Nga, Trung Quốc hợp lực dùng khí đốt ‘bóp cổ’ Ukraine?
(Quan hệ quốc tế) – Trong 2 ngày 25 và 26-2, Nga liên tiếp ra “tối hậu thư” cho Ukraine về vấn đề nếu không thanh toán tiền trước thì sẽ khóa van khí đốt.
Châu Âu tiếp tục “biếu” Nga hàng tỷ USD khí đốt Donbass nhận khí đốt, dùng đồng Ruble Nga: Lời tạm biệt Kiev?
Ngày 26-2, Tập đoàn năng lượng Nga “Gazprom” cảnh báo Kiev về nguy cơ ngừng cung cấp khí đốt nếu Ukraine không thanh toán đúng thời hạn khoản tiền trả trước để mua “nhiên liệu xanh” của Nga – thông báo trên trang web của “Gazprom” nêu rõ. “Gazprom” lưu ý rằng tình trạng không có tiền trả trước có thể dẫn đến việc ngừng hoàn toàn nguồn cung cấp khí chỉ sau ngày 26-2. Tính cho đến ngày 24-2, Ukraine chỉ còn lại 219 triệu mét khối khí đã thanh toán, nếu không nhanh chóng trả tiền mua thêm, Ukraine sẽ bị cắt khí đốt. Chủ tịch Gazprom Aleksei Miller trong một tuyên bố nói rằng, đến ngày 24/2, Kiev vẫn chưa thực hiện khoản thanh toán khí đốt mới đúng hạn cho Gazprom. Ông Miller cho biết thêm, nếu Ukraine không có khoản trả trước đó, Gazprom sẽ tạm ngưng cung cấp 114 triệu m3 khí sang Ukraine. Trong khi đó, công ty năng lượng Naftogaz của Ukraine thông báo đã thanh toán trước khoản tiền mua 114 triệu m3, song mới chỉ nhận được khoảng 47 triệu m3 khí. Công ty này cho biết đã gửi đơn kiến nghị tới chính phủ Ukraine và Ủy ban châu Âu về việc Gazprom vi phạm hợp đồng đã ký kết. Nếu điều này xảy ra sẽ tạo ra một rủi ro lớn, không chỉ đối với Ukraine mà ảnh hưởng đến nguồn cung khí quá cảnh sang châu Âu thời gian tới. Tháng 10/2014, với sự trợ giúp của Ủy ban châu Âu, Nga đã nối lại việc cung cấp khí đốt cho Ukraine sau 6 tháng bị gián đoạn. Theo thỏa thuận đó, Ukraine cam kết trả các khoản nợ trước đó và sẽ thanh toán trước một phần cho các lô hàng tiếp theo, điều này sẽ đảm bảo việc nguồn cung khí đốt của Nga sang châu Âu qua Ukraine không bị gián đoạn.
Khoản thanh toán của Ukraine chỉ còn đủ cho nguồn cung cho vài ngày tới và nếu Tập đoàn Gazprom của Nga ngừng cung cấp, việc cung cấp khí đốt tới châu Âu, trong đó một nửa được trung chuyển qua Ukraine có thể bị gián đoạn lần thứ 4 trong vòng 1 thập kỉ qua. Năm ngoái, Châu Âu tiếp nhận 147 tỉ mét khối khí đốt của Nga, đáp ứng 1/3 nhu cầu của châu lục này. Trong đó, khoảng 40% nguồn cung cấp được vận chuyển qua Ukraine. Trước động thái này của Moscow, Ủy viên Liên minh châu Âu (EU) phụ trách năng lượng Selcovic cho biết, EU đang cố gắng để sớm tổ chức một cuộc họp với Ukraine và Nga nhằm thảo luận những tranh cãi xung quanh vấn đề chi trả các hóa đơn khí đốt. Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cũng lên tiếng yêu cầu Ukraine phải trả tiền khí đốt Nga cung cấp cho khu vực miền đông Ukraine. Tuyên bố của Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev trên tài khoản Facebook cá nhân đã làm nảy sinh một cuộc tranh cãi khác giữa Moscow và Kiev về vấn đề khí đốt. Trên trang Facebook cá nhân, ông Medvedev nêu rõ rằng, theo những điều khoản trách nhiệm trong hợp đồng hiện tại, Kiev phải trả tiền khí đốt cho Nga. Trong trường hợp Kiev không trả tiền, chính phủ Nga buộc “phải đưa ra quyết định khó khăn”. Ukraine buộc phải vay tiền có điều kiện của Trung Quốc Trước đó, Công ty Naftogaz của Ukraine xác nhận tạm dừng cung cấp khí đốt cho khu vực miền đông với lý do đường ống dẫn khí bị hư hỏng vì giao tranh và sẽ sớm nối lại khi có thể. Bởi vậy, lãnh đạo Donbass đã cử một phái đoàn đến Moscow để đàm phán về vấn đề cung cấp năng lượng cho miền đông.
Bởi vậy, bắt đầu từ ngày 19/2, bên cạnh giao khí đốt cho những khu vực khác của Ukraine, Tập đoàn khí đốt Nga Gazprom bắt đầu cung cấp khí đốt cho khu vực miền đông qua 2 trạm Prokhorovka và Platovo, nằm trên biên giới Nga-Ukraine ở khu vực Lugansk và Donetsk. Tuy nhiên, Naftogaz khăng khăng không trả tiền khí đốt Nga cung cấp cho khu vực miền đông, với khối lượng là 12 triệu mét khối mỗi ngày. Trước thái độ của chính quyền Kiev, Tổng thống Nga V.Putin cho rằng, quyết định ngừng cung cấp khí đốt cho miền đông Ukraine của Kiev là một “tội ác diệt chủng”, làm trầm trọng thêm những thảm họa nhân đạo ở miền đông nước này, trực tiếp đẩy Donbass ngày càng rời xa tầm tay của Kiev. Tổng thống Nga nói rằng Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) cũng đưa ra báo cáo về một thảm họa nhân đạo, nặng nề nhất là nạn đói mà Kiev còn cắt cả nguồn cung cấp khí đốt là quá tệ hại. “Các vị gọi điều này là gì? Thực sự đó là tội ác diệt chủng” – ông Putin kết tội. Tổng thống Nga Putin cho hay, Nga sẽ cắt nguồn cung cấp khí đốt nếu Kiev không thanh toán. Nếu Moscow thực sự cắt nguồn cung cấp khí đốt cho Ukraine điều đó sẽ khiến nhiều khu vực Châu Âu có nguy cơ rơi vào tình trạng bị tê cóng vì không có khí đốt. Kịch bản này đã từng xảy ra trong quá khứ nên không ai còn nghi ngờ sự nghiêm trọng của nó. Trước sức ép cực lớn của Nga và các nước châu Âu, Ukraine đã chạy đôn đáo tìm nguồn viện trợ. Tuy nhiên, các quốc gia châu Âu không nước nào có khả năng cho Kiev vay, các nguồn của IMF và EU không thể một sớm một chiều mà lấy được tiền. Bởi vậy, Kiev đã phải quay sang cầu cứu của Bắc Kinh.
Theo tin mới nhất, Công ty “Naftogaz” của Ukraine đã đạt được thỏa thuận vay của Ngân hàng quốc gia Trung Quốc 3,6 tỷ USD. Cần lưu ý rằng, Ngân hàng quốc gia Trung Quốc đã đồng ý cung cấp cho “Naftogaz” tín dụng dưới sự bảo đảm của chính phủ. Theo thông tin chính thức, khoảng 60% số tiền thuộc khoản vay này là để mua thiết bị Trung Quốc, 40% sẽ được chi tiêu vào việc tăng cường hiệu quả của ngành kỹ thuật cơ khí. Tuy nhiên, việc “Naftogaz” chứ không phải là một doanh nghiệp nào khác vay tiền khiến người ta đặt ra nhiều giả thiết. Có lẽ số tiền này sẽ được sử dụng sai mục đích để trang trải các khoản phí năng lượng mua của Nga, bởi Kiev cần khoảng 5 tỷ mét khối khí để đảm bảo nhu cầu, chi phí cho số nhiên liệu này cũng mất khoảng 2 tỷ USD, cộng thêm tiền trả khí đốt cho Donbass. Số còn lại chắc đủ để Kiev… đi chợ vũ khí. Như vậy là Ukraine vừa phải vay tiền của Trung Quốc để trả tiền khí đốt cho Nga, không những phục vụ cho nhu cầu của mình mà còn phải trả cho cả Donbass, đồng thời còn phải chịu những điều kiện của Trung Quốc mà không biết đến bao giờ mới thực hiện được. Bộ Năng lượng Nga đang chờ “Naftogaz” thanh toán trước để mua khí đốt trong khuôn khổ thỏa thuận Brussels. Gazprom cũng đánh tín hiệu đồng ý giảm giá khí đốt cho Kiev cho đợt tiếp theo nếu Kiev trả nợ đợt này đúng hạn. Vì vậy, khoản vay của Trung Quốc đã đến quá bất ngờ và đúng lúc! |
Theo Báo Đất Việt