Bí ẩn mẩu xương người hóa thạch ở Trung Quốc
Trong nhiều năm, các nhà sinh học tiến hóa đã dự đoán rằng khi tiến hành những nghiên cứu sâu hơn các mẫu xương hóa thạch được tìm thấy ở châu Á, chúng ta sẽ tìm ra những bằng chứng về chủng người mới xuất hiện ở đây. Phân tích gần đây của các nhà khoa học đã cho thấy tiên đoán trên là sự thật.
/
Năm 1979 tại hang động Longlin, Quảng Tây, một hộp sọ đặc biệt đã được khai quật nhưng chỉ mới gần đây mới được phân tích đầy đủ. Theo New Scientist, hộp sọ này có xương dày, xương trán nhô lên, mặt ngắn và thiếu phần cằm điển hình của con người. Phó Giáo sư Darren Curnoe, giám đốc Phòng thí nghiệm Sinh học tiến hóa con người trong Khoa Sinh học, Trái đất và Môi trường tại Đại học New South Wales cho biết: “Về mặt giải phẫu học, đây là hộp sọ độc nhất trong số những hộp sọ thuộc cây tiến hóa của nhân loại”. Hộp sọ này không có những đặc điểm giống như những hộp sọ của tổ tiên chúng ta được tìm thấy hàng trăm ngàn năm trước đây và có một vài đặc điểm tương tự với hộp sọ của người hiện đại. Phó giáo sư Curnoe và nhà khảo cổ học Ji Xueping, thuộc Đại học Vân Nam, Trung Quốc cũng tiết lộ thêm rằng họ cũng đã tiến hành nghiên cứu những hóa thạch được tìm thấy trong một hang động khác thuộc tỉnh Vân Nam và hi vọng sẽ tìm được nhiều bằng chứng hơn về chủng người mới ở châu Á. Curnoe cho rằng chủng người này có thể liên quan tới các thành viên sớm nhất trong phả hệ loài người (homo sapiens), đã phát triển ở châu Phi khoảng 200.000 năm trước đây và sau đó là khắp châu Á. Một số mẫu hóa thạch ở hang động này đã được gửi tới ba phòng thí nghiệm AND cổ đại lớn nhất thế giới. Kết quả của xét nghiệm này sẽ cho chúng ta biết thêm về lịch sử tiến hóa của loài người. Hà Nguyễn |
Theo VietnamNet