Phạm Nhật Vượng rớt hạng trong danh sách tỷ phú của Forbes
Theo ghi nhận của Forbes, ông Phạm Nhật Vượng là tỷ phú USD duy nhất của Việt Nam, với khối tài sản 1,7 tỷ USD…
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Tạp chí Forbes vừa công bố xếp hạng thường niên tỷ phú thế giới. Năm nay, ông chủ Vingroup Phạm Nhật Vượng tiếp tục được Forbes công nhận là người giàu nhất Việt Nam, nhưng vị trí của ông trong xếp hạng giảm 26 bậc so với năm 2014.
Bất chấp sự lao dốc của giá dầu và sự suy yếu của đồng Euro, hàng ngũ những người giàu nhất thế giới đã vượt qua một năm kinh tế nhiều sóng gió và gia tăng giá trị tài sản. Trong xếp hạng thường niên tỷ phú thế giới của Forbes, tạp chí này xác định được có tất cả 1.826 tỷ phú với tổng giá trị tài sản ròng 7,05 nghìn tỷ USD, cao hơn mức 6,4 nghìn tỷ USD của năm ngoái. Năm qua, thế giới sản sinh được thêm 290 tỷ phú mới, trong đó có 71 người đến từ Trung Quốc. Bên cạnh đó, số tỷ phú dưới 40 tuổi là 46 người, nhiều chưa từng có từ trước đến nay. Tính trung bình, mỗi tỷ phú trong danh sách sở hữu số tài sản 3,86 tỷ USD, giảm 60 triệu USD so với năm 2014. Tỷ phú công nghệ Mỹ Bill Gates tiếp tục là người giàu nhất hành tinh, danh hiệu mà ông đã nắm giữ trong 16/21 năm qua. Các vị trí tiếp theo trong top 5 của xếp hạng là “đại gia” viễn thông người Mexico Carlos Slim, nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett của Mỹ, tỷ phú ngành thời trang Tây Ban Nha Amancio Ortega, và nhà sáng lập hãng phần mềm Mỹ Oracle Larry Ellison. Tỷ phú trẻ Mark Zuckerberg, nhà sáng lập mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook, tăng 5 bậc lên vị trí thứ 16, đánh dấu lần đầu tiên anh lọt vào nhóm 20 người giàu nhất thế giới. Tỷ phú Jack Ma của “đế chế” thương mại điện tử Trung Quốc nằm trong nhóm những người có tài sản gia tăng mạnh nhất và xuất hiện trong top 50 người giàu nhất. Danh hiệu tỷ phú trẻ nhất thế giới năm nay thuộc về Evan Spiegel, 24 tuổi, đồng sáng lập ứng dụng chia sẻ ảnh SnapChat. Với Thung lũng Silicon nổi tiếng của thế giới công nghệ, tiểu bang California của Mỹ đóng góp tới 23 tỷ phú mới trong danh sách năm nay của Forbes, trong đó có nhà đồng sáng lập ứng dụng taxi kiểu mới Uber Travis Kalanick. Bang này hiện có tới 131 cá nhân sở hữu tài sản 10 con số, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới trừ Trung Quốc và Mỹ. Tỷ phú mất nhiều tiền nhất năm qua là Aliko Dangote người Nigeria. Giá trị tài sản ròng của “đại gia” xi măng này giảm còn 14,7 tỷ USD từ 25 tỷ USD trong xếp hạng năm ngoái do đồng tiền Nigeria mất giá mạnh và nhu cầu xi măng suy giảm. Tuy vậy, Dangote vẫn là người giàu nhất châu Phi. “Danh hiệu” nước mất nhiều tỷ phú năm qua thuộc về Nga. Xứ bạch dương hiện có 88 tỷ phú từ mức 111 tỷ phú trong xếp hạng năm ngoái. Hiện số tỷ phú của Nga ít hơn cả Mỹ, Trung Quốc, Đức, và Ấn Độ. Năm qua cũng chứng kiến 38 người trở thành cựu tỷ phú, bao gồm nhà thiết kế thời trang người Mỹ Michael Kors và cựu Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko. Trong xếp hạng tỷ phú năm nay của Forbes, có tới 1.191 tỷ phú tự mình làm ra tài sản, chỉ có 230 người được thừa kế. Có 405 người được thừa kế một phần tài sản, nhưng đã làm việc để gia tăng số tài sản đó. Theo ghi nhận của Forbes, ông Phạm Nhật Vượng là tỷ phú USD duy nhất của Việt Nam, với khối tài sản 1,7 tỷ USD, tăng so với mức 1,6 tỷ USD của năm ngoái. Năm nay là năm thứ ba liên tiếp ông Vượng có tên trong danh sách này. Với mức tài sản trên, ông Phạm Nhật Vượng – nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Vingroup – hiện là người giàu thứ 1.118 trên thế giới, so với vị trí 1.092 của năm ngoái. Theo Forbes, năm qua, ông Vượng đã thực hiện hàng chục dự án mới, trong đó nổi bật nhất là dự án Vinhomes Central Park trị giá 1,5 tỷ USD bao gồm một tòa nhà 81 tầng dự kiến là tòa nhà cao nhất Việt Nam. Năm 2013, ông Vượng được Forbes xác định có 1,5 tỷ USD, đứng thứ vị trí 974 trong danh sách tỷ phú thế giới. |
Theo VnEconomy