Châu Âu chịu tác động lớn vì trừng phạt Nga
Tại hội chợ công nghệ tại Moscow tháng trước, các nhà quản lý doanh nghiệp châu Âu đã phải đối mặt với thực trạng mới trong hợp tác kinh doanh ở Nga kể từ khi phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt: Số lượng công ty tại buổi trưng bày quốc tế giảm một nửa so với năm trước.
“Tác động của chuyện này đối với việc kinh doanh đã quá rõ ràng”, Mark Bultinck, một giám đốc bán hàng của tập đoàn sản xuất màn hình kỹ thuật số Barco của Bỉ tham dự hội chợ cho biết.
Các lệnh trừng phạt ảnh hưởng sâu sắc đến Barco.
Barco đã để mất một trong những khách hàng của mình là hãng đóng tàu lớn nhất ở Nga khi Hoa Kỳ và EU đưa Tập đoàn Đóng tàu Liên Hợp vào danh sách đen hồi Tháng 7, nghĩa là Barco không thể bán màn hình để chế tạo thiết bị mô phỏng huấn luyện điều khiển tàu cho tập đoàn này.
Sự việc xảy ra đối với Barco cho thấy cách xử phạt tạo ra ảnh hưởng lớn không chỉ đối với các công ty Nga mà còn cả những đối tác châu Âu, nhất là trong thời điểm nền kinh tế suy yếu của EU khó có thể hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh trong khối.
Trong khi EU đang cân nhắc đưa thêm nhiều nhân vật ly khai Ukraine cùng nhiều cá nhân và công ty của Nga vào danh sách đen trừng phạt, thì số liệu kinh tế mới công bố của EU cho thấy nền kinh tế châu Âu đã trả giá khi gây sức ép lên điện Kremlin.
Trong Tháng 8, một tháng sau khi các lệnh trừng phạt được thực thi, kim ngạch xuất khẩu của EU sang Nga giảm 19% xuống còn 7,9 tỷ EUR (9,91 tỷ USD), mất gần 2 tỷ EUR so với Tháng 7, theo cơ quan thống kê Eurostat của EU.
Mặc dù dữ liệu này không được điều chỉnh vì những thay đổi theo mùa nhưng kim ngạch xuất khẩu cũng đã giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái, thời điểm lẽ ra phải rất bận rộn đối với các nhà xuất khẩu.
Sự sụt giảm một phần cũng do lệnh cấm vận thực phẩm mà Nga dùng để đáp trả biện pháp trừng phạt của phương Tây.
Cũng trong Tháng 8, máy móc và các thiết bị vận tải như xe hơi và máy kéo đã giảm 23% so với Tháng 7 và giảm 21% so với cách đây một năm.
Giá trị xuất khẩu hàng dân dụng của 28 nước thành viên EU đã giảm 16% trong Tháng 8. Đức là quốc gia chiếm ⅓ giá trị hàng xuất qua Nga cũng có doanh số sụt giảm mạnh, trong khi đó, hàng dân dụng xuất khẩu của Italy sang Nga cũng giảm gần 1 nửa.
Ảnh hưởng của lệnh trừng phạt này xuất phát từ việc các công ty EU nếu không được cấp phép thì không thể xuất những mặt hàng dân dụng để quân đội dùng, bất kể mặt hàng đó nhỏ đến mức nào.
Máy kéo, cần cẩu, máy xúc và các bộ phận cơ khí cần thiết để sửa chữa xe hơi, xe tải muốn bán đều cần phải được cấp phép.
Không có giấy phép có thể khiến nhà xuất khẩu chịu một khoản tiền phạt lên đến 10% tổng giá trị lô hàng, các quan chức cho biết.
Tuy nhiên, thời gian chờ đợi cấp phép có thể trì hoãn việc xuất khẩu 2 – 3 tháng vì có quá nhiều sản phẩm cần giấy phép, theo đó hải quan phải chịu một gánh nặng hành chính lớn.
Hàn Mai, Hồ Duyên – Theo Reuters