Dân Trung Quốc tranh cãi về dịch vụ mừng tuổi trực tuyến
Nhiều người Trung Quốc nói mừng tuổi trực tuyến vẫn thể hiện sự quan tâm giữa các thành viên trong gia đình, song theo nhiều ý kiến khác, dịch vụ đang hủy hoại Tết âm lịch.
Bùng nổ
Xuất hiện từ năm ngoái, song chuyển tiền mừng tuổi qua mạng chỉ thực sự trở thành một hiện tượng trên khắp Trung Quốc vào dịp Tết Ất Mùi. Những bao lì xì phiên bản kỹ thuật số là sự kết hợp hiệu quả giữa những trò chơi tương tác trực tuyến với nét đẹp truyền thống do người lớn tặng phong bao đỏ hay còn gọi là “hongbao” cho con cái và bạn bè trong dịp năm mới, theo South China Morning Post. Hai tập đoàn Internet và mua sắm trực tuyến hàng đầu Trung Quốc gồm Tencent và Alibaba đã tung ra thị trường các bao lì xì trị giá hàng triệu nhân dân tệ hoặc phiếu giảm giá trên mạng cho khách hàng. Nhiều công ty Internet khác như JD.com hay nhà cung cấp dịch vụ taxi Kuaidi Dache cũng nhanh tay tung ra những “hongbao” trực tuyến. Thậm chí, tờ Nhân dân Nhật báo – cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc – cũng phát hành những bao lì xì ảo với tổng trị giá 10.000 nhân dân tệ (tương đương 1.630 USD) để tặng khách hàng sử dụng ấn phẩm của họ trên điện thoại. Một trong những cách phổ biến để khách hàng gửi bao lì xì trực tuyến cho bạn bè là thông qua dịch vụ nhắn tin trực tuyến WeChat của tập đoàn công nghệ Tencent. Người dùng cũng có thể chuyến tiền tới Wallet WeChat, một dịch vụ chi trả trực tuyến khác. Các bao lì xì “ảo” sẽ xuất hiện trong danh sách những nhóm bạn bè trên mạng. Chỉ những người đủ nhanh mới có thể kích vào chúng để lấy tiền. Dịch vụ lì xì trực tuyến đã làm “chao đảo” một bộ phận khách hàng dù số tiền rất nhỏ, chỉ một hoặc hai nhân dân tệ. Theo tập đoàn Tencent, chỉ riêng đêm giao thừa, người dân đã gửi những bao lì xì với tổng trị giá 1 tỷ nhân dân tệ (khoảng 164 triệu USD) qua dịch vụ WeChat. Trong khi đó, hãng Alibaba cho biết, 683 triệu khách hàng sử dụng dịch vụ Alipa của hãng để gửi những bao “hongbao” ảo trị giá khoảng 4 tỷ nhân dân tệ (tương đương 656 triệu USD). Chủ đề gây tranh cãi
Hiện tượng lì xì “ảo” trở thành chủ đề tranh luận trên phương tiện truyền thông nhà nước, thậm chí giữa các chi nhánh khác nhau của Tân Hoa Xã – hãng thông tấn chính thức của Trung Quốc. Một bài báo hôm 21/2 trên trang web của chi nhánh Tân Hoa Xã tại thành phố Vũ Hán cho rằng, các nghi lễ chào đón năm mới tại Trung Quốc nên thay đổi để phù hợp với từng giai đoạn. Theo nội dung trên trang web, Tết âm lịch thường diễn ra với các lễ hội đèn lồng, cuộc gặp gỡ tại đền, chùa hay xem hát opera truyền thống. Nhưng trong thời đại kỹ thuật số, những phong bao lì xì trực tuyến vẫn gìn giữ các giá trị cốt lõi của các cuộc đoàn tụ gia đình, rũ bỏ những lề thói cũ và chào đón những niềm vui mới cùng ước muốn một năm mới thịnh vượng, đồng thời thể hiện sự quan tâm lẫn nhau giữa các thành viên gia đình, bạn bè và đồng nghiệp. Trong khi đó, chi nhánh Tân Hoa Xã ở thành phố Tây An trích dẫn nhiều ý kiến cho rằng, số người thờ ơ với tình cảm gia đình đang tăng dần. Họ chỉ quan tâm tới việc nhận những bao lì xì trực tuyến trên điện thoại di động. “Mọi thứ sẽ gây nên tác động tiêu cực khi vượt qua giới hạn. Người ta bắt gặp hình ảnh một chàng trai đi bộ hàng nghìn km về nhà chỉ để dán mắt vào màn hình điện thoại và không quan tâm tới bố mẹ”, chi nhánh Tân Hoa Xã tại Tây An dẫn lời một độc giả. Thậm chí nhiều người khác cho rằng, dịch vụ chuyển lì xì trực tuyến đang hủy hoại Tết âm lịch tại Trung Quốc. “Những phong bao màu đỏ trông đẹp mắt, nhưng chúng không thể thay thế gương mặt cùng nụ cười ấm áp của người thân trong gia đình bạn”, một độc giả khẳng định. Hải Anh |
Theo Zing