Năm hành động vì doanh nghiệp
TT – Trao đổi với Tuổi Trẻ nhân dịp đầu năm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – đầu tư (KH-ĐT) Bùi Quang Vinh đề xuất năm 2015 phải là Năm doanh nghiệp (DN) để làm nhiều hơn cho DN, tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh mạnh mẽ hơn nữa. Có như vậy mới tạo niềm tin để DN, người dân bỏ tiền kinh doanh.
Ông Vinh nói: – Năm 2014, Quốc hội đã thông qua Luật đầu tư và Luật DN sửa đổi. Đó là hai luật quan trọng, được làm trên tinh thần hội nhập, tạo điều kiện thông thoáng nhất, cởi trói, giảm chi phí tiếp cận thị trường xuống mức nhỏ nhất. Chỉ với khát vọng đổi mới, chúng ta mới có thể nghĩ ra và áp dụng hai luật này. Tôi tin khi hai luật có hiệu lực sẽ có làn sóng đầu tư mới. Tất nhiên môi trường kinh doanh còn phụ thuộc vào nhiều cái khác nên tôi cho rằng đổi mới thể chế kinh tế ở VN phải làm liên tục.
* Thực tế vừa qua, nhiều luật tư tưởng rất cởi mở nhưng đến nghị định, thông tư thì siết lại, thậm chí có văn bản cuối cùng đã… ngược lại luật dẫn đến hành DN. Bộ trưởng sẽ kiểm soát việc này như thế nào? – Đúng là có tình trạng này do ban soạn thảo luật và nghị định có khi lại là hai cơ quan khác nhau, nên tạo khung pháp lý đầu voi đuôi chuột. Song chuyện quan trọng hơn là VN đang phải đối mặt với những người thực thi công vụ không có tâm, vì lợi ích cá nhân hay cái gì đó, rồi lợi dụng kẽ hở để hành DN. Đây là tàn dư của tư duy xem những người trong bộ máy là quản lý, nghĩa là tôi có quyền yêu cầu ra lệnh anh. Trong đổi mới bộ máy tới đây sẽ phải chuyển bộ máy từ quản lý sang phục vụ. Những người thực thi công vụ phải tự hỏi ai nộp tiền nuôi anh? DN, người dân đóng thuế nên bộ máy phải tạo điều kiện để họ nộp được nhiều thuế. Do đó việc đánh giá cũng phải theo sự hài lòng của người dân, chứ không phải anh đã hoàn thành cái gì, đã quản được cái gì. * Tư tưởng coi DN như “bò sữa” vẫn khá phổ biến. Hiện rất nhiều cơ quan có quyền kiểm tra DN. Có DN một tháng phải tiếp bốn đoàn… Điều này, theo ông, có thể giải quyết được không? – Phải phân hai loại. Kiểm tra nghiêm túc rất cần. Cái đáng chê trách là lợi dụng quyền hạn đến thanh tra, kiểm tra rồi vòi vĩnh, phát hiện sai bỏ qua, để sai phạm trầm trọng hơn. Tư tưởng coi DN là “bò sữa” như anh nói không phải hiếm, thậm chí còn nhiều. Đây là điều không chấp nhận được. Năm 2015 có giảm không, tôi chưa thấy cái gì có thể khiến nó giảm. Xu thế xã hội, rồi bộ máy chuyển dần sang phục vụ, cùng chấn chỉnh, đưa được người ưu tú vào bộ máy… mới giảm được. Tôi cũng chỉ hi vọng năm 2015 sẽ giảm. Đó là niềm tin của một bộ trưởng, tôi nghĩ các cơ quan nghe mãi họ cũng hiểu. Dịp tết mà đến thăm DN nhiều quá cũng không tốt…
* Hai năm trước ông từng tuyên bố: đất nước này cần công khai, minh bạch và không được có tham nhũng, bởi vì đó là những thứ làm đất nước “chết” nhanh nhất. Giờ đây nhìn lại, ông thấy hai vấn đề trên có được cải thiện? – Tôi nghĩ đã được cải thiện. Ít nhất các luật mới ban hành đã rất minh bạch, như Luật đấu thầu nói rõ đấu thầu là trọn gói, không có chuyện tăng, xin bổ sung vốn. Thực tế đấu thầu thuốc cũng thấy nay qua cơ chế đấu thầu mới đã giảm 30% giá thuốc cho dân. Đó là xây dựng luật để muốn cũng không tham nhũng được. Những lời tôi đã tuyên bố và việc Bộ KH-ĐT làm hoàn toàn thống nhất với nhau. Chúng tôi đã làm hết mình cho việc minh bạch để không ai có thể gây khó khăn cho dân. Các ngành khác tôi nghĩ họ cũng làm như vậy. Tất nhiên việc thực thi còn cần quá trình. Nếu cứ tiếp tục làm theo hướng này thì tham nhũng, tiêu cực sẽ giảm thiểu. * Năm 2015 luật mới cởi mở, thông thoáng, nhưng nhiều DN cho biết họ chưa thật sự đặt niềm tin, chưa mạnh dạn bỏ vốn ra làm ăn… Bộ trưởng có lời khuyên nào dành cho họ? – Để lấy lại niềm tin đã mất không đơn giản, vì đúng là có thời gian chủ trương hay nhưng làm không như lời hứa. Giờ ta đã có hai luật mới cơ bản về kinh doanh là DN và đầu tư, phải làm sao để nó đi vào cuộc sống. Đó là chặng đường không trơn tru, dễ dàng. Sẽ phải đảm bảo các văn bản hướng dẫn thống nhất với luật. Đặc biệt, bộ máy, những cá nhân gây sự khó khăn phải được chế tài. Phải lập lại kỷ cương thực thi pháp luật ở VN. Khi người ta thấy môi trường cải thiện, người dân sẽ bỏ tiền vào kinh doanh. Nếu những người này làm thuận lợi sẽ lôi kéo người sau. Trước mắt sẽ phải đảm bảo các văn bản hướng dẫn tốt, triển khai tốt thực thi đến cấp tiếp cận người dân, DN… * So sánh các chỉ số của ba khu vực kinh tế: nhà nước, DN FDI (vốn đầu tư nước ngoài) và dân doanh cho thấy khu vực FDI đang phình ra nhanh chóng, trong khi nhóm dân doanh teo tóp dần. Bộ KH – ĐT đã tham mưu cho Chính phủ để vực dậy khu vực dân doanh như thế nào? – Năm 2014 khu vực FDI xuất khẩu chiếm 68% trong tổng 150 tỉ USD xuất khẩu của VN. Đây là điều đáng suy nghĩ. Nhìn từ góc độ thu hút đầu tư nước ngoài thì đây là thành công. Nhưng nhìn ở góc “sức khỏe” nền kinh tế thì đáng trăn trở. DN VN mạnh mới tiếp thu được công nghệ mới của nước ngoài, mới tạo được thương hiệu VN. Có thể sản phẩm Samsung đều ghi “made in VN” nhưng ai cũng nghĩ đó là sản phẩm Hàn Quốc chứ không phải VN. DN VN mạnh mới giúp VN tự chủ kinh tế. Tôi là bộ trưởng Bộ KH-ĐT, được giao thu hút đầu tư nước ngoài, nhìn thành quả thu hút đầu tư được đánh giá cao nhưng trong lòng tôi vẫn thấy chưa làm tốt. Giai đoạn này ta vẫn cần DN FDI để tạo việc làm, ổn định tình hình. Chứ lâu dài phải chăm lo nhiều hơn phát triển DN trong nước, đặc biệt DN tư nhân. DN tư nhân phải thành động lực quan trọng nhất. Nhiều người nói đến tư nhân là e ngại. Cái đó lạc hậu rồi. Nhà nước này của dân, do dân. Dân chúng ta làm lên lịch sử. DN tư nhân là của người dân, tại sao tư nhân không được ưu tiên bằng Nhà nước? Vậy quan điểm của dân, do dân ở đâu? Nếu không phát triển được DN tư nhân, VN không bao giờ có tăng trưởng tốt, có nền kinh tế vững mạnh, tự chủ.
* Ông có thể nói rõ hơn các chính sách hỗ trợ khu vực DN tư nhân thời gian tới? – Chúng tôi đang trình Chính phủ cuối năm 2015 sẽ làm Luật DN nhỏ và vừa, thực chất là DN tư nhân để quy tụ một số chính sách hỗ trợ. Có năm mảng hỗ trợ: Thứ nhất, tạo nền tảng để DN hình thành thuận lợi nhất. Thứ hai, lập trường đào tạo cho doanh nhân. Phòng Thương mại và công nghiệp VN phải làm cái này, chứ không phải sinh ra chỉ đưa DN đi thế giới tham quan đây đó. Không thể để DN cứ “tay không bắt giặc”. Thứ ba là chính sách tín dụng cho DN nhỏ và vừa phải ưu tiên hơn, có quỹ và có hỗ trợ. Thứ tư là tạo thị trường cho họ. Cái này rất quan trọng. Thứ năm là cung cấp thông tin cho họ, hỗ trợ làm thương hiệu. Điều trăn trở nhất của tôi là làm sao tạo môi trường ưu ái nhất cho DN VN. Ta đang làm những cái như vườn ươm DN, vườn ươm tài năng. Tại VN nghe còn xa lạ, nhưng ở các nước họ làm tốt. Nghĩa là người dân chỉ cần có ý tưởng sẽ đến một trung tâm để được hỗ trợ từ tín dụng, trụ sở, phòng thí nghiệm, máy móc, giúp thử nghiệm… Hay Bộ KH-ĐT lập quỹ hỗ trợ DN nhỏ và vừa, năm nay đã cấp 500 tỉ đồng để hỗ trợ DN.
XUÂN TOÀN – CẦM VĂN KÌNH thực hiện
|
Theo Tuổi Trẻ