đó kể về cuộc sống từ kiếp trước của mình.
Trong bản viết, Dorothy miêu tả mình được sinh ra ở Ai cập cổ đại với tên gọi Bentreshyt và lớn lên như một nữ tu sĩ tại Đền Kom El Sultan. Vào năm 14 tuổi, Pharaông Seti I trị vì trong khoảng 1291-1278 TCN đã yêu và có con với cô. Tuy nhiên, vì lời thề giữ gìn trinh tiết của tu sĩ, Bentreshyt đã tự sát để ngăn không cho Seti bị liên lụy.
Ban đầu, mọi người cho rằng Dorothy là một kẻ điên. Tuy nhiên, sau đó tất cả đã bị thuyết phục khi Dorothy sử dụng ký ức từ tiền kiếp để chỉ ra vị trí trước đây của đền Garden, mà nhờ đó các nhà khảo cổ đã xác định chính xác vị trí của ngôi đền này. Cô cũng tiết lộ trong ngôi đền có một lối đi bí mật ở phía bắc và dưới nó là một hầm thư viện với những ghi chép liên quan tôn giáo và lịch sử.
Sau này khi về già, Omm Seti (cái tên thể hiện sự kính trọng mọi người dành cho bà) sống tại đền thờ ở Abydos thuộc một ngôi làng nhỏ và qua đời vào năm 1981 trong sự tiếc nuối của nhiều người.
Cho tới nay, câu chuyện của Omm Seti vẫn là một bí ẩn đối với thế giới.
Theo DV