Chiến dịch nói ‘Không’ với sừng tê giác
Nạn săn trộm và buôn bán sừng tê giác trái phép đang tạo nên một cuộc khủng hoảng cho loài thú quý hiếm này, khi mức độ săn trộm đã tăng vọt 5000% với số lượng tê giác bị giết từ 13 cá thể (năm 2007) lên 668 cá thể (năm 2012).
Tê giác đối mặt với khủng hoảng Sự gia tăng nhu cầu sử dụng sừng tê giác ở châu Á, mà Việt Nam là thị trường chính, trong những năm gần đây là nguyên nhân gây nên nạn săn bắn trộm tê giác tới mức kỷ lục ở một nơi rất xa như Nam Phi. Niềm tin về việc sử dụng sừng tê giác như một thần dược đã đổ thêm dầu vào lửa cho thị trường buôn bán bất hợp pháp và đang đe dọa các thành quả bảo tồn đã đạt được trong nhiều thập kỷ qua. Nguyên nhân khiến tê giác ngày càng dễ bị sát hại là do các tay săn trộm không còn hoạt động đơn lẻ và đã ứng dụng khá hiệu quả công nghệ cao. Các nhóm tội phạm đã tập hợp thành các tổ chức, sử dụng các phương tiện và máy móc công nghệ hiện đại như trực thăng, các thiết bị quan sát trong đêm và thiết bị giảm thanh để thực hiện việc săn bắn con mồi trong đêm. Trong khi đó, không phải quốc gia nào cũng đủ nguồn tài lực để trang bị những thiết bị hiện đại tương tự cho các nhân viên bảo vệ tại các khu bảo tồn thiên nhiên hoang dã. Báo cáo về tình hình buôn bán sừng tê giác bất hợp pháp của TRAFFIC – Mạng lưới theo dõi việc buôn bán các loài hoang dã, đã cho thấy sự yếu kém trong việc tuân thủ quản lý các kho sừng tê giác, các kẽ hở trong chính sách săn bắn thể thao ở Nam Phi và sự gia tăng nhu cầu sử dụng sừng tê giác tại châu Á. Đây chính là những điều kiện lý tưởng cho các mạng lưới tội phạm phức tạp hoạt động dẫn đến việc tê giác bị săn bắn trộm ở khu vực Nam Phi gia tăng chóng mặt. Việt Nam đang làm gì? Nhằm góp phần ngăn chặn cuộc khủng hoảng săn trộm và hỗ trợ những nỗ lực của chính phủ Việt Nam trong việc ngăn chặn nạn vận chuyện, buôn bán và tiêu thụ trái phép sừng tê giác, Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên – Việt Nam (World Wild Found For Nature – WWF) và TRAFFIC đang phát động chiến dịch quốc gia về chống buôn bán trái phép sừng tê giác từ Nam Phi vào Việt Nam và trong nội địa Việt Nam. Thông qua chiến dịch quốc gia, WWF-Việt Nam và TRAFFIC mong muốn đạt được một cam kết chính trị công khai ở cấp độ cao và một kế hoạch hành động từ phía Chính phủ nhằm chấm dứt tình trạng buôn bán bất hợp pháp sừng tê giác tại Việt Nam; giảm tiêu thụ sừng tê giác thông qua nâng cao nhận thức công chúng; và đạt được cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc khởi xướng các hoạt động giảm cầu và đẩy mạnh các hoạt động thực thi pháp luật, kể cả bắt giữ và khởi tố. Chiến dịch nâng cao ý thức về sừng tê giác Nhằm mục đích góp phần bảo vệ và bảo tồn những cá thể tê giác cuối cùng ở Nam Phi, giúp thế giới tránh bài học đau lòng về sự tuyệt chủng của loài tê giác Java một sừng tại tỉnh Lâm Đồng, Việt Nam, fanpage Quà tặng cuộc sống hưởng ứng chiến dịch Nói “Không” với sừng tê giác do tổ chức WWF-Việt Nam và TRAFFIC khởi xướng. Mục tiêu là huy động được 1 triệu like cho bức ảnh này.
Khi like bức ảnh này, cũng có nghĩa bạn đã: 1. Nói không với việc mua bán và tiêu thụ sừng tê giác 2. Tuyên truyền cho bạn bè và gia đình mình về vấn đề này 3. Nếu bạn thấy sừng tê giác bị quảng cáo hoặc buôn bán, hãy thông báo cho cơ quan chức năng địa phương 4. Nếu bạn có bất kỳ ý tưởng gì để nâng cao ý thức của mọi người và bảo vệ được loài tê giác, đừng ngần ngại, hãy liên hệ với chúng tôi. Tham gia chiến dịch cùng chúng tôi tại WWF là tổ chức phi chính phủ lớn nhất thế giới về bảo tồn, với một mạng lưới văn phòng đại diện trên 100 quốc gia và hơn 5 triệu người ủng hộ. TRAFFIC là mạng lưới giám sát buôn bán động thực vật hoang dã, nhằm đảm bảo sự buôn bán các loài không đe dọa tới công việc bảo tồn thiên nhiên. Quà tặng cuộc sống là fanpage lớn hàng đầu tại Việt Nam hiện nay. Fanpage được lập ra với mục đích đem lại những thông điệp sống ý nghĩa, có ích đối với các bạn trẻ, bởi cuộc sống là thứ quan trọng nhất và cần được trân trọng mỗi ngày. Tư liệu: WWF Theo Infonet |
Theo Zing