Mỹ, Nhật và Hàn Quốc ký thỏa thuận quân sự hiếm hoi về Triều Tiên
Hôm Thứ Sáu (26/12), Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho hay, ba nước Mỹ, Nhật, Hàn đồng ý ký kết một thỏa thuận quân sự hiếm hoi nhằm chia sẻ thông tin tình báo về chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
Phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc thông báo, thỏa thuận sẽ được ký kết vào ngày thứ Hai (29/12) tới.
Thỏa thuận này ký kết trong bối cảnh quan ngại về chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên đang dâng cao, và chương trình này được xem như một mối nguy an ninh trong khu vực Thái Bình Dương và cả trên thế giới.
Triều Tiên từng nhiều lần đe dọa sẽ tấn công hạt nhân vào Mỹ và Hàn Quốc. Gần đây, nước này tiếp tục lặp lại hành động trên khi Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết lên án Bình Nhưỡng vi phạm nhân quyền và khi Mỹ cáo buộc Bình Nhưỡng đạo diễn vụ tấn công mạng vào Sony.
Hôm Thứ Sáu (26/12), phát ngôn viên Bộ quốc phòng Hàn Quốc cho biết, “Thỏa thuận này sẽ giúp ngăn chặn những hành động khiêu khích của Triều Tiên. Chúng tôi hy vọng nó cũng sẽ giúp ba quốc gia ký kết có thể đáp trả nhanh chóng những nguy cơ hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên”.
Trước làn sóng phản đối của người dân Hàn Quốc trong việc hợp tác cùng Nhật, phạm vi thông tin được chia sẻ giữa ba nước sẽ chỉ bao gồm những thông tin tình báo về nguy cơ từ Triều Tiên. Đồng thời, Hàn Quốc sẽ không chuyển giao thông tin trực tiếp cho Nhật mà sẽ qua trung gian là Mỹ, bởi Seoul và Tokyo từ lâu đã không tin tưởng vào đối phương.
Mỹ, nước hiện đang hợp tác song phương với Nhật và Hàn trong lĩnh vực quân sự, cũng đưa ra sáng kiến thúc đẩy hợp tác quốc phòng sâu rộng hơn giữa các đồng minh để đối phó với sức ảnh hưởng đang gia tăng trong khu vực của Trung Quốc.
Tuy nhiên, những cuộc đàm phán để xây dựng một liên minh song phương giữa Seoul và Tokyo đã “tan thành mây khói” khi những tranh chấp lãnh thổ trên biển Hoa Đông nổi lên giữa hai nước.
Bên cạnh đó, những mối bất hòa về thời kỳ chiếm đóng của Nhật trên bán đảo Triều Tiên từ năm 1910-1945 cũng góp phần khiến quan hệ Nhât – Hàn tụt xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua.
Hàn Quốc và Trung Quốc, vốn đã có các tranh chấp lãnh thổ với Tokyo, hiện đang xem xét những thay đổi gây tranh cãi trong lập trường hòa bình của Nhật với con mắt ngờ vực.
Hơn nữa, Hàn Quốc cũng rất lưỡng lự trước đề nghị tham gia hệ thống phòng thủ tên lửa do Mỹ đứng đầu nhằm đề phòng Trung Quốc, bởi Seoul đang cố gắng mở rộng mối quan hệ chiến lược với Bắc Kinh.
Theo Dân Trí