Chảy máu sách quý hiếm: Những cuộc ‘xuất ngoại’ đau xót
Vì không nhà sưu tập nào mạnh tay bỏ ra 20 triệu, giới chơi sách đành ngậm ngùi nhìn quyển sách của Trương Vĩnh Ký niên đại 1875 bản chép tay in thạch bản rơi vào tay một Việt kiều
Đó chỉ là một trong những thương vụ mới xảy ra, trong khi giới sưu tập sách cổ, sách quý hiếm đang chứng kiến tình trạng chảy máu sách quý hiếm chưa có dấu hiệu dừng lại.
Từ sách trên trăm tuổi…
Cuối năm 2012, nhà sưu tập T. tại TP.HCM cho biết sẽ phải thanh lý tủ sách của mình vì lý do tài chính riêng. Ngay lập tức những nhà sưu tập trong giới hỏi ông quyển Cours de caractères Chinois à l’usage des Français của Petrus Ký giá bao nhiêu, nhưng rồi tất cả đều lặng im khi nghe chủ sách báo giá 20 triệu đồng không bớt một đồng. Đây là quyển vốn xuất xứ từ tủ sách của nhà sưu tập Vương Hồng Sển. Ông Vương Hồng Sển rất tâm đắc quyển này, từng nhắc đến khi viết quyển Thú chơi sách.
Sách do học giả Trương Vĩnh Ký soạn để giúp các quan người Pháp học chữ Hán, chữ chép tay, in thạch bản, vì thế thuộc vào hàng cực hiếm. Giới chơi sách ước lượng với kỹ thuật in thạch bản vào năm 1875, có lẽ số lượng sách không quá mười quyển. Một bản sách như thế trải qua bao thăng trầm biến động vẫn được giữ tại Việt Nam, nhưng đến năm 2012 đành theo tay một Việt kiều đi Mỹ khiến giới sưu tập tiếc mãi khôn nguôi.
Điều đáng tiếc hơn, TS ngôn ngữ học Hoàng Dũng từng quan tâm đến quyển này vì bản thân nó chứa đựng nội dung ngôn ngữ học thuộc chuyên môn của ông, nhưng đến khi người chủ sách bán đi, ông Hoàng Dũng vẫn chưa kịp chụp lại một bản sao.
Ngoài ra, trong tủ sách của ông T. còn khoảng 30 quyển thuộc tủ sách Tự Lực Văn Đoàn, sách đẹp, in từ trước năm 1945, từng chiếm 1/3 trong số sách triển lãm nhân hội thảo 80 năm Tự Lực Văn Đoàn tổ chức tại TP.HCM hồi tháng 10/2012. Nhưng rồi toàn bộ loạt sách ấy đã được bán sang Mỹ, cùng với cả tủ sách với giá hơn 200 triệu đồng. Số tiền này quá lớn so với dân sưu tập trong nước, nhưng với những “thương lái” nước ngoài thì 10.000 USD chỉ là “của một đồng” trong một thương vụ mua được toàn sách quý, do một nhà sưu tập tích cóp nhiều năm tháng với “công một nén” mới có được.
Ông T. đề nghị không nêu tên vì thật ra ông cũng đứt ruột nhìn tủ sách của mình “chảy” ra nước ngoài. Trong đó có cả những quyển mà giới sưu tập trong nước hiện đang săn tìm như: Nho giáo của Trần Trọng Kim bản in lần đầu năm 1932-1933, quyển 83 năm nước Pháp với Việt Nam đã mấy lần ký hiệp ước của Nguyễn Kỳ Nam in năm 1946, Giọt sương hoa của Nguyễn Văn Hạnh, Diễm hương trang của Phan Văn Dật, Hoa niên của Tế Hanh… tất cả đều lên đường đi Mỹ.
Đến giữa năm 2013, giới sưu tập trong nước một lần nữa nín thở nhìn trọn bộ Những kẻ khốn nạn (Les misérables của Victor Hugo) do Nguyễn Văn Vĩnh dịch, bản in của Trung Bắc Tân Văn từ những năm 1920 lọt vào tay một Việt kiều châu Âu. Bộ này của ông B., một nhà sưu tập tại TP.HCM, nhiều năm trước đã mua được từ tủ sách của nhà báo kỳ cựu Nguyễn Vạn An. Tuy nhiên, khi một Việt kiều châu Âu chuyên sưu tập đem về Việt Nam một lô sách trị giá 7.000 USD (trong đó có hai quyển sách ảnh Annam-Tonkin và Cambodge của Pierre Dieulefils trị giá 5.000 USD trên thị trường sách cũ các nước) thì ông B. đồng ý đổi bộ Những kẻ khốn nạn.
Giới sưu tập phân tích: bộ sách của Nguyễn Văn Vĩnh thật hiếm, nhưng bộ sách ảnh kia giá cao, nếu một nhà sưu tập Việt Nam “hi sinh” bộ Những kẻ khốn nạn để đổi loạt sách quý hiếm đắt tiền kia cũng là hợp lẽ, bởi nếu không bằng cách đổi sẽ chẳng ai đủ “lực” để bỏ ra 5.000 USD mua hai quyển sách ảnh kia.
Dù vậy, hiện nay những nhà sưu tập có tiếng như Vũ Hà Tuệ, Hoàng Minh tại TP.HCM đều thừa nhận mình không có đủ bộ Những kẻ khốn nạn, và cũng không biết ở Việt Nam hiện còn ai đang sở hữu trọn vẹn bộ sách này, kể cả con cháu gia đình Nguyễn Văn Vĩnh. Bộ sách đã “chảy” sang châu Âu có lẽ là một trong những bộ hiếm hoi còn đủ tập và sách được bảo quản tốt.
Tài liệu nghiên cứu cũng ra đi
Vài năm trước đây, giới sưu tập và cả những nhà nghiên cứu chấn động trước tin ông C. ở phố Bát Đàn (Hà Nội) đã bán loạt tài liệu về cải cách ruộng đất cho một nhà nghiên cứu người Mỹ. Đây là bộ tài liệu quý và quan trọng, do ông C. dày công sưu tầm tích cóp trong nhiều năm trên địa bàn nhiều tỉnh phía Bắc. Những người trong giới ước tính loạt tài liệu này phải 200-300 đầu tài liệu, bao gồm nội san, bản tin của các tổ đội, các đoàn công tác trong cải cách ruộng đất, kể cả các cẩm nang dành cho cán bộ, những thông tin tổng kết các đợt cải cách… Thế nhưng, số tư liệu gốc này đã thuộc về một nhà nghiên cứu người Mỹ – được biết đến như một người chuyên nghiên cứu về giai đoạn cải cách ruộng đất tại Việt Nam thời kỳ 1950-1960.
Tuy nhiên, trường hợp này học giới phía Bắc may mắn hơn trường hợp quyển sách của Trương Vĩnh Ký kể trên, bởi có người đã nhanh tay photo được một bộ tài liệu của ông C. trước khi ông này bán cho người Mỹ. Và đến nay, giới sưu tập vẫn chưa ai biết chính xác giá tiền trả để loạt tài liệu này “chảy” sang Mỹ. Người trong giới chỉ tin rằng giá ấy không hề rẻ.
Thật ra, từ lâu giới nghiên cứu vẫn biết những trường hợp các nhà nghiên cứu hoặc giới thư viện nước ngoài tìm đến Việt Nam săn tìm tài liệu. Sau năm 1975, ở TP.HCM có ông Th. bán sách chỗ nhà sách Xuân Thu (cũ) nổi tiếng là người chuyên săn tìm tài liệu cho người nước ngoài. Việc làm ấy dần tạo nên “thương hiệu” kiểu như ông C. ở Bát Đàn: những nhà nghiên cứu nước ngoài sẽ mách nhau, và những người muốn tìm tài liệu tại Việt Nam khi sang đây trước hết đều tìm đến các địa chỉ đã biết ấy.
Cách đây khoảng ba tháng, một quyển tuồng Kim Thạch kỳ duyên của Bùi Hữu Nghĩa bản in năm 1895 cũng “chảy” sang châu Âu. Tình hình như thế nghĩa là cơ hội để các nhà nghiên cứu trong nước chạm tay vào các tài liệu gốc của Việt Nam ngày một khó khăn hơn.
Ngoài sách, ở TP.HCM còn có những người chuyên sưu tầm tranh minh họa của các họa sĩ danh tiếng Việt Nam bán ra nước ngoài. Đối tượng săn lùng của họ là phụ bản các tập Kiều văn họa với tranh của những danh họa Trường Mỹ thuật Đông Dương như: Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Đỗ Cung, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tường Lân… Lại có người cắt cả bìa báo Ngày Nay bán ra nước ngoài, chỉ vì cái bìa ấy in nguyên bức tranh của Nguyễn Gia Trí. Rồi đây, có lẽ đến một lúc muốn cần nghiên cứu các dòng tranh mỹ thuật buổi đầu của Việt Nam thì đành xem công trình và tài liệu gốc từ… nước ngoài.
Thiệt thòi rất lớn cho nghiên cứu khoa học
Bất cứ tư liệu, sách vở cổ quý hiếm nào đều được coi là di sản văn hóa. Không đâu hiểu giá trị và phát huy giá trị những di sản văn hóa đó bằng cộng đồng dân cư tại đất nước đã sáng tạo và lưu giữ lâu đời. Việc “chảy máu” tư liệu sách cổ quý hiếm ra nước ngoài cho thấy hai vấn đề: 1. Nguồn tài liệu sách cổ này chưa được chúng ta quan tâm sưu tầm, bảo quản và gìn giữ đúng mức, xứng với giá trị của chúng. 2. Khi nguồn tài liệu này đã ra đi thì giới nghiên cứu trong nước rất khó có điều kiện để tiếp cận, khai thác. Thiệt thòi rất lớn cho nghiên cứu khoa học.
Nhiều quốc gia khác có truyền thống lưu giữ những tài liệu sách vở quý. Các thư viện, trung tâm lưu trữ được ưu tiên sưu tầm những tài liệu và sách cổ. Thư viện nhà nước và các trung tâm lưu trữ thường xuyên được chuyển giao những tài liệu, hiện vật có giá trị để lưu giữ, nhất là nguồn tài liệu, tư liệu của các cơ quan công quyền. Việc lưu giữ như vậy thể hiện trách nhiệm đối với tương lai vì đây là những tài liệu gốc phục vụ nghiên cứu lịch sử nói riêng và nhiều việc khác, bởi cả xã hội đều hiểu: “Tri thức càng chia cho nhiều người thì giá trị của nó càng được nhân lên nhiều lần”.
Hiện có tình trạng những tài liệu gốc đã rời khỏi nhà sưu tập hay đi khỏi nước ta thì hầu như không còn cơ hội quay về! Đặc biệt, tài liệu gốc của một sự kiện, một nhân vật lịch sử của thời cận, hiện đại thường không có nhiều bản, hoặc được gia đình lưu giữ, hoặc do cơ quan công quyền lưu trữ. Khi còn trong nước đã hiếm người được tiếp cận, nghiên cứu nên nhiều vấn đề lịch sử chậm được giải mã, thậm chí có khi không bao giờ được đề cập do không có tài liệu gốc để nghiên cứu, minh chứng tính chất, nguyên nhân, hậu quả… Do đó, lịch sử được viết lại sẽ khó đảm bảo tính trung thực khách quan. Ngoài ra, nếu tài liệu gốc, nhất là tài liệu lịch sử, sau một thời gian nhất định không được công bố chính thức (như ở nhiều nước đã có luật quy định điều này, tối đa là 50 năm) thì rất có thể sẽ có những tài liệu giả được lập ra vì một mục đích nào đó.
TS Nguyễn Thị Hậu / Theo Tuổi Trẻ