Đàn tranh và chuông cổ được phát hiện tại một khu mộ phức hợp
Một số loại hình nhạc cụ cổ xưa đã được các nhà khảo cổ phát hiện trong khu mộ phức hợp thuộc thành phố Tảo Dương, Trung Quốc.
China Daily cho biết, theo nhà khảo cổ học, các nhạc cụ cổ này được phát hiện trong khu mộ cổ tại Hồ Bắc.
Nhạc cụ có dây tên là “Sắt” (瑟), với niên đại lên đến hàng nghìn năm, với thiết kế độc đáo bao gồm một tấm gỗ phẳng dài và 50 dây tơ.
Đây là nhạc cụ được sử dụng trong tầng lớp thượng lưu trong các nghi lễ cúng tế thần. Theo thời gian, loại nhạc cụ này được phát triển thành cổ tranh (古箏) hay đàn tranh ngày nay.
Sắt là một trong những nhạc cụ có dây quan trọng nhất được tạo ra trong dàn nhạc cụ Trung Hoa, nhưng hiện nay rất ít nghệ sĩ đương đại có thể chơi được loại nhạc cụ này.
Đồng thời, các nhà khảo cổ cũng phát hiện ra một dàn chuông cổ bằng đồng. Nền văn hóa lâu đời của dân tộc Trung Hoa vốn là “nền văn hóa gắn liền với những chiếc chuông”. Dàn chuông cổ bằng đồng này có tuổi khoảng vài nghìn năm, và là dàn chông lớn nhất được tìm thấy từ trước đến nay, thường được sử dụng trong âm nhạc nghi lễ cung đình. Những chiếc chuông đồng được treo vào giá gỗ và đánh bằng dùi hoặc vồ.
Theo Tân Hoa Xã, dàn chuông dài 4,7m. Những chiếc chuông được trang trí với hoa văn và biểu tượng hoàng tộc Trung Hoa như rồng phụng.
Khu mộ phức hợp được xây dựng khá phức tạp bao gồm ít nhất 30 ngôi mộ với các kích cỡ khác nhau. Một số vật cổ khác cũng được phát hiện trong các hố chôn lớn là ngựa, xe và vũ khí.
Theo trang khảo cổ Haaretz, 28 cỗ xe ngựa và 49 cặp hài cốt ngựa được chôn trong những ngôi mộ thuộc tầng lớp quý tộc quyền quý. Những cặp ngựa và xe được đặt vị trí tốt nhất trong các ngôi mộ.
Các hiện vật quý trong khu mộ đã giúp các nhà nghiên cứu hiểu hơn về sự phát triển âm nhạc của thời kỳ này, và cũng minh chứng rằng Tăng quốc thời Xuân Thu (771-476 BC) nắm giữ quyền lực mạnh mẽ hơn so với quan điểm của các nhà khảo cổ trước đây. Các nhà nghiên cứu đang tiếp tục khai quật khu mộ để tìm hiểu thêm về các bí ẩn cổ xưa .
Tuệ Nhi – Theo Acient Origins